Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại và đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển bền vững. Mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2045 về phát triển kết cấu hạ tầng là hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia, phát triển hạ tầng năng lượng, công nghệ thông tin, đô thị lớn, hạ tầng bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Làm thế nào để tạo đột phá hạ tầng, hiện thực hóa những mục tiêu đề ra, đáp ứng yêu cầu phát triển của giai đoạn mới? Phóng viên VOV phỏng vấn chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Trần Du Lịch Đại biểu Quốc hội các khóa IX, XII, XIII về nội dung này.
PV: Ông có nhìn nhận gì về quá trình phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng của nước ta trong thời gian qua, nhất là qua gần 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII?
Ông Trần Du Lịch: Từ Đại hội XI đưa ba đột phá chiến lược, trong đó có đột phá phát triển về hạ tầng. Nói đến hạ tầng thì tương đối rộng nhưng tôi muốn nói đến hạ tầng giao thông thì phải nói rằng, có một sự phát triển nhanh chóng và vượt bậc.
Trước hết, hệ thống giao thông kết nối quốc gia, kết nối vùng và đặc biệt tập trung xử lý những điểm nghẽn giao thông cho hoạt động về hàng hóa, logistics. Nếu nhìn vùng Đồng bằng Bắc Bộ, rồi gần đây là Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long, duyên hải miền Trung thì tiến độ triển khai và sự tập trung của Chính phủ chỉ đạo triển khai các công trình giao thông trọng điểm khá là mạnh mẽ, tương đối đồng bộ.
Cái thứ hai là phát triển hạ tầng điện lực, đặc biệt là đường dây 500 kết nối để bảo đảm an toàn và năng lượng quốc gia, hạ tầng các khu công nghiệp… Gần đây tập trung cả vấn đề phát triển hạ tầng cho chuyển đổi số và công nghệ số.
Nếu nhìn một cách tổng thể, phải nói rằng, từ khi có Nghị quyết Đại hội Đảng thì việc giải quyết đột phá chiến lược về hạ tầng và đạt những kết quả rất ấn tượng. Đó là cơ sở để chúng ta phát triển đất nước theo mục tiêu đề ra.
PV: Kết luận 72 của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII nêu rõ: Qua hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 13 khóa XI về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hệ thống pháp luật được quan tâm hoàn thiện, tiếp cận với thông lệ quốc tế, nhất là các chính sách về quy hoạch, đầu tư phát triển. Góc nhìn của ông về việc thể chế hóa chủ trương tạo đột phá hạ tầng như thế nào?
Ông Trần Du Lịch: Có lẽ ít lĩnh vực nào áp dụng cơ chế đặc thù nhiều như vấn đề tập trung bài toán về hạ tầng hiện nay, ngay cả đường bộ cao tốc Bắc – Nam để triển khai được cũng áp dụng cơ chế khá đặc thù trong điều kiện hệ thống pháp luật chung còn nhiều điểm bất cập, còn những mâu thuẫn chồng chéo, trong đó kể cả vấn đề phân cấp giữa Trung ương và địa phương…
Những công trình trọng điểm về phát triển hạ tầng đều áp dụng cơ chế khá đặc thù. Ví dụ như khu vực Đông Nam Bộ phát triển đường vành đai 3 và đang chuẩn bị vành đai 4,… đều có cơ chế đặc thù để đầu tư cho vấn đề hạ tầng. Tôi nghĩ rằng, qua quá trình áp dụng các cơ chế đặc thù trong việc phát triển các kết cấu hạ tầng thì có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện thể chế để huy động nguồn lực phát triển lĩnh vực này.
PV: Những thành tựu đạt được là to lớn nhưng hạn chế, điểm nghẽn còn nhiều. Ông nhìn nhận những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hạn chế trong phát triển kết cấu hạ tầng giai đoạn vừa qua là gì?
Ông Trần Du Lịch: Bên cạnh thành tựu thì những tồn tại, bất cập và những vấn đề đặt ra về mặt thể chế trong vấn đề phát triển kết cấu hạ tầng còn nhiều điểm cần tiếp tục hoàn thiện hơn. Tôi ví dụ, thứ nhất là trong nhiều công trình kéo dài, đội vốn thi công, kể cả giá thành… chúng ta thấy nhiều trường hợp hiện nay đang đặt ra vấn đề thiếu cát trong xây dựng, hay vấn đề xử lý các bài toán về công nghệ để làm sao đẩy nhanh tiến độ. Còn khá nhiều bất cập trong vấn đề tìm kiếm vật liệu thay thế vật liệu mới…
Thứ hai, về cơ chế tài chính để huy động nguồn lực. Phải nói rằng, nhiều chính sách còn bất cập như các hình thức TPP, chúng ta cũng đã tính khá nhiều lần là tỉ lệ góp vốn của tư nhân, nhà nước trong từng công trình thì hiện nay nhiều điểm cũng phải dùng cơ chế đặc thù thì mới giải quyết được.
Thứ ba, tình trạng đầu tư dàn trải trước đây thì bây giờ có giảm đi, tương đối tập trung hơn hay sự phối hợp giữa các địa phương trong các công trình giao thông đã tốt hơn. Tuy nhiên cơ chế để tạo được một môi trường thuận lợi và huy động được nguồn lực, cũng như sự năng động, sáng tạo của địa phương trong phát triển hạ tầng hay huy động các nguồn lực khác thì cần tiếp tục hoàn thiện hơn nữa.
Điểm cuối cùng tôi cho rằng, chúng ta có ưu điểm là mặc dù phát triển hạ tầng đầu tư lớn như vậy nhưng mà bội chi ngân sách, nợ công vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên, chúng ta nên tính toán lại, kỹ hơn, rõ hơn, mang tính dài hơi, bền vững hơn nữa về các nguồn lực tài chính trong vấn đề phát triển và phí tổn cơ hội trong vấn đề đầu tư các công trình hạ tầng để làm sao hiệu quả đồng vốn bỏ ra là cao nhất.
Đặc biệt hiện nay, bên cạnh các công trình, hệ thống giao thông kết nối rất tốt thì vấn đề phát triển các địa bàn nông thôn, các đường xương cá nối kết giữa các vùng, các địa bàn để tạo sự phát triển bền vững ở nông thôn thì cần phải nỗ lực hơn nữa. Mặc dù chỉ đạo rất lớn của Chính phủ như vấn đề cân đối phát triển con đường ven biển, vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng hiện nay dù đã cố gắng nhưng tôi cho rằng cần phải tập trung làm hơn nữa để tạo điều kiện phát triển bền vững.
Những vấn đề như vậy đang còn đặt ra và tiếp tục giải quyết trong thời gian tới, cố gắng làm sao đạt được mục tiêu xây dựng một hệ thống kết cấu hạ tầng bền vững, tạo nền tảng cho phát triển kinh tế bền vững giai đoạn từ nay đến hơn năm 2030.
PV: Theo ông, để thực sự tạo đột phá về kết cấu hạ tầng trong giai đoạn tới thì cần những bước đi như thế nào?
Ông Trần Du Lịch: Trong thời gian tới, phục vụ mục tiêu chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, chúng ta phải tập trung đột phá hơn về hạ tầng kinh tế số với xây dựng trung tâm dữ liệu lớn các hệ thống viễn thông. Nền tảng cho phát triển kinh tế số là phải làm.
Thứ hai là vấn đề năng lượng sạch, chúng ta đặt mục tiêu tiến tới Net Zero thì hạ tầng chuyển đổi xanh cũng rất quan trọng. Đặc biệt phải giải quyết đồng bộ vấn đề phát triển hạ tầng kinh tế với hạ tầng xã hội và hạ tầng văn hóa. Hiện nay có khá nhiều nhiều địa phương tập trung tốt vấn đề phát triển hệ thống giao thông nhưng hạ tầng văn hóa cũng chưa đồng bộ, chưa có những công trình tương xứng để nâng cao đời sống văn hóa. Do đó, hạ tầng xã hội, hạ tầng kinh tế phải đồng bộ.
Chúng ta muốn phát triển bền vững thì phải xem lại toàn bộ hệ thống cơ chế, các quy định hiện hành, làm sao tạo được một môi trường pháp lý thuận lợi để Nhà nước có thể huy động các nguồn lực xã hội trong vấn đề đầu tư thì mới bắt kịp được nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới.
PV: Với góc nhìn của nhà nghiên cứu tư vấn chính sách, ông kỳ vọng gì ở khâu đột phá hạ tầng, mở không gian phát triển để hiện thực hóa những mục tiêu?
Ông Trần Du Lịch: Phát triển kết cấu hạ tầng là để phục vụ cho kinh tế và phục vụ cho dân sinh. Trong phục vụ kinh tế, bây giờ cần cái đột phá là cái gì? Tôi cho là hệ thống kết cấu hạ tầng đột phá để làm sao Việt Nam giảm được chi phí logistics mà hiện nay đang cao nhất trong khu vực, để nâng cạnh tranh cho doanh nghiệp lên. Giảm chi phí logistics là cách hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp trong vấn đề cạnh tranh, nối kết hệ thống giao thông chung và các trung tâm logistics. Đột phá tiếp theo là vấn đề hạ tầng cho chuyển đổi số, hạ tầng chuyển đổi xanh.
Về phương diện dân sinh thì đối với các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số thành thành phố khác, vấn đề giải quyết bài toán giao thông đô thị, giao thông công cộng là bài toán phải đột phá. Hệ thống đường sắt quốc gia cũng là điểm phải đột phá. Hay kết cấu hạ tầng nông thôn cũng là điểm rất cần thiết. Bởi vì chúng ta không thể tiến tới một nước phát triển mà để nông thôn lạc hậu.
Điểm lại những yếu tố như vậy để thấy giai đoạn mới này đòi hỏi một chất lượng cao hơn và sự đồng bộ trong bài toán phát triển bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông!
PV/VOV1
Nguồn:https://vov.vn/chinh-tri/tu-nghi-quyet-cua-dang-dot-pha-chien-luoc-ve-ha-tang-dat-ket-qua-an-tuong-post1134152.vov