Trong những năm tháng kháng chiến ở chiến trường Khu 5, họa sĩ Nguyễn Thế Vinh chiến đấu bằng ngòi bút, nét vẽ sắc bén, lấy nhiệm vụ phụng sự Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân làm niềm cảm hứng, đề tài sáng tác.
Những nét vẽ hào hùng
Họa sĩ Nguyễn Thế Vinh (Nguyễn Vĩnh Nguyên) quê Quảng Ngãi, ông tốt nghiệp Khóa Tô Ngọc Vân giai đoạn 1955 – 1957 và Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 1965. Sau khi tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật, ông vào chiến trường B, công tác ở Tiểu ban Văn Nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Khu 5, làm Bí thư Chi bộ, Ủy viên Thường vụ Hội Văn nghệ miền Trung Trung Bộ, Ủy viên Đảng đoàn Văn nghệ Khu 5 từ năm 1965 đến ngày giải phóng đất nước.
Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thế Vinh đã được giải nhì Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1960; Giải thưởng Triển lãm Mỹ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng năm 1984; Giải thưởng Văn nghệ Quảng Nam – Đà Nẵng năm 1982. Năm 2007, các tác phẩm “Lớp học bổ túc văn hóa” (khắc gỗ – sáng tác năm 1960); “Đất này là của tổ tiên” (sơn mài – 1970); “Chiến tranh và những cây dừa” (sơn mài – 1990); “Làm gạo ở Tây Nguyên” (sơn mài – 1996) của ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật đợt II.
Nguyễn Thế Vinh là họa sĩ có nhiều năm sống và chiến đấu ở chiến trường miền Nam, chuyên sáng tác tranh sơn mài. Tranh ông sử dụng nhiều mảng, nét trong tạo hình, phong cách hiện thực, giản dị đầy xúc cảm. Ông còn sáng tác nhiều tranh khắc gỗ có chất lượng nghệ thuật cao.
Đồng đội của ông kể lại, ông là người lì đòn với bom đạn, bất kể nơi nào ác liệt, ông đều đến. Đi thực tế từ đồng bằng đến miền núi cao; những vùng ác liệt như vùng Đông Thăng Bình, Đại Lộc, Điện Bàn, Hiệp Đức, Hội An… (Quảng Nam) đến Sa Huỳnh Quảng Ngãi, về Hoài Nhơn Bình Định, đều có dấu chân ông. Vũ khí ngoài cây K54 còn lỉnh kỉnh giấy, màu, cọ vẽ. Lần nào từ chiến trường về, ông cũng có tranh bày cho anh em xem. Ông luôn trân trọng, chăm chút, tỉ mẩn từng tác phẩm của mình. Rồi chọn nơi treo tranh dù chỉ là một khoảng trống nhỏ trong rừng già cho bộ đội, du kích xem, hay ở nơi có đồng bào trụ bám…
Ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam có nhiều tác phẩm của người họa sĩ được lưu giữ, như tác phẩm sơn mài “Đất này của tổ tiên ta” được họa sĩ Nguyễn Thế Vinh hoàn thành năm 1970. Bức tranh khắc họa khoảng lặng sau trận đánh. Bốn nhân vật, người châm thuốc lá hút, người dựa thân cây, người ngồi lau súng… luôn sẵn sàng chiến đấu. Bàn thờ đơn sơ với mái che dựng tạm trên nền ngôi nhà đổ nát do bom đạn tàn phá được đặt ở trọng tâm bức tranh, thể hiện sự tôn vinh giá trị thiêng liêng nguồn cội và nét đẹp văn hóa Việt Nam. Bức tranh với gam màu nóng diễn tả lửa khói của bom đạn, gợi ra sự khốc liệt của cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn. Khung cảnh làng quê trong chiến tranh hiện ra xơ xác, tiêu điều. Ngoài bốn nhân vật chính thì hình ảnh hai chú gà là chi tiết gắn kết chặt chẽ bố cục bức tranh. Kiến trúc sư Nguyễn Thế Hưng, con trai cố họa sĩ Nguyễn Thế Vinh chia sẻ: “Đây là giây phút nghỉ ngơi của các chiến sĩ du kích sau trận đánh. Trên mảnh đất quê hương tan nát vì bom đạn nhưng những người chiến sĩ vẫn dựng lều để giữ bàn thờ tổ tiên với ánh đèn dầu leo lét mà bừng sáng…; đàn gà được nuôi để tăng gia sản xuất, cung cấp lương thực cho chiến sĩ”. Dưới bàn tay tài hoa của người họa sĩ, bức tranh “Đất này của tổ tiên ta” chính là lời khẳng định mạnh mẽ về chủ quyền bất khả xâm phạm của dân tộc, là quyết tâm gìn giữ từng tấc đất cha ông của quân dân Việt Nam.
Hay hai ký họa “Du kích vùng Đông”, “Bình Dương – Thăng Bình” được họa sĩ Nguyễn Thế Vinh vẽ trong những ngày tháng ác liệt vùng cát Thăng Bình. Hai bức ký họa này được Hội Nhà văn Việt Nam làm trang bìa cho 2 tập sách “Vườn mẹ” và “Bình Dương vùng đất anh hùng” được cố họa sĩ vẽ năm 1968. Trong 9 năm ở Khu 5 (1967 – 1975) ông vẽ hàng trăm ký họa, vẽ cảnh dân trụ bám, làng quê bị địch đốt phá tiêu điều, những cô du kích Quảng Đà, du kích miền biển, du kích miền núi, phụ nữ dân tộc vùng cao, bộ đội quân giải phóng… Hình ảnh Điện Thọ trong bức vẽ với khẩu hiệu “Oán nặng thù sâu nữ đi đầu diệt Mỹ” đã trở thành khẩu hiệu hành động, phương châm đánh Mỹ của lực lượng phụ nữ lúc bấy giờ… Đặc biệt, ông còn có bức vẽ về những ngày tháng 4 lịch sử, ở bến đò Hội An năm 1975, trên bến dưới thuyền tấp nập đông vui trong ngày toàn thắng…
Tình riêng giữ lại
Tôi may mắn được kiến trúc sư Nguyễn Thế Hưng chia sẻ nhiều kỷ niệm của anh với văn nghệ sĩ kháng chiến, trong đó có họa sĩ – liệt sĩ Hà Xuân Phong. Anh cho tôi xem rất nhiều bức thư thời chiến của cha mẹ mình, trong đó có bức thư được họa sĩ Nguyễn Thế Vinh viết ngày 6/3/1967, khi đang ở căn cứ Trà My, gửi về người vợ thương yêu và các con ở ngoài miền Bắc, xin chia sẻ để thấu hiểu một góc lịch sử dù thời gian hơn 50 năm.
“Tuyết thương yêu!
Hình ảnh em và con anh không bao giờ quên. Em đưa anh đến tận bến xe, em khóc nhiều quá, mọi người xung quanh chắc lấy làm lạ. Thực ra trong lòng anh lúc đó cũng khóc nhiều, nhưng cố cầm nước mắt mà khuyên nhủ em, nén lòng dứt con và em – anh đi, đi mà không dám ngoảnh lại, đi mà chân bước nặng nề, ngực anh dường như cao hơn và khó thở, lòng bồi hồi khó tả và mất đi cái gì đó nghiêm trọng.
Em và anh không được cái gì cả, mà sẽ được “HÒA BÌNH và HẠNH PHÚC” mà thôi. Em đã biết vậy và anh biết vậy, nhưng tình cảm vợ chồng khi xa nhau và sẽ xa lâu, ai mà không thương, không khóc! Những ngày tết công tác ở vùng sâu tỉnh Quảng Nam, cùng vui vẻ ăn tết với đồng bào, nhưng cũng những ngày này là những ngày nhớ em và con…
Ở đây anh được đồng bào yêu thương và đùm bọc.
Có gì bằng văn nghệ nói lên tình cảm của đồng bào và bày ra những tranh ấy cho đồng bào xem, các mẹ, các chị yêu thương anh vô cùng. Anh cũng không quên báo cáo với em trong thời gian đi công tác vùng sâu Quảng Ngãi và Quảng Nam, anh đã vẽ được một số tranh ký họa bằng thuốc nước. Những nhân vật trong tranh là anh chị du kích, các chị, các mẹ chiến đấu và sản xuất, anh vô cùng yêu mến những người ấy, số tranh đã bày được một phòng em ạ và trong dịp tết anh đã bày được 5 địa điểm…”.
Họa sĩ Nguyễn Thế Vinh vào Nam để lại người vợ trẻ và các con; anh Nguyễn Thế Hanh, còn gọi là Nguyễn Thế Hà – người con trai thứ hai, nghe tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, đã vào Nam chiến đấu. Năm 1970, anh ở trong đội Thanh niên tuyên truyền Giải phóng quân, nghe tin đồng đội bị phục kích, anh đã dẫn một số anh em đi ứng cứu, không ngờ chính anh cũng bị phục kích. Nghe hung tin, họa sĩ Nguyễn Thế Vinh từ trên núi xuống tìm con. Và chính tự tay mình, gói đứa con trai vào miếng ny lon rồi chôn cất…
Kiến trúc sư Nguyễn Thế Hưng kể cho tôi câu chuyện về anh được gặp họa sĩ Hà Xuân Phong, đó là năm 1973 khi ra miền Bắc, người họa sĩ này ở cùng ba anh ở Ban Thống nhất. Anh được Hà Xuân Phong chở đi chơi, được chiều chuộng, chăm sóc, khi hay tin đồng đội của cha hy sinh, anh đã khóc suốt, anh nhớ mãi khuôn mặt hiền hậu, tràn trề sức sống…
Người chiến sĩ, họa sĩ tài hoa Hà Xuân Phong hy sinh vào ngày 17/11/1974 trong một chuyến công tác khi vượt sông Trà Nô, để lại hàng trăm bức ký họa chiến trường. Và những bức ký họa này được giao phó cho họa sĩ Nguyễn Thế Vinh. Ông đã gìn giữ, bảo quản cẩn thận, đến năm 1989, họa sĩ Nguyễn Thế Vinh đã bàn giao những bức ký họa của họa sĩ Hà Xuân Phong cho Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Để rồi tư liệu quý này đã được truyền lại cho thế hệ mai sau, vẫn thấy đầy ắp những năm tháng hào hùng, vẫn nghe đâu đây tiếng vọng non sông, cả dân tộc đều đi chung một mục đích duy nhất – đất nước thanh bình.