(CLO) Trong nỗ lực gia tăng sức mạnh quân sự, Ukraine muốn gia nhập nhóm các quốc gia có khả năng sản xuất tên lửa đạn đạo. Nhưng quá nhiều yếu tố đang làm khó đối với chương trình tên lửa của Kiev.
Một dự án tham vọng
Ukraine đang bận rộn phát triển tên lửa đạn đạo của riêng mình. Nước này giữ bí mật hầu hết các chi tiết về chương trình tên lửa của mình, nhưng các quan chức Ukraine gần đây đã chỉ ra rằng nó có thể sớm đi vào hoạt động. Theo báo Wall Street Journal, Ukraine đã thử nghiệm một trong những tên lửa đạn đạo của mình hồi tháng 8.
Tờ báo Mỹ trích lời Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Rustem Umerov, cho biết: “Vào năm sau hoặc cuối năm, các bạn sẽ nghe nói rằng sẽ có một chương trình tên lửa khổng lồ”.
Theo ông Federico Borsari, thành viên của Trung tâm Phân tích Chính sách châu Âu (CEPA), hiện chỉ có khoảng chục quốc gia, bao gồm Mỹ và Nga, sở hữu đủ bí quyết và khả năng sản xuất tên lửa đạn đạo.
Tên lửa đạn đạo thường rời khỏi bầu khí quyển của Trái đất sau khi phóng và lao trở lại Trái đất với tốc độ cao khiến chúng khó có thể bị đánh chặn. Chúng cũng có xu hướng tạo ra sức công phá lớn hơn nhiều loại tên lửa và máy bay không người lái khác.
Ukraine đã tận mắt chứng kiến tên lửa đạn đạo có thể tàn phá như thế nào. Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột, quốc gia này đã bắn hạ một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều tên lửa đạn đạo của Nga so với các loại tên lửa và máy bay không người lái của đối phương, theo phân tích dữ liệu của tờ Wall Street Journal.
Sau khi Kiev lần đầu tiên tấn công Nga bằng tên lửa tầm xa do phương Tây cung cấp (ATACMS và Storm Shadow) trong hai cuộc tấn công liên tiếp, Nga đáp trả bằng cách “gửi tới” Ukraine một tên lửa đạn đạo tầm trung.
Vụ tập kích bằng tên lửa của Nga – được cho là một phiên bản đang thử nghiệm của tên lửa siêu vượt âm tầm trung mới nhất Oreshnik, với tốc độ đạt tới Mach 11 – đã cho thấy uy lực không thể ngăn chặn của loại vũ khí này. Và nó càng thôi thúc Ukraine phát triển chương trình tên lửa đạn đạo đầy tham vọng của mình.
Khó khăn bủa vây tứ phía
Ukraine có nhiều bí quyết kỹ thuật, đã đóng vai trò quan trọng trong việc thiết kế và chế tạo tên lửa tầm xa của Liên Xô. Nước này cũng tự sản xuất được tên lửa hành trình và vũ khí lai tên lửa-máy bay không người lái, với nhiều loại được phát triển dựa trên các thiết kế từ thời Liên Xô.
Ví dụ, tên lửa hành trình Neptune của Ukraine, giống với tên lửa chống hạm Kh-35 của Liên Xô, đã được sử dụng trong phần lớn cuộc chiến. Vũ khí này đã thực hiện một số vụ tấn công nổi bật, bao gồm đánh chìm Moskva, tàu chiến chủ lực của Hạm đội Biển Đen của Nga.
Nhưng Ukraine vẫn chưa bổ sung tên lửa đạn đạo tự chế vào kho vũ khí của mình mặc dù đã nghiên cứu vũ khí trong nhiều thập kỷ. Hiện tại, quốc gia này đang nghiên cứu nhiều hơn một tên lửa đạn đạo, theo bà Anna Gvozdiar, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp chiến lược Ukraine cho biết.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine cũng nói rằng chương trình tên lửa của Kiev thiếu cả về năng lực kỹ thuật và tài chính. Oleksandr Kamyshin, cố vấn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy về các vấn đề chiến lược, cho biết đất nước này đơn giản là không có đủ tiền để tăng sản lượng đủ nhanh.
Ukraine đã phải sử dụng tên lửa Neptune của mình một cách hạn chế trong chiến sự bởi việc thiếu thốn tài chính đã kìm hãm sản xuất. Trong khi đó, Douglas Barrie, một chuyên gia về hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), cho biết tên lửa đạn đạo đặc biệt tốn kém để sản xuất, một phần vì vật liệu sử dụng phải chịu được nhiệt độ rất cao trong quá trình tái xâm nhập vào bầu khí quyển của Trái Đất.
Một thách thức khác là năng lực sản xuất vũ khí ở quy mô lớn. Các nhà sản xuất tên lửa trên toàn thế giới đều phải nỗ lực hết sức mới có được nguồn cung cấp ổn định các thành phần cho tên lửa, chẳng hạn như động cơ.
Thách thức tương tự dĩ nhiên cũng xảy ra với Ukraine, và ở mức độ còn lớn hơn. Yehor Chernev, một nhà lập pháp Ukraine giúp xử lý mối quan hệ của đất nước này với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), cho biết vào tháng trước rằng Kiev đang phải vật lộn để có được các linh kiện đúng hạn.
Đành hài lòng với những vũ khí đang có
Do những trở ngại kể trên, Mỹ cho rằng Ukraine nên tập trung vào máy bay không người lái tầm xa. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, Lloyd Austin gần đây đã nói với các phóng viên rằng chương trình máy bay không người lái tầm xa vốn đã thành công của Ukraine có ý nghĩa về mặt tài chính hơn so với tên lửa đạn đạo, xét đến chi phí của chúng.
Một gói viện trợ trị giá 2,4 tỷ USD gần đây của Mỹ bao gồm tài trợ cho máy bay không người lái tầm xa và các loại vũ khí sản xuất trong nước khác. Theo các chuyên gia, các khoản tiền đó sẽ không được sử dụng cho tên lửa đạn đạo.
Trong một thời gian, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái để tiến hành các cuộc tấn công ở khoảng cách xa hơn nhiều so với tên lửa phương Tây mà nước này được phép sử dụng.
Kiev cho biết một trong những máy bay không người lái tấn công của họ đã tấn công vào Nga khoảng 2.000 km. Ukraine cũng đang sản xuất các loại vũ khí kết hợp giữa tên lửa và máy bay không người lái. Một trong những vũ khí lai là Palianytsia, lần đầu tiên được sử dụng ở miền đông Ukraine bị chiếm đóng vào cuối tháng 8.
Vũ khí này trông giống như một tên lửa hành trình nhỏ nhưng có hệ thống dẫn đường kém tinh vi hơn và đầu đạn nhỏ hơn. Điều đó có thể khiến chúng rẻ hơn và dễ chế tạo hơn so với tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo.
Một loại máy bay lai tầm xa khác do Ukraine sản xuất có tên là January, sử dụng động cơ tên lửa để tăng tốc phần đầu của chuyến bay trước khi máy bay không người lái tiếp quản hành trình còn lại.
Vì vậy, bà Hanna Gvozdiar, Thứ trưởng Bộ Công nghiệp chiến lược Ukraine, cho biết máy bay không người lái tấn công tầm xa vẫn là giải pháp thay thế hiệu quả và rẻ hơn tên lửa đạn đạo. “Chúng tôi bị giới hạn cả về nguồn vốn và thời gian. Cần nhiều năm để phát triển một loại tên lửa nhưng chúng tôi phải hoành thành trong vài tháng”, bà Gvozdiar giải thích.
Nguyễn Khánh
Nguồn: https://www.congluan.vn/tu-san-xuat-ten-lua-dan-dao-giac-mo-kho-thanh-cua-ukraine-post322679.html