(CT) – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Cần Thơ vừa triển khai chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao đợt 1. Chiến dịch phải theo đúng hướng dẫn chuyên môn, đảm bảo vệ sinh và an toàn cho trẻ em. Trẻ em từ 6 đến 35 tháng tuổi sẽ được uống vitamin A theo liều hướng dẫn từ ngày 5 đến 9-6-2023.
Đưa trẻ đến các trạm y tế để uống vitamin A.
Cụ thể: trẻ em từ 6 tháng đến 11 tháng tuổi (trẻ sinh từ 1-6-2022 đến 30-11-2022) uống 1 viên hàm lượng 100.000 IU duy nhất (viên màu xanh); trẻ em từ 12 tháng đến 35 tháng tuổi (trẻ sinh từ 15-5-2020 đến 31-5-2022) uống 1 viên hàm lượng 200.000 IU duy nhất (viên màu đỏ).
Ðối với trẻ từ 6 đến 59 tháng tuổi bị mắc các bệnh nhiễm khuẩn gây nguy cơ thiếu vitamin A (tiêu chảy kéo dài, nhiễm khuẩn hô hấp cấp), trẻ bị suy dinh dưỡng nặng, nếu trẻ đã được uống vitamin A theo chiến dịch trong vòng 1 tháng trước đó thì không cho trẻ uống thêm vitamin A liều cao. Nếu trẻ đã được uống vitamin A theo chiến dịch trên 1 tháng trước đó thì có thể uống thêm 1 liều dự phòng theo độ tuổi.
Với trường hợp trẻ được chẩn đoán mắc sởi, cần cho trẻ uống vitamin A, theo Quyết định 1327/QÐ-BYT ngày 18-4-2014 của Bộ Y tế ban hành hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh sởi. Không tiếp tục bổ sung vitamin A liều cao cho phụ nữ sau sinh trong vòng 1 tháng. Chống chỉ định đối với trẻ đang đau bụng, sốt cao (> 38,5ºC); trẻ đang bị bệnh mãn tính (tâm thần, suy thận, tim, gan, hen phế quản); có tiền sử dị ứng với các thành phần của thuốc.
Theo Khoa Dinh dưỡng, CDC Cần Thơ, vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ niêm mạc và da, tăng cường sức đề kháng của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn. Thiếu vitamin A sẽ gây hậu quả trẻ chậm lớn, ảnh hưởng tới phát triển trí tuệ của trẻ, giảm khả năng miễn dịch, tăng tỷ lệ bệnh tật, đặc biệt là các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, đường tiêu hóa và sởi. Nhiễm trùng và thiếu vitamin A là một vòng luẩn quẩn bệnh lý dẫn đến nguy cơ tử vong cao. Thiếu vitamin A cũng gây bệnh khô mắt, khô giác mạc, nhuyễn giác mạc, nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hậu quả sẹo giác mạc và mù vĩnh viễn.
Tin, ảnh: H.HOA