Ký túc xá Cỏ May (TP.Thủ Đức, TP.HCM) những ngày đầu tháng 9.2023 náo nhiệt hơn ngày thường. Tân sinh viên từ các miền quê cùng với người thân lỉnh kỉnh hành lý để nhập học. Sự háo hức đan xen lẫn sự hồi hộp, bỡ ngỡ. Sau khi được các anh chị tình nguyện viên hướng dẫn về nội quy, kỷ luật ở nơi ở, từng tốp sinh viên chia về các phòng, dọn dẹp phòng ở, bắt đầu ngày đầu tiên ở “ngôi nhà mới”.
Hỗ trợ nhau
Các sinh viên được ở ký túc xá Cỏ May đều là những học sinh có thành tích học tập xuất sắc, có hoàn cảnh khó khăn, cần được nộp hồ sơ và xét qua nhiều bước từ hội đồng giám khảo. Không chỉ được miễn phí hoàn toàn nơi ở, không phải lo chi phí điện, nước hàng tháng, mỗi sinh viên còn được cấp mền, chiếu, gối, hỗ trợ bảo hiểm, trợ cấp học phí, hỗ trợ tiền ăn… Do đó, khi đến ký túc xá, sinh viên nào cũng đặt quyết tâm phải giữ kết quả học tập tốt, đảm bảo kỷ luật ở nơi tập thể để tiếp tục được học bổng từ ký túc xá này.
Phan Như Quỳnh, 18 tuổi, sinh viên năm nhất ngành nông học, Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết bạn đến từ miền quê ở tỉnh Đắk Lắk. Từ nhỏ, bạn đã quen với các công việc nhà nông như cắt cỏ cho bò, chăm vườn xoài… Ngày nào cũng thế, vừa tan học ở trường, Quỳnh lại xắn tay áo lo hết việc đồng áng rồi đến tối, khi cả nhà ngủ say, bạn mới chong đèn học tập. Thi đậu đại học, đúng với ngành nông học, Quỳnh nuôi hy vọng có thể trở về quê hương, giúp cho cuộc sống của những người nông dân như bố mẹ mình đỡ vất vả.
“Bước chân vào đây, em ngỡ ngàng khi ký túc xá mà đẹp và sạch sẽ, gọn gàng như trong khách sạn, anh chị ở đây ai cũng nhiệt tình hỗ trợ các tân sinh viên. Bố em đưa em xuống thành phố và dặn dò lúc nào cũng phải giữ gìn sức khỏe, tập trung học hành, để năm nào cũng được học bổng ở ký túc xá Cỏ May”, Quỳnh chia sẻ.
Quỳnh cho hay mỗi tháng bố mẹ gửi thêm cho bạn khoảng 2 triệu đồng cùng với lời dặn dò phải chú ý ăn uống cẩn thận, đặc biệt, không được bỏ bữa sáng. Quỳnh thường chọn ăn mì gói hoặc phở cho bữa sáng, giá từ 10.000 đến 25.000 đồng. Bữa trưa và chiều, các quán cơm ở quanh ký túc xá có giá từ 20.000 đồng- 25.000 đồng. Quỳnh cũng thích ăn chay nên tìm các quán cơm chay ở quanh đây, giá chỉ 20.000 đồng/suất có thể ăn no.
“Ở đây mọi người rất hỗ trợ nhau. Các anh chị sinh viên khóa trước cũng chia sẻ cho sinh viên các địa điểm ăn uống ngon, sạch, rẻ, đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Nhờ sự hỗ trợ, đoàn kết của mọi người mà những ngày đầu ở ký túc xá của em bớt chênh vênh…”, Quỳnh bộc bạch.
Vì một hành trình dài
Trần Minh Quang, 18 tuổi, quê ở TP.Sa Đéc, Đồng Tháp là tân sinh viên ngành kinh doanh quốc tế, Trường ĐH Sài Gòn. Được học bổng ở miễn phí tại ký túc xá Cỏ May, TP.Thủ Đức, TP.HCM với Minh Quang là một sự may mắn lớn khi mà hoàn cảnh gia đình của em khá khó khăn. Cha làm nghề trồng cây ăn trái, mẹ đi giữ trẻ cho một gia đình ở thành phố, mỗi ngày Quang vừa lo việc học, vừa giúp ba dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước. Chàng trai là học sinh chuyên tiếng Anh ở Sa Đéc còn thường xuyên đi tới nhà cổ Huỳnh Thủy Lê ở quê nhà để gặp nhiều người nước ngoài, rèn luyện khả năng nói tiếng Anh.
Vốn tự lập từ nhỏ như vậy, nên khi tới TP.HCM nhập học, Quang không mấy lo lắng. Bạn đặt ra mục tiêu phải giữ kết quả học tập tốt để tiếp tục nhận học bổng. Tân sinh viên cũng cho hay bạn hiểu được vai trò của một chế độ ăn uống cân bằng, thói quen sống lành mạnh để có sức khỏe cho một hành trình dài học tập và làm việc tại thành phố.
Sinh viên nổi tiếng cân bằng cuộc sống như thế nào?
Những sinh viên được nhiều người biết đến – những người cũng từng vượt qua những ngày tháng chênh vênh, khó khăn – đã có cách nào để vượt qua những trở ngại trong cuộc sống?
Hoa khôi Tuyết Nhi, sinh viên Trường ĐH Tài chính – Marketing, cho biết về chế độ ăn uống, bạn uống nhiều nước, ăn ít dầu mỡ, ngủ sớm, không ăn tối sau 21 giờ. Sẽ có những lúc trước các kỳ thi sinh viên buộc phải thức khuya ôn bài, tuy nhiên những ngày này không nên lặp lại lâu dài, trở thành thói quen không tốt. Về chăm sóc sức khỏe tinh thần, bạn suy nghĩ lạc quan, những lúc căng thẳng thì lựa chọn ngồi thiền, tập yoga để cân bằng lại.
Trong khi đó, dịch giả Huỳnh Hữu Phước – “chàng shipper nói tiếng Pháp”, sinh viên ngành tiếng Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thành thực cho biết bạn vẫn chưa thể cân bằng mọi thứ nhưng vẫn đang ngày một nỗ lực. “Cuộc sống vẫn trôi đi ngày ngày, ai cũng có những áp lực cơm áo gạo tiền, mình của ngày hôm nay đã bình an hơn trước nhưng vẫn đang phải điều trị rối loạn lo âu, vẫn đang cố gắng kiểm soát những lo lắng của mình. Nhưng mọi thứ đã dần tốt đẹp hơn, vì cuộc sống áp lực hay nhẹ nhàng là do góc nhìn của mình”, bạn nói.
Còn với diễn viên hài Minh Dự – cựu sinh viên, giảng viên trợ giảng tại Trường ĐH Văn Hiến, đang trong quá trình hoàn thành luận văn thạc sĩ, chia sẻ những khi khó khăn nhất, những lúc căng thẳng mệt mỏi nhất, anh nghĩ về ước mơ ban đầu, nghĩ về người yêu quý mình. Vẫn còn đó trên mạng những bình luận tiêu cực, nhưng mình lựa chọn đọc những gì lạc quan, yêu đời.
“Với mình, sống chất là sống có giá trị, sống có giá trị là phải biết cho đi. Mình từng rất khó khăn nên hiểu một bữa ăn, một cuốn sách, tập vở cũng rất quan trọng. Thiện nguyện là một cách giúp mình cân bằng cuộc sống. Nhưng nếu không làm việc, không phấn đấu thì lấy gì để cho đi. Nên nghĩ tới đó mình lại có động lực để vượt qua khó khăn, để có thể cho đi nhiều hơn nữa…”, nam diễn viên hài được nhiều người yêu mến bày tỏ.