Sau Pháp thì Đức là thành viên Liên minh Châu Âu (EU) thứ hai ký kết với Anh thỏa thuận hợp tác về an ninh và quốc phòng.
Về cơ bản, thỏa thuận giữa Anh với Pháp và thỏa thuận giữa Anh với Đức không khác biệt nhau nhiều về mục đích và nội dung. Trong đó có chuyện hợp tác chế tạo những loại vũ khí và thiết bị quân sự hiện đại mới, tập trận chung, phối hợp hành động quân sự song phương cũng như trong khuôn khổ NATO mà cả ba đều là thành viên. Cả ba coi sự hợp tác về an ninh và quốc phòng song phương này là trụ cột của an ninh cho châu Âu, hạt nhân cho sự hội tụ tiềm lực và sức mạnh của châu Âu trong NATO.
Đối với Anh, những thỏa thuận như thế về an ninh và quốc phòng giúp cho đảo quốc vẫn có chân chứ không bị gạt ra ngoài rìa trong cuộc chơi chính trị an ninh, quân sự và quốc phòng ở châu Âu sau khi nước Anh ra khỏi EU (Brexit) và đồng thời ra khỏi những cơ chế và khuôn khổ hợp tác chung của các thành viên EU về an ninh, quân sự và quốc phòng.
Cả Pháp và Đức đều cần sự hợp tác như thế với Anh cho mục tiêu an ninh của họ ở châu Âu, bởi Anh có vũ khí hạt nhân cũng như có tiềm lực quân sự và quốc phòng mạnh trong NATO. Đương nhiên, Pháp và Đức còn theo đuổi cả mục đích và lợi ích riêng trong việc gây dựng và thúc đẩy quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng với Anh ở thời hậu Brexit.
Điểm chung giữa bộ ba này là nhận thức các nước châu Âu phải thật sự tự thân vận động trong việc đảm bảo an ninh, và vì thế phải liên thủ với nhau. Nhu cầu này xuất hiện và trở nên cấp thiết bởi cuộc chiến ở Ukraine, và bởi những lo ngại mới liên quan đồng minh quân sự chiến lược là Mỹ trong bối cảnh chiến sự Ukraine nhiều khả năng kéo dài và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần nhưng khó đoán. Bối cảnh đó buộc họ phải chủ động tự lo gần lẫn lo xa.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tu-than-van-dong-185241024210329453.htm