(Baoquangngai.vn)- Tuổi thơ trôi qua thật nhanh, mấy mươi năm sau, chỉ còn ngồi nhớ lại. Đủ biết, những người bạn thân đầu đời, tình bạn đầu đời quan trọng với mình đến thế nào.
Trương Minh Tâm, bạn thân của tôi ngày thơ bé, đã mất do bạo bệnh, sau khi trở thành một sĩ quan trong quân đội, đã tham gia chiến đấu ở chiến trường Nam Bộ, và chiến đấu rất dũng cảm. Tôi nhớ J.P.Sartre từng nói một câu rất hay: “Hãy coi chừng những đứa bé ngoan”. Chúng không phải dạng vừa đâu!
Tâm mất, thì tình cờ tôi lại quen với Trương Hòa Bình, là em ruột Tâm. Cú quen rồi trở nên thân thiết này cũng hơi lạ. Số là, vào năm 1996, tôi dẫn con vào Sài Gòn thi đại học. Không biết thông tin từ “lực lượng” (công an) thế nào, mà Bình lúc ấy phụ trách A25 (công an bảo vệ văn hóa) phía Nam, biết tin tôi vào Sài Gòn, đã lập tức mời tôi đi… nhậu. Thì đi. Lúc đó tôi cũng chưa biết Bình là em ruột Tâm. Nhưng rượu vào lời ra, có chuyện trò mới biết. Bình không đi tập kết, học ở Sài Gòn, rồi tham gia Việt Cộng trong thành từ năm 1970, đã lên chiến khu R rồi được ra Bắc học tập.
Thế là Bình lập tức coi tôi là ông anh thân thiết, vì là bạn thân của anh ruột mình. Tới giờ, Bình vẫn thường liên lạc với tôi, mỗi lần gặp nhau, anh em lại nhắc nhớ tới Trương Minh Tâm. Còn Trương Tấn Lực, bạn chí thân, thì từ hồi ngoài Bắc đã là bác sĩ quân y, có vào chiến trường, sau hòa bình làm ở Bệnh viện 175-Sài Gòn. Rồi về hưu. Trần Hữu Thành, bạn thân, con trai nhà văn Nam Cao, thì biệt vô âm tín.
Nhưng nhiều năm trước, một chú em kể với tôi là có gặp anh Thành ở Nam Định-đúng là Trần Hữu Thành con nhà văn Nam Cao. Thế thì đúng bạn hồi nhỏ của tôi rồi. Nghe nói Thành sau này là kỹ sư, nhưng cũng sống rất vất vả. Trong số bốn người bạn, chỉ có tôi và Lực gặp nhau sau hòa bình, một lần ở Quảng Ngãi, và một lần ở Sài Gòn. Gặp nhau khi đã có tuổi. Và cũng không nhắc tới chuyện cũ trong hai lần gặp lại. Nhưng tôi nghĩ, Lực cũng như tôi, chắc không thể quên những gì chúng tôi đã có với nhau hồi trẻ con. Tình bạn là cái gì không thể mất. Chúng tôi nay đã về già, thì đã làm sao! Cái chính, chúng tôi đã từng là trẻ con, trẻ con nguyên chất.
Tôi vẫn còn giữ được tấm ảnh chụp tôi đứng ở gần Thư viện Khu học xá Nam Ninh. Chắc lúc đó khoảng 10 hay 11 tuổi. Đó là buổi chụp ảnh cho từng học sinh trong lớp để gửi về gia đình. Tôi mặc áo đại cán kiểu “Mao chủ xị” và cười toe toét, khá ngớ ngẩn. Còn phía sau tôi, thập thò ba người bạn đang núp vào bụi cây, chường mặt nhìn vào máy ảnh. Rất trẻ con, hơi quê quê.
Hồi ấy, chúng tôi học ngày một buổi. Sáng học, chiều tăng gia sản xuất. Tối tự học, nhưng chủ yếu là sinh hoạt lớp. Sinh hoạt theo nghĩa cả lớp ngồi mê mẫn nghe thầy kể chuyện. Trường tôi có ít nhất hai thầy giáo kể chuyện rất hay, rất có nghề. Thầy kể đủ chuyện, từ chuyện tình báo tới chuyện… ma. Và chuyện Tạ Đình Đề phi ngựa hai tay hai súng, vào doanh trại quân địch như vào chỗ không người. Chúng tôi mê Tạ Đình Đề từ ngày đó, thần tượng ông từ ngày đó.
Nhớ lại cái thuở học sinh miền Nam, rồi sau này học cấp 3 Chu Văn An (Hà Nội), tôi chợt giật mình: Thì ra, những năm tháng ấy mình được học “theo kiểu Mỹ”- bây giờ gọi là tiếp nhận nền giáo dục Hoa Kỳ, mà đâu có biết! Hôm rồi, gặp nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, kể lại chuyện học hồi nhỏ, Kha bảo: “Thì chính Bộ trưởng giáo dục Nguyễn Văn Huyên hồi đó đã đưa tinh thần của nền giáo dục Hoa Kỳ vào nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, ít nhất là trên miền Bắc Việt Nam”. Tinh thần đó bắt đầu rất đơn giản: Giáo dục cho trẻ con tình yêu lao động, sự hăng hái tự nguyện trong lao động. Lao động chân tay hẳn hoi. Lao động và lương thiện. Những người thực sự lao động, hầu hết đều lương thiện. Và lương thiện một cách bền vững. “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ/Tùy theo sức của mình/”(Hồ Chí Minh). Với đám trẻ con chúng tôi hồi ấy, mỗi dịp được về nông thôn cùng bà con nông dân lao động sản xuất cứ là tưng bừng như ngày hội.
Chúng tôi khi ấy mới 12, 13 tuổi, nhưng đã học gặt lúa, gánh lúa, học cả cuốc ải, như một nông dân thứ thiệt. Gánh lúa thì từ chỗ chưa quen, chỉ gánh bằng quang, tới chỗ quen vai rồi “chơi” luôn bằng đòn xóc hai đầu, gánh hai bó lúa bự một mạch từ ruộng về sân kho hợp tác. Không nghỉ. Gánh lúa bằng đòn xóc là chứng chỉ đưa chúng tôi vào đời, vì nó có độ khó khá cao, và đòi hỏi sức khỏe cùng sự dẻo dai.
Sau này, khi vào đại học, rồi vượt Trường Sơn vào chiến trường, chính sự ham việc và những kỹ năng lao động học được từ nhỏ đã giúp tôi rất nhiều. Không bao giờ trốn việc, không “lánh nặng tìm nhẹ”, và làm việc hết mình, dù chỉ là việc đi rừng lấy một bó nứa, tôi đã là như vậy cho tới khi qua hết đại học sơ tán ở rừng núi Đại Từ-Thái Nguyên. Hóa ra, những đức tính này về sau giúp tôi thường có việc làm – chủ yếu là viết báo. Đó là những đức tính mà người làm báo rất cần.
THANH THẢO