Giám tuyển nghệ thuật ở Việt Nam: Gần 30 năm vẫn “nhạt nhòa”Năm 1995 được coi là mốc đánh dấu sự hiện diện manh nha đầu tiên của công việc giám tuyển tại Việt Nam thông qua một số sự kiện mỹ thuật quốc tế được tổ chức. Thế nhưng, đến nay gần 30 năm trôi qua, dấu ấn của nghề nghiệp này trong đời sống mỹ thuật nước ta vẫn khá nhạt nhòa. Nguyên do vì đâu? Vai trò của nó trong đời sống mỹ thuật Việt Nam ra sao? Loạt bài “Giám tuyển nghệ thuật ở Việt Nam: Gần 30 năm vẫn “nhạt nhòa” hy vọng phần nào tìm ra lời giải cho băn khoăn này. |
Ba cấp độ giám tuyển
Giám tuyển (curator) được hiểu là người phụ trách việc sưu tập, giám sát, tuyển chọn, sắp xếp tác phẩm mỹ thuật trong các bảo tàng, viện nghệ thuật, gallery, thư viện… Bản thân từ “curator” cũng có gốc từ tiếng Latinh “cura” có nghĩa là “chăm sóc”. Tuy nhiên, curator có khá nhiều chức năng nên có nhiều định nghĩa khác nhau, tùy thuộc mức độ đánh giá về nhiệm vụ của họ trong các triển lãm.
Có ý kiến cho rằng, một giám tuyển là người kể chuyện. Người kể chuyện đó là cầu nối giữa nghệ sĩ và công chúng, họ truyền tải những giá trị và thông điệp của tác phẩm tới người xem. Người giám tuyển giỏi thường kể một câu chuyện mà ít ai biết tới, khiến mọi người cảm thấy khao khát tác phẩm nghệ thuật đó. Điều này đồng nghĩa với một triển lãm được giám tuyển tốt thường truyền cảm hứng cho người xem. Do đó, giám tuyển nghệ thuật được cho là người tạo ra sự kết nối giữa các tác phẩm nghệ thuật, từ đó tạo ra một “bộ sưu tập” giá trị hơn nhiều so với từng tác phẩm đơn lẻ.
Ngày nay, khái niệm “curator” hay “giám tuyển” càng mở rộng hơn do xuất hiện những loại hình nghệ thuật mới. Giám tuyển, từ chỗ chỉ giữ vai trò xâu chuỗi các tác phẩm đơn lẻ thành một câu chuyện có chủ đề thì giờ đây họ là người kết nối các tác giả, tác phẩm, diễn giải về nghệ thuật, đưa ra định hướng cho một sự kiện nghệ thuật.
Còn theo nghệ sĩ, giám tuyển độc lập Trần Lương, có 3 cấp độ giám tuyển. Loại thứ nhất là giám tuyển kiểu truyền thống, họ chỉ làm các công việc lựa chọn, chắp nối, xâu chuỗi các tác phẩm đơn lẻ thành một câu chuyện có chủ đề và cấu trúc thành một triển lãm theo đặt hàng. Loại thứ hai, giám tuyển không chờ đặt hàng mà họ chủ động nghiên cứu các vấn đề lịch sử, chính trị, xã hội…, nghiên cứu các nhóm đối tượng, các cộng đồng nghệ thuật để tạo ra một định hướng và tuyển lựa những tác phẩm nghệ thuật phù hợp cho một show nghệ thuật.
Loại thứ ba, là những giám tuyển có tuổi nghề và nhiều kinh nghiệm, họ có tri thức uyên bác và tầm nhìn rộng. Sự kiện họ tổ chức không chỉ có quy mô lớn mà còn mang tới những thông điệp sâu sắc. Điều khác biệt là giám tuyển cấp độ này không chỉ lựa chọn những tác phẩm có sẵn mà còn đặt hàng tác phẩm. Lúc đó, giám tuyển có thể trở thành người tư vấn cho nghệ sĩ, hỗ trợ nghệ sĩ khả thi hóa thông điệp và cấu trúc phù hợp của tác phẩm, để xâu chuỗi thành một bộ phận trong tổng quan chung của cả triển lãm…
“Những curator có tầm cỡ trên thế giới thường có quan hệ rộng, trong đó có các chính trị gia, nhân vật quyền lực trong xã hội. Họ có khả năng tạo ra xu thế và khái niệm mới, tạo ảnh hưởng đến trục thẩm mỹ của một cộng đồng, một quốc gia, thậm chí cấp độ toàn cầu. Ngoài ra, chức danh curator bây giờ không chỉ hiện diện trong lĩnh vực visual art mà cả trong tổ chức sự kiện múa đương đại, các liên hoan âm nhạc thực nghiệm, trong hoạt động trình diễn và sân khấu đương đại…” – nghệ sĩ Trần Lương cho biết.
“Mơ hồ” nghề giám tuyển ở Việt Nam
Theo họa sĩ Vũ Đức Toàn, trong thời kỳ đầu chập chững của nghệ thuật đương đại Việt Nam, “curator” là một “từ lạ”. Sau khi nghệ sĩ Nguyễn Như Huy chuyển nghĩa từ “curator” sang tiếng Việt là “giám tuyển” thì đến nay, khái niệm này đã được dùng một cách nhuần nhuyễn hơn.
“Một triển lãm có giám tuyển chắc chắn sẽ chuyên nghiệp hơn và điều quan trọng, người giám tuyển có thể mở ra nhiều lớp ý nghĩa từ mỗi tác phẩm, giúp công chúng tiếp cận được với nhiều trải nghiệm khác nhau từ tác phẩm nghệ thuật” – giám tuyển Vân Vi chia sẻ.
Theo Vân Vi, là người kết nối nghệ thuật, kết nối nghệ thuật với khán giả, công việc giám tuyển giúp minh định giá trị, chất lượng tác phẩm cũng như định vị tác giả trong nền nghệ thuật. Khi công chúng có hiểu biết tốt hơn về nghệ thuật và những triển lãm nở rộ, người giám tuyển sẽ góp phần hạn chế những triển lãm kém chất lượng, từ đó giúp thị trường nghệ thuật phát triển chuẩn mực và đúng hướng. Uy tín của curator được coi như một bảo chứng cho giá trị nghệ thuật, giá trị thương mại của tác phẩm sưu tập hay nghệ sĩ được họ tuyển chọn giới thiệu; định vị được chỗ đứng tương lai của tác phẩm, nghệ sĩ trong thị trường và mặt bằng nghệ thuật.
Nghệ sĩ Trần Lương cho rằng, cho đến bây giờ, tại Việt Nam, giám tuyển vẫn chưa được nhìn nhận đúng vai trò như một ngành nghề thực thụ. Danh xưng “giám tuyển” thường chỉ xuất hiện trong các không gian nghệ thuật tư nhân, các triển lãm mang tính thương mại mà chưa hề xuất hiện trong danh mục nghề nghiệp cũng như không có tên chính thức trong các đơn vị nghệ thuật công lập.
Ngoài ra, chương trình đào tạo giám tuyển cũng chưa xuất hiện trong các trường đại học hay trường dạy về nghệ thuật. Thực tế là đa số curator ở Việt Nam xuất thân là nghệ sĩ, nhà phê bình mỹ thuật, người am hiểu nghệ thuật… Họ tự mày mò, đi lên bằng con đường tự học.
Hồi tháng 4/2024, trong một hội thảo chuyên đề về ngành giám tuyển tại Hà Nội, các diễn giả tham dự đều thống nhất rằng, thực hành giám tuyển nghệ thuật ở Việt Nam còn khá tự phát. “Tự phát ở đây là chưa có một thống nhất về tiêu chuẩn ngành, chưa có nhìn nhận như một chức nghiệp, chưa có sự trao đổi một cách rộng rãi, cởi mở và định kỳ” – giám tuyển trẻ Vân Đỗ nêu quan điểm.
Khi thiếu một sự “cầm cân nảy mực” từ phía cơ quan quản lý thì rất nhiều luồng thông tin đều được coi là ngang bằng nhau, dẫn đến tình trạng khá nhiễu loạn, nghề giám tuyển ở Việt Nam vì thế khá nghiệp dư và cảm tính. Thực tế là trong số cả trăm sự kiện nghệ thuật diễn ra mỗi năm, chỉ một số có hoạt động giám tuyển đạt đến tầm, phần nhiều còn lại thì dấu ấn của giám tuyển còn mờ nhạt, cũng không thiếu những trường hợp “giám tuyển tự phong”, danh xưng “giám tuyển” bị sử dụng dễ dãi, vô tội vạ. Hệ quả tất yếu của thực trạng này đó là, không hiếm những sự kiện mỹ thuật đã để xảy ra điều tiếng về bản quyền tác phẩm hay có triển lãm để lọt cả những bức tranh giả, tranh dung tục, phản cảm.
“Nhìn chung ngành giám tuyển ở Việt Nam vẫn phát triển tự phát, manh mún. Khá đáng buồn chúng ta đã có giám tuyển tầm quốc tế nhưng đó chỉ là những cá nhân, nhỏ lẻ mà thiếu đi một nền tảng vững chắc. Việc giám tuyển có quốc tịch Việt Nam xuất hiện ở những show tầm cỡ thế giới là khá hiếm chứ chưa nói đến việc đứng ở vai trò đầu lĩnh. Nếu so với mặt bằng khu vực ASEAN thì giám tuyển Việt Nam đứng sau hầu hết các quốc gia, ngang với Campuchia và chỉ hơn Lào và Myanma” – giám tuyển Trần Lương nhận định.
T.Toàn
Nguồn: https://www.congluan.vn/tu-nguoi-ket-noi-den-nhan-vat-quyen-luc-post299937.html