Bước vào nghề cầm bút, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tự tặng mình câu slogan “Đi, yêu và viết”. Khi nghỉ hưu, ông bắt đầu cho phép mình đo đạc, kiểm tra và viết lại những gì đáng nhớ nhất trên quãng đường làm báo.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân chia sẻ tại lễ ra mắt sách. (Ảnh: Hà Anh) |
Đúng dịp kỷ niệm 98 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân ra mắt cuốn hồi ký mang tên “40 năm đi, yêu và viết”.
Cầm trên tay cuốn sách nhiều nội dung phong phú và đầy tâm huyết của một nhà báo tên tuổi, độc giả sẽ xúc động với hành trình xuyên suốt đi cùng chữ “yêu” của tác giả…
Thực hiện slogan “Đi, yêu và viết”
Với Huỳnh Dũng Nhân 40 năm làm báo có rất nhiều câu chuyện vui buồn, đau đớn xót xa, vinh quang có mà tủi nhục cũng có.
Khi dự định viết sách, ông “cứ nấn ná bao lâu, không biết nên viết gì, giấu gì, kể gì và quên đi những gì, bắt đầu từ đâu…”. Bởi cả cuộc đời ông gắn liền với cây bút. Không văn, không thơ thì vẽ vời, ông luôn làm cái gì đó để nói lên cảm xúc của mình chứ không chịu ngồi yên…
Viết hồi ký không khó mà lựa chọn những gì để viết mới khó, trong khi ông lại có quá nhiều chuyện muốn nói. Đặc biệt, khi đang bắt tay vào soạn bản thảo cho tập sách này thì tháng 4/2021, ông bất ngờ bị tai biến, phải ngừng công việc…
Thời gian sau, dù chỉ gõ laptop được những ngón tay phải và phải viết cả bằng điện thoại nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện cuốn sách.
Nhìn lại cuộc đời, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân cho biết, ông hối hả làm theo slogan “Đi, yêu và viết” sao cho không được hoàn hảo nhất thì cũng đừng để bản thân thất vọng. Cuối cùng, ông nhận thấy, gia tài quý báu nhất là gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và sự nghiệp báo chí.
Ông chia sẻ: “Nhiều đồng nghiệp gợi ý tôi viết về năm tháng cầm bút, nhất là thời gian đi viết phóng sự và giảng dạy, nên làm một cuốn sách đầy câu chuyện thực tiễn cho các nhà báo trẻ và cho các sinh viên báo chí các thế hệ sau.
Tôi muốn chút công sức nhỏ nhoi vào việc ấy. Đơn giản chỉ là, tôi muốn kể lại câu chuyện làm báo đầy thăng trầm 40 năm qua của mình. Biết đâu có người nhặt nhạnh được chút kinh nghiệm làm báo từ đây…”.
“Của để dành” cho nghề báo
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân muốn lưu giữ những kỷ niệm, những kinh nghiệm được coi như “của để dành” ông có được sau hơn bốn thập kỷ làm báo.
Cuốn hồi ký gần 500 trang gồm bốn chương nội dung đầy ắp thông tin, được viết với lời văn sinh động của cây bút phóng sự với “Ăn Tết giữa rừng chó sói”, “Chui xuống hầm lò Mông Dương”, “Tôi đi bán tôi”…
Chương Một điểm lại con đường vào nghề của tác giả, bao gồm thời niên thiếu, giai đoạn theo học khoa Văn, khoa Báo và những tháng ngày bắt đầu cầm bút tại báo Tuổi Trẻ, báo Lao Động, sau đó trở thành Tổng biên tập tạp chí Nghề báo, làm Phó Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam…
Chương Hai đăng tải 15 phóng sự đời thường ưng ý nhất cùng câu chuyện của ông khi viết những tác phẩm này.
Nếu như chương Ba chứa đựng các bài viết của tác giả thuộc lĩnh vực lý luận báo chí đang được bạn đọc quan tâm, thì chương Bốn bao gồm bài viết của các nhà báo, nhà văn, giảng viên báo chí nổi tiếng viết về tác giả.
Không chỉ kể về chuyện đời, cuốn hồi ký còn là những kinh nghiệm làm nghề đan xen một cách khéo léo với những mẩu phóng sự tiêu biểu.
Các bài viết đều tổng hợp và phân tích các yếu tố nghề nghiệp giúp độc giả, đặc biệt là những người yêu thích nghề báo, mê phóng sự có thể tìm thấy ở đó những bài học nghiệp vụ cụ thể và bổ ích nhất.
Với nhiều năm kinh nghiệm cầm bút, trưởng thành qua các cương vị công việc, nhà báo Huỳnh Dũng Nhân tự tin là người có khả năng gửi tới bạn đọc những kiến thức giá trị.
Đó là những điều tâm đắc đã được ông rút gọn, đúc kết trong cả quá trình 40 năm tác nghiệp đáng nhớ của mình. Ông thường chia sẻ với các sinh viên của mình: “Là nhà báo thì hãy viết đi. Không còn cách nào khác ngoài viết nữa”.
Nhận định về cuốn hồi ký, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói: “Huỳnh Dũng Nhân đưa mình vào điểm nóng để có những con chữ sống động, không tĩnh tại, nằm yên mà khiến bạn đọc phải bừng bừng suy nghĩ. Dù có bệnh hiểm nghèo song bằng nghị lực, tình yêu nghề đã giúp ông có được như ngày hôm nay”.
Ông Phạm Quốc Toàn-nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, hồi ký chính là cuốn sách giáo khoa về nghề báo vô cùng bổ ích đối với sinh viên báo chí, không chỉ những nhà báo trẻ mà những nhà báo trung niên cũng học hỏi ở tác giả rất nhiều, đặc biệt là sự yêu nghề.
Viết trang cuối cùng của cuốn hồi ký này đúng vào ngày tròn 68 tuổi, Huỳnh Dũng Nhân cho biết, ông còn rất nhiều điều muốn nói, những năm tháng ấy như một cuốn phim chiếu chậm tái hiện những kỷ niệm tuyệt đẹp trong trí nhớ của ông.
Nhà báo khẳng định: “Nghề cầm bút đã đem lại cho tôi một cuộc đời đẹp nhất, vì tôi đã được sống trọn vẹn một đời ý nghĩa”.
Huỳnh Dũng Nhân, sinh năm 1955, là nhà báo nhiều năm công tác tại Báo Lao Động, chuyên thể loại phóng sự. Những tác phẩm báo chí của ông thể hiện trăn trở về xã hội, thân phận con người qua ngòi bút giàu chất trữ tình, hóm hỉnh mà sâu sắc. Ông là tác giả của 30 đầu sách nổi bật ở các thể loại phóng sự, truyện ngắn, thơ, hồi ký, truyện thiếu nhi và giáo trình, như: Tôi đi bán tôi; Ăn Tết trong rừng chó sói; Từ hầm lò Mông Dương đến nóc nhà thế giới Tây Tạng (in chung với nhà báo Đỗ Doãn Hoàng)… Huỳnh Dũng Nhân cũng được biết đến là một nhà văn, giảng viên của nhiều thế hệ sinh viên báo chí. Ông từng là Phó Ban nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Hồ Chí Minh, Tổng biên tập Tạp chí Nghề báo… |