Tác động khôn lường của biến đổi khí hậu được cảnh báo từ lâu và các quốc gia trên thế giới đã có những nỗ lực toàn cầu để ngăn chặn. Tuy vậy, những gì loài người cam kết và đã làm chưa đủ mạnh để có thể làm chậm lại quá trình này.
Biến đổi khí hậu đã gây những hệ quả khôn lường. Ảnh minh họa. (Nguồn: triptych) |
Trước những hiểm họa biến đổi khí hậu, Liên hợp quốc (LHQ) với hai cơ quan chuyên môn chính là Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) và Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) đã tập hợp nhiều nhà khoa học, chuyên gia trên thế giới bàn bạc, nhất trí cần phải có một Công ước quốc tế về khí hậu, tạo cơ sở pháp lý để ứng phó với những diễn biến tiêu cực đang ập đến.
Hành trình dài
Ngày 9/5/1992, Công ước khung của LHQ về Biến đổi khí hậu (UNFCCC) với mục tiêu đưa mức thải nhà kính vào khí quyển đạt mức ổn định và ngăn chặn sự can thiệp quá mức của con người đối với môi trường, đã được chấp thuận tại trụ sở LHQ ở New York, Mỹ, sau một quá trình dài soạn thảo.
UNFCCC bắt đầu được đàm phán tại Hội nghị LHQ về Môi trường và Phát triển (UNCED), còn gọi là Hội nghị thượng đỉnh Trái đất tại Rio de Janeiro, Brazil từ ngày 3-14/6/1992. Tuy nhiên, UNFCCC ban đầu không ràng buộc giới hạn phát thải khí nhà kính đối với các quốc gia đơn lẻ và không đề ra cơ chế thực thi, ràng buộc cụ thể. Thay vào đó Công ước cung cấp khuôn khổ cho đàm phán các hiệp ước hay các nghị định thư đặt ra giới hạn và ràng buộc về khí thải nhà kính. UNFCCC được mở ra cho các bên tham gia ký kết từ ngày 9/5/1992 và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 21/3/1994. Đến nay, UNFCCC có 198 bên tham gia, trong đó Việt Nam tham gia từ ngày 11/6/1992.
Kể từ năm 1995, các bên tham gia Công ước họp thường niên tại Hội nghị các bên (COP) đánh giá tiến trình đối phó với biến đổi khí hậu theo thoả thuận UNFCCC. Hội nghị COP đầu tiên họp tại Berlin, Đức. Năm 1997, Công ước tiến thêm một bước quan trọng khi Nghị định thư Kyoto được ký kết tại COP3 ở Nhật Bản. Nghị định thư Kyoto yêu cầu các nước tham gia cam kết đạt được các mục tiêu về thải khí nhà kính được xác định cụ thể cho từng nước. Chính thức có hiệu lực tháng 2/2005, đến tháng 2/2009, đã có 184 quốc gia tham gia Nghị định thư Kyoto. Việt Nam ký Nghị định thư ngày 3/12/1998 và phê chuẩn vào ngày 25/9/2002.
Nghị định thư Kyoto được cho là một trong những tiền đề hình thành nên khái niệm “ngoại giao khí hậu” khi các diễn biễn phức tạp của khí hậu cùng các hệ quả gây ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ quốc tế. Những quốc gia công nghiệp và các nước phát triển được cho là “thủ phạm” chính gây ra sự biến đổi khí hậu nhưng những nước gánh chịu hậu quả nặng nề nhất lại là các quốc gia đang phát triển. Các nước phát triển dù cam kết đi đầu trong việc cắt giảm lượng khí thải nhà kính theo Nghị định thư, nhưng thực tế lại tìm nhiều cách lảng tránh, trì hoãn phê chuẩn, thực hiện… Mỹ là quốc gia chiếm đến 25% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính nhưng không phê chuẩn Nghị định thư Kyoto vì cho rằng sẽ gây thiệt hại đối với kinh tế.
Từ năm 2009, các bên tham gia UNFCCC bắt đầu tính đến một thỏa thuận môi trường với các ràng buộc pháp lý cụ thể hơn thay thế Nghị định thư Kyoto hết hiệu lực vào năm 2012 (sau này được gia hạn đến 2020). Tại COP16 ở Cancun (Mexico) năm 2010, các bên tham gia thông qua tuyên bố chung cho rằng sự ấm lên toàn cầu trong tương lai cần được giới hạn dưới 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tuy nhiên, sau nhiều tranh luận và đàm phán căng thẳng do xung đột lợi ích, các bên tham gia chưa thể đưa ra một văn bản mới tiến bộ hơn thay thế cho Nghị định thư Kyoto.
Đến ngày 12/12/2015, sau nhiều vòng đàm phán, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu mới được thông qua tại COP21 ở Paris (Pháp) và có hiệu lực từ ngày 4/11/2016, tạo bước đột phá trong nỗ lực kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Thỏa thuận duy trì mục tiêu hạn chế tình trạng nóng lên của Trái đất ở mức dưới 2°C và nỗ lực cho mục tiêu tham vọng hơn là 1,5°C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Hiệp định đưa ra việc các nước phát triển sẽ huy động tối thiểu 100 tỷ USD mỗi năm (từ khi hiệp định có hiệu lực) tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không thực hiện được.
Không ít thăng trầm
Kể từ COP21, thế giới trải qua hành trình dài với không ít thăng trầm trong việc hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris. Ngay tại COP22 ở Morocco năm 2016, các bên tham gia thông qua kế hoạch sơ bộ thực hiện Hiệp định Paris. Tại COP23 ở Bonn, Đức tháng 12/2017, các bên nhất trí giữ vững cam kết tham vọng đạt được tại Pháp, bất chấp việc Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi Hiệp định Paris từ tháng 11/2019.
Tại COP24 ở Ba Lan năm 2018, các bên vượt qua rất nhiều bất đồng để thống nhất Chương trình nghị sự thực hiện Hiệp định Paris. Tuy nhiên, năm 2019 đã chứng kiến bước thụt lùi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu khi Mỹ chính thức rút khỏi Hiệp định Paris. Đến COP25 tại Madrid, Tây Ban Nha, các bên tham gia lại chia rẽ về trách nhiệm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính…
Hy vọng được đặt vào COP26 tại Glasgow, Vương quốc Anh tháng 11/2021 (bị lùi lại một năm do Covid-19). Tất cả 197 bên tham gia UNFCCC đã tái khẳng định duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.
Hiệp ước Glasgow thúc giục các nước phát triển sớm hoàn thành mục tiêu 100 tỷ USD đã đề ra tại Hội nghị Paris 2015 cũng như cam kết tăng gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019 đến năm 2025, nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch trong việc thực hiện cam kết. Tại COP26, hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030. Gần 100 nước cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí methane, 40 quốc gia, trong đó có Việt Nam, cam kết bỏ điện than…
Đặc biệt, tại COP26, Mỹ và Trung Quốc ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, cam kết hợp tác nhằm đạt mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0, giải quyết các vấn đề phát thải khí methane, chuyển đổi sang năng lượng sạch và giảm phát thải carbon. Thỏa thuận giữa hai quốc gia phát thải lớn nhất thế giới được xem là một bước quan trọng để đạt mục tiêu khống chế mức gia tăng nhiệt độ trên toàn cầu ở ngưỡng 1,5°C.
COP26 chứng kiến cam kết của 450 tổ chức tài chính, quản lý tổng số tài sản trị giá 130 nghìn tỷ USD, tương đương 40% tài sản tư nhân toàn cầu, trong việc sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ công nghệ sạch như năng lượng tái tạo và loại bỏ tài trợ cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch…
Từ cam kết đến thực tiễn
Có thể nói, Hiệp định Paris đạt được tại COP21 và các cam kết mới tại COP26 cho thấy nỗ lực lớn của thế giới trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên, thực hiện như thế nào là cả một câu chuyện dài. Từ những mục tiêu, cam kết trên giấy tờ đến thực trạng đang diễn ra quả là nhiều thách thức. Theo cảnh báo của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu đang đe dọa nghiêm trọng sự sống trên Trái đất, khi mà thiên tai và thảm họa do biến đổi khí hậu đã tăng gấp năm lần so với 50 năm trước.
Nhiều kỷ lục khí hậu trong năm 2023 có biên độ chênh lệch lớn so với các mốc kỷ lục từng ghi nhận trước đây, đặc biệt là nhiệt độ ở các đại dương, nơi hấp thụ gần như toàn bộ lượng nhiệt dư thừa do ô nhiễm không khí mà con người gây ra. Trước năm 2023, số ngày có nhiệt độ trung bình toàn cầu lớn hơn 1,5°C so với các mức ghi nhận trong thời kỳ tiền công nghiệp rất hiếm. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến giữa tháng Chín vừa qua, đã có tới 38 ngày có mức nhiệt cao vượt ngưỡng so với các mức kỷ lục của thời kỳ tiền công nghiệp. Cơ quan giám sát khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) cho biết ba tháng 7, 8, 9 của năm 2023 là quãng thời gian nóng nhất từng ghi nhận và có thể là nóng chưa từng có trong khoảng 120.000 năm qua.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nếu nhiệt độ bề mặt Trái đất tăng 2°C so với mức nhiệt thời kỳ tiền công nghiệp, mỗi năm có một tuần khoảng 750 triệu người có thể sẽ phải hứng chịu điều kiện khí hậu nóng ẩm có nguy cơ dẫn đến tử vong. Nếu mức tăng nhiệt là 3°C, số người phải đối mặt với nguy cơ nói trên sẽ tăng lên mức hơn 1,5 tỷ người. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan do biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại trung bình mỗi năm 143 tỷ USD đối với nền kinh tế toàn cầu, bao gồm tổn thất về người (90 tỷ USD) và thiệt hại về kinh tế (53 tỷ USD).
Trong bối cảnh như thế, ông Johan Rockstrom – Giám đốc Viện Nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam, cho rằng COP28 sắp diễn ra tại UAE là cơ hội cuối cùng đưa ra “những cam kết đáng tin cậy để bắt đầu cắt giảm lượng khí CO2 sinh ra từ quá trình sử dụng nhiên liệu hóa thạch”. Ông Rockstrom kêu gọi các nền kinh tế lớn, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc và EU, tăng cường giải quyết khủng hoảng khí hậu bởi mục tiêu kiềm chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5°C là “không thể thương lượng”.
Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius từng cảnh báo tại COP21, chúng ta chỉ có một Trái đất để sống. Chúng ta không thể có “kế hoạch B” trong biến đổi khi hậu vì con người không có “hành tinh B”.