XẾP HẠNG PISA THẤP NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY
Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vừa công bố kết quả PISA (Chương trình đánh giá học sinh (HS) quốc tế, do OECD khởi xướng và chỉ đạo) năm 2022. Theo đó, HS VN đạt 469 điểm toán, 462 điểm đọc hiểu và 472 điểm khoa học, thấp hơn 3 – 14 điểm so với mức trung bình của các nước OECD. So với kỳ đánh giá năm 2018, điểm toán trung bình của HS VN giảm 27 điểm, đọc hiểu và khoa học giảm lần lượt 43 và 71 điểm.
Xét về thứ hạng, HS VN nằm ở mức trung bình về môn toán, nhưng dưới trung bình ở môn đọc hiểu và khoa học. Cụ thể, trong số 73 nước và 8 vùng lãnh thổ tham gia PISA năm 2022 thì VN đứng thứ 31 về toán, 34 về đọc hiểu và 37 về khoa học.
Từ khi VN tham gia xếp hạng PISA vào năm 2012, kết quả xếp hạng năm nay thấp nhất, giảm bậc ở tất cả lĩnh vực. Trong đó, kết quả môn toán học giảm 7 – 14 bậc, đọc hiểu giảm 2 – 21 bậc, khoa học 27 – 31 bậc.
Tại hội thảo, GS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục VN, cho rằng xu hướng trong cả 4 lần thi PISA, tỷ lệ nhóm điểm thấp nhất và tỷ lệ nhóm điểm cao nhất là tương đối thấp so với các nước có điểm tương đương.
“Như vậy chúng ta làm rất tốt ở mặt trung bình nhưng HS xuất sắc nhất và kết quả thấp nhất thì chúng ta ít hơn. Điều này có thể là tín hiệu tích cực nhưng ở chiều ngược lại khi chúng ta đang bàn đến việc phát triển phẩm chất năng lực của người học, phát huy tối đa khả năng của mỗi cá nhân thì việc đào tạo HS tài năng cần làm tốt hơn nữa”, GS Vinh nhận xét.
KẾT QUẢ THẤP CÓ PHẢI DO ẢNH HƯỞNG DỊCH COVID-19?
Vẫn theo GS Vinh, kỳ thi PISA năm 2022 dự kiến tổ chức vào năm 2021, tuy nhiên phải lùi lại 1 năm do dịch Covid-19. Chắc chắn dịch bệnh này ảnh hưởng tới chất lượng giáo dục trên toàn thế giới nhưng câu chuyện là “khó người khó ta”. “Tại sao tất cả đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà nước ta có vẻ lại bị ảnh hưởng nặng hơn so với các nước hay không”, ông Vinh đặt câu hỏi.
Đồng thời ông Vinh đưa ra giả thiết, lý do mà VN đạt kết quả cao về PISA nhiều năm trước vì nhóm HS VN tham dự kỳ thi PISA được lựa chọn ở độ tuổi 15, độ tuổi phổ rất rộng. Một số nước chọn HS chưa hết lớp 9 nhưng VN vì áp lực của kỳ thi vào lớp 10 nên chọn HS dự thi toàn lớp 10. Có khoảng 68% HS lớp 9 lên lớp 10 nên VN chọn mẫu của 68% này, còn các nước sẽ chọn 100% HS THPT hoặc lớp 9… nên chọn mẫu rộng hơn. Thứ hai, HS đã vào lớp 10 nghĩa là các em đã trải qua một cuộc thi rất khốc liệt nên không cần phải ôn thi gì các em đã rất vững vàng để làm các đánh giá.
“Liệu rằng HS VN trong hai năm vừa qua do dịch bệnh, chúng ta duy trì được việc học nhưng việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên, việc thi vào lớp 10 có gì thay đổi làm ảnh hưởng đến kết quả hay không? Điều này cần có tìm hiểu kỹ hơn, sâu hơn nhưng rõ ràng chúng ta nhìn thấy việc kiểm tra, đánh giá trong suốt quá trình học tập sẽ ảnh hưởng đến kết quả chung của HS”, ông Vinh đề nghị.
KHOẢNG CÁCH ĐIỂM PISA GIỮA HS ĐIỂM CAO VÀ THẤP NHẤT BẰNG TỚI 3 NĂM HỌC
Cũng theo GS Lê Anh Vinh, nếu như phân tích vào các nhóm điểm sẽ thấy trong nhóm 25% kết quả cao nhất và 25% thấp nhất của VN thì khoảng cách khoảng 78 điểm. Số điểm này tương đương 2 năm rưỡi học tập. Đáng chú ý khoảng cách này đang cao hơn khoảng cách của năm đầu tiên tham gia PISA vào 2012 (năm ấy khoảng cách hơn 60 điểm). Tuy nhiên, khoảng cách này vẫn thấp so với mặt bằng chung của OECD là hơn 90 điểm (khoảng 3 năm học).
GS Vinh nhấn mạnh: “Khoảng cách điểm này là rất lớn giữa HS có điều kiện học tập tốt nhất và những HS khó khăn nhất. Các con có thể chênh nhau bằng khoảng 3 năm học tập tại trường và chắc chắn chúng ta phải làm rất nhiều điều để có thể thu hẹp”.
Tại hội thảo, ông Phạm Quốc Khánh, Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho rằng nếu HS không thực sự được gợi mở để giải quyết các vấn đề thực tiễn thì việc đánh giá vẫn là những “mảnh ghép” rời rạc. Theo ông Khánh, khi tham gia đánh giá PISA, ông phát hiện ra rằng việc đọc từng tình huống thực tiễn để chuyển thành bài toán và giải bài toán thì HS của chúng ta rất giỏi nhưng phần đọc hiểu tình huống thực tiễn thì lại rất hạn chế. “Đọc hiểu vấn đề rất quan trọng trước khi giải quyết vấn đề. Toán học cũng như vậy và cuộc sống cũng như vậy”, ông Khánh nói.
SẼ CÔNG BỐ HƯỚNG DẪN HS THI TỐT NGHIỆP THPT TỪ NĂM 2025
Bên cạnh đó, ông Khánh cũng dành nhiều thời gian nói về kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, năm mà lứa HS đầu tiên học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ tốt nghiệp THPT. Theo ông Khánh, HS chỉ quan tâm hai thứ là thi môn gì và thi như thế nào. Phương án thi được làm các bước rất thận trọng, có tính khoa học, có trí tuệ tập thể. Đây là phương án phù hợp nhất, cân bằng được các lợi ích liên quan nhất và kiểm soát được các rủi ro nhất. “Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục công bố các em sẽ thi như thế nào. Cục đang cùng các chuyên gia mày mò, thử nghiệm “âm thầm” ở các nơi để lắng nghe. Tuy nhiên, thử nghiệm này chỉ là một kênh vì HS chưa học hết chương trình, mới học đến học kỳ 1 của lớp 11. Kênh khoa học khác sẽ giúp Bộ GD-ĐT công bố một cấu trúc định dạng đề thi phù hợp nhưng hoàn thiện là một quá trình”, ông Khánh cho hay.
Theo ông Khánh, đánh giá theo mục tiêu nhưng đánh giá quá trình và tổng kết phải được kết hợp với nhau. Như vậy tốt nghiệp THPT là kỳ thi tổng kết chỉ là một phần trong việc đánh giá, giúp người học phát triển phẩm chất, năng lực như mục tiêu chương trình đề ra. Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 hay những năm qua là đánh giá diện rộng nhưng vẫn cần đánh giá được năng lực phẩm chất của mỗi HS. Đây là vấn đề theo ông Khánh còn đang cần tiếp tục nghiên cứu. “Thi cái gì nhưng thi như thế nào là câu chuyện rất cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện”, ông Khánh nhấn mạnh.
Ông Khánh cũng cho biết thêm, kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 sẽ có lộ trình, mô hình và cách thi mà Bộ GD-ĐT mới công bố sẽ ổn định đến năm 2030 nhưng chắc chắn sẽ phải hoàn thiện dần. Đến năm 2032 chúng ta mới có lứa HS học từ lớp 1 đến lớp 12 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tham dự kỳ thi tốt nghiệp. Do vậy, Bộ sẽ có những bước đi phù hợp.
Lạm dụng “chuẩn hóa” sẽ khó đạt được mục tiêu cao nhất của giáo dục
Về vấn đề này, GS Lê Anh Vinh cho rằng chương trình phát triển năng lực là hướng tới việc thay đổi cách dạy, cách học, cách thực hiện ở nhà trường để giáo viên không chỉ chăm chăm vào việc HS của mình làm được gì về mặt kiến thức, nội dung mà dám vượt qua điều đó để trở thành con người tốt hơn. Còn đánh giá sẽ đi song hành, thay đổi dần dần từ việc kiểm tra cứng nhắc thành quá trình quan sát của người dạy, việc tham gia các dự án học tập trong cả quá trình. Do vậy để đánh giá một con người mà chúng ta quá lạm dụng khái niệm “chuẩn hóa” thì sẽ khó đạt được mục tiêu cao nhất của giáo dục.