Đang là thầy giáo dạy nhạc ở TP HCM, anh Phong Phú quyết định tìm cơ hội mới, giành học bổng thạc sĩ, tiến sĩ, rồi được nhận làm giảng viên về Giáo dục âm nhạc ở Mỹ.
Vũ Đức Phong Phú, 27 tuổi, hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ về Giáo dục Âm nhạc tại Đại học Công nghệ Texas (TTU), thành phố Lubbock, bang Texas, với học bổng toàn phần.
5 năm sau ngày đến Mỹ, Phú tự hào khi chương trình giảng dạy piano đại chúng do anh viết được tài trợ để xuất bản ở 50 tiểu bang; tham gia dự án sản xuất âm nhạc với Disney+; lọt top 15 nhà giáo dục âm nhạc trẻ của Hiệp hội Giáo dục âm nhạc Mỹ.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ có được ngày hôm nay”, Phú nói.
Sinh ra trong gia đình có bố, mẹ đều phục vụ trong ca đoàn nhà thờ, Phú sớm có niềm đam mê âm nhạc, được học piano từ nhỏ. Tốt nghiệp Đại học Sài Gòn năm 2017, Phú làm giáo viên dạy nhạc tại trường THCS Chu Văn An, giảng viên đệm đàn hợp đồng ở Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM. Ngoài dạy học, anh còn biểu diễn và hợp tác với một số nghệ sĩ, có thu nhập tốt.
Một lần, Phú được người thân giới thiệu về Đại học Bang Georgia (GSU). Sau khi tìm hiểu, anh quyết định nộp hồ sơ xin học bổng thạc sĩ của trường, với mong muốn nâng cao trình độ chuyên môn. Phú trải qua ba vòng gồm kiểm tra kỹ năng âm nhạc, viết luận và phỏng vấn.
Ở vòng viết luận, trường đưa ra một tình huống thực tế: Nếu được yêu cầu thiết kế chương trình giảng dạy để phát triển văn hóa âm nhạc đại chúng của Mỹ, ý tưởng của bạn là gì? Thay vì học piano trên nhạc cổ điển của châu Âu, Phú cho rằng học sinh nên học 4 kỹ năng piano trên văn hóa âm nhạc của Mỹ như nhạc jazz.
Lý giải, Phú cho rằng cốt lõi của giáo dục âm nhạc là dạy cho thế hệ sau biết để tiếp tục truyền thống âm nhạc quốc gia. Trong lúc giới trẻ hiện nay có nhiều thú vui như lướt TikTok, Facebook, chương trình được đưa vào nhà trường giúp các em vừa học kỹ năng piano, vừa phát triển văn hóa âm nhạc Mỹ. Nếu làm tốt ở trường, đề cương sau đó có thể xuất bản.
“Trường rất thích ý tưởng vì trước đó chưa ai làm”, Phú đánh giá.
Đề án này đã giúp anh chinh phục GSU để đến Mỹ với suất học bổng toàn phần ngành Giáo dục âm nhạc. Trước khi vào học chính thức, Phú mất hai năm để học bổ sung một số môn đại học và tiếng Anh học thuật, nghiên cứu.
“Tôi suy nghĩ rất nhiều, biết có thể tay trắng, song vẫn muốn đến Mỹ xem sao”, Phú nói.
Dù giao tiếp tiếng Anh tốt, thường xuyên làm việc với một số ban nhạc nước ngoài, khó khăn lớn nhất thời gian đầu sang Mỹ của anh vẫn là ngôn ngữ. Phú không nghe được bài giảng trên lớp, thậm chí không gọi được món ăn ở nhà hàng. Phú quyết tâm cải thiện.
Theo anh, ngôn ngữ giống như âm nhạc. Khi nghe một bài hát mà biết tông, nốt, tức cảm âm được, ngôn ngữ cũng vậy. Phú cho hay cách tốt nhất để luyện tiếng Anh là nghe đài và ra ngoài giao lưu, tham gia câu lạc bộ của trường để nói chuyện với người bản xứ. Sau một năm, anh đã có thể thoải mái sử dụng tiếng Anh.
Tốt nghiệp xuất sắc chương trình thạc sĩ năm 2022, Phú được trường bảo lãnh và giữ lại làm việc. Chương trình giảng dạy piano trong đại chúng của anh được Johnny Mercer Foundation, tổ chức phi chính phủ cung cấp tài liệu giáo dục, xuất bản làm tài liệu tham khảo cho các giáo viên âm nhạc ở 50 tiểu bang.
Bên cạnh nghiên cứu và giảng dạy, Phú tập trung phát triển các mối quan hệ. Nhờ đó, năm 2023, anh ký hợp đồng sản xuất âm nhạc với Disney +, được mời biểu diễn trên kênh truyền hình Atlanta TV, kênh thể thao ESPN và chương trình của một số đại học. Cùng năm này, anh được vào top 15 nhà giáo dục âm nhạc trẻ từ Hiệp hội Giáo dục âm nhạc Mỹ.
Cuối năm, Phú nhận học bổng tiến sĩ toàn phần, cùng vị trí giảng dạy tại trường Âm nhạc của Đại học Công nghệ Texas (TTU). Hiện, anh dạy học vào buổi sáng, với ba lớp/kỳ, và học vào buổi chiều. Anh cũng có studio dạy nhạc riêng và đầu tư bất động sản.
Là đồng nghiệp của Phú tại TTU, Guilherme Fernandes, giảng viên kiêm trợ lý nghiên cứu khoa Kỹ thuật cơ khí, ngưỡng mộ và tự hào về bạn thân người Việt Nam. Guilherme gặp Phú lần đầu tiên tại nhà thờ năm ngoái khi giảng viên người Việt đệm piano cho ca đoàn.
“Tôi rất ấn tượng với khả năng chơi đàn của Phú và muốn kết bạn vì chúng tôi chung trường”, Guilherme kể, cho biết quý mến Phú vì vui tính và thân thiện.
Theo Guilherme, ở trường, sinh viên thích học lớp thầy Phú và thường có đánh giá tốt. Phú được nhiều người biết tới vì xuất hiện trên báo, trên truyền hình, sân khấu. Chương trình giảng dạy piano do Phú thiết kế cũng được nhiều trường ở các bang sử dụng.
Nguyễn Ngô Phi Long, hiện là sinh viên ở TP HCM, nhớ như in những kỷ niệm học môn Âm nhạc lớp 8 với thầy Phú ở trường THCS Chu Văn An.
“Thầy dạy có tâm, luôn đưa ra ví dụ thực tế, thực hành trên piano để học sinh hiểu rõ hơn về bài học. Nhờ vậy tiết học của thầy không bị nhàm chán và chúng em cũng chú tâm hơn”, Long nhớ lại.
Những cựu sinh viên Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật TP HCM cũng nhớ và biết ơn vì được thầy Phú đệm đàn cho các kỳ thi học kỳ.
“Thầy đàn mượt và hay, em rất hài lòng và thi tốt”, Hồ Hoàng Hưng nói, cho biết vẫn dõi theo thầy trên mạng xã hội và thấy vinh dự vì được là học trò của thầy.
Phú gọi hành trình đã qua là “sự diệu kỳ”. Sau khi tốt nghiệp tiến sĩ, Anh dự định tiếp tục theo đuổi công việc giảng dạy ở đại học. Phú cũng mong mở được cơ sở dạy âm nhạc tại Mỹ, sau đó ở Việt Nam và các nước.
Phú nhìn nhận bí quyết thành công là luôn phát triển bản thân và tìm kiếm cơ hội. Nhiều bạn học ngành nhạc cùng với anh giỏi nhưng gặp rào cản về ngôn ngữ.
“Hãy tập trung học tiếng Anh tốt và không ngừng vươn lên”, anh chia sẻ.
Bình Minh