Thành công từ “5 sẵn sàng”
Cuối năm 2023, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Đông Nam Nguyễn Tiến Trị thông báo tin vui: UBND tỉnh Nghệ An vừa cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có số vốn 120 triệu USD.
Đây là Dự án do nhà đầu tư Radiant Opto – Electronics Corporation (Đài Loan) đầu tư xây dựng Nhà máy Radiant Opto – Electronics Việt Nam Nghệ An tại Khu công nghiệp VSIP Nghệ An.
Dự án có công suất thiết kế sản phẩm linh kiện điện tử, bao gồm mô đun đèn nền (BLU), tấm dẫn hướng ánh sáng (LGP), phim tăng cường độ sáng (BEF), đúc khung nhựa (M/F forming) giai đoạn 1 là 35 triệu sản phẩm/năm, tương đương 2.100 tấn sản phẩm/năm; giai đoạn 2 tăng thêm 10 triệu sản phẩm/năm, tương đương 600 tấn sản phẩm/năm.
Nhà đầu tư xây dựng các dịch vụ cho thuê nhà xưởng, nhà kho với diện tích khoảng 45.000m2; cơ sở cho thuê lưu trú công nhân, chuyên gia làm việc ở Khu Công nghiệp VSIP Nghệ An, diện tích hơn 14 nghìn mét vuông cùng với dịch vụ bảo dưỡng và sửa chữa sản phẩm do nhà đầu tư sản xuất. Đây là dự án FDI thứ 17 mà tỉnh Nghệ An đã thu hút được trong năm 2023.
“Với việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đầu tư cho dự án của nhà đầu tư với số vốn 120 triệu USD vào những ngày cuối năm này, năm 2023 Nghệ An đã thu hút được 1,58 tỉ USD vốn FDI. Tính đến cuối tháng 12.2023, Nghệ An đứng thứ 9/63 tỉnh, thành phố cả nước và liên tiếp trong hai năm 2022 và 2023 đứng tốp 10 cả nước trong thu hút đầu tư FDI” – ông Lê Tiến Trị cho biết.
Thành công đáng lưu ý là trong số các nhà đầu tư FDI vào Nghệ An, có nhiều doanh nghiệp lớn, có thương hiệu tầm quốc tế như Foxconn, Goertek, Everwin, JuTeng, Luxshare ICT… Đây là những thương hiệu mạnh, có uy tín lớn và có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả, thân thiện với môi trường, nghiêm túc tuân thủ pháp luật quốc tế và pháp luật của nước sở tại.
Theo Ban Quản lý Khu kinh tế Đông Nam Nghệ An, trong những năm tới, tình hình thu hút vốn FDI của tỉnh sẽ tiếp tục tăng, do các dự án FDI hình thành chuỗi liên kết, cung ứng nối đuôi nhau cùng vào Nghệ An.
Thu hút đầu tư là chủ trương lớn và là nhiệm vụ chính trị quan trọng, được lãnh đạo tỉnh thường xuyên nhắc nhở, đôn đốc, quán triệt, trở thành tinh thần chung của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Theo đó, Nghệ An có công thức “5 sẵn sàng” dành cho các nhà đầu tư, bao gồm: Sẵn sàng về mặt bằng; sẵn sàng về cơ sở hạ tầng; sẵn sàng về nguồn nhân lực; sẵn sàng về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính; sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ.
Về tiềm năng đất đai, Nghệ An là địa bàn có diện tích lớn nhất cả nước, dân số lớn thứ 4 cả nước (sau TPHCM, Hà Nội, Thanh Hóa), với nguồn lao động khoảng 1,6 triệu người, hàng năm có thêm 40 – 50 nghìn người bước vào độ tuổi lao động, tỉ lệ lao động qua đào tạo ngày càng nâng cao. Nghệ An là địa bàn có lợi thế giao thông, có sân bay, cảng biển, đường bộ, hệ thống hạ tầng giao thông và logistics ngày càng được nâng cấp, hoàn thiện.
Về cơ chế chính sách, Nghệ An thường xuyên chú trọng cải cách hành chính, rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục, tạo thuận lợi tối đa cho nhà đầu tư. Nghệ An đã thành lập Khu Kinh tế Đông Nam, tạo ra cơ chế thuận lợi hơn cho nhà đầu tư trong giải quyết thủ tục hành chính.
Thành công của Nghệ An là thu hút được nhiều nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp có năng lực tốt và kinh nghiệm quản lý, thu hút đầu tư hiệu quả như VSIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt… Các nhà đầu tư này xây dựng các khu công nghiệp quy mô lớn, hiện đại, có quỹ đất lớn thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển quy mô và mở rộng liên kết.
Tầm nhìn hướng đến phát triển bền vững
Thành công của Nghệ An là điều mà các địa phương khác rất ngưỡng mộ và mong muốn đạt được. Bởi vì chỉ có thành công trong thu hút đầu tư, đặc biệt là dòng vốn đầu tư FDI thì mới đem lại sự phát triển bền vững, thịnh vượng cho địa phương. Nghệ An đã đi trước một bước trong việc thu hút nhà đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp để lót ổ đón đại bàng.
Tháng 9.2015, dự lễ khởi công dự án khu liên hiệp công nghiệp, đô thị và dịch vụ VSIP Nghệ An, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Dự án này thành công không chỉ góp phần phát triển kinh tế – xã hội của Nghệ An, của khu vực, của cả nước, mang lại lợi ích thiết thực cho cả 2 hai nước Việt Nam và Singapore mà rộng lớn hơn là góp phần tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và thỏa thuận kết nối hai nền kinh tế Việt Nam – Singapore”.
Tại Nghệ An, dự án VSIP thứ 7 được xây dựng với diện tích 1.475 ha trong đó giai đoạn 1 thực hiện trên diện tích 750 ha, tổng mức đầu tư gần 1.700 tỉ đồng. Với vị trí chiến lược ngay giữa trung tâm sản xuất mới của cả nước. Với nguồn lao động dồi dào và chi phí cạnh tranh, VSIP Nghệ An sẽ là một điểm đến lý tưởng cho tất cả các nhà đầu tư trong lĩnh vực sản xuất, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.
Cùng với VSIP, Nghệ An tiếp tục thu hút Công ty Cổ phần WHA Hemaraj Nghệ An đầu tư xây dựng giai đoạn 1 Dự án Khu Công nghiệp WHA Hemaraj Nghệ An. Dự án được triển khai trên diện tích 3.200 ha tại địa bàn các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, thuộc quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 22.000 tỉ đồng, tương đương 1 tỉ USD. Tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ năm 2017 và hoàn thành năm 2030.
Đến nay, các dự án nói trên đã phát huy hiệu quả thực tế, hình thành các khu công nghiệp với chuỗi sản xuất, cung ứng liên hoàn, thu hút nhiều dự án cùng đầu tư vào Nghệ An.
Cùng với dòng vốn FDI, nhà đầu tư còn đem vào Nghệ An các công nghệ tiên tiến, các dây chuyền sản xuất hiện đại, mô hình, tư duy quản lý doanh nghiệp mới, tạo cơ hội chuyển giao cho các doanh nghiệp, lao động địa phương. Người lao động không còn phải tha hương cầu thực, có cơ hội tìm được vị trí việc làm với mức lương xứng đáng với trình độ đào tạo. “Thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Nghệ An, họ cần các lao động biết tiếng Trung Quốc. Nếu người lao động có thêm kinh nghiệm và trình độ phù hợp, sẽ được trả mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng”- Phó Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Đông Nam Nghệ An Trần Thị Nguyệt cho biết.
Thành quả của sự kiên trì
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung, trong nhiều năm trước, Nghệ An chưa phải là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Nhưng với sự nỗ lực, kiên trì của tỉnh, trong những năm gần đây, Nghệ An đã có bước chuyển tích cực về thu hút FDI.
Đến nay, lũy kế toàn tỉnh Nghệ An đã thu hút được 133 dự án đầu tư FDI đến từ 14 quốc gia/vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt hơn 4 tỉ USD. Tính chung cả giai đoạn 5 năm, từ năm 2019 đến nay, vốn FDI của Nghệ An đạt khoảng 3,4 tỉ USD; chiếm 85% tổng vốn FDI đăng ký đầu tư từ trước đến nay.
Năm 2022 đạt xấp xỉ 1 tỉ USD, năm 2023 đạt gần 1,6 tỉ USD, qua đó 2 năm liền Nghệ An nằm trong danh sách 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.
Đặc biệt, Nghệ An đã thu hút thành công được nhiều tập đoàn lớn của thế giới tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất công nghệ điện tử, năng lượng xanh như: Luxshare – ICT, Goertek, Everwin, JuTeng, Foxconn, Runergy, Shangdong, Sunny…, bước đầu hình thành những ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh như: công nghệ, điện tử, năng lượng, thép, sản xuất linh kiện ôtô,… Đây được xem là kết quả đáng ghi nhận sau 27 năm kể từ khi Nghệ An thu hút được dự án FDI đầu tiên.
Thu hút nguồn vốn FDI là nguồn lực quan trọng, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển các ngành kinh tế, thúc đẩy xuất nhập khẩu. Đây là nguồn lực để các địa phương có điều kiện thực hiện mục tiêu phát triển – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung.