Nhiều chuyên gia, học giả, dù góc nhìn khác nhau, nhưng cùng gặp nhau trong luận điểm, cuộc xung đột ở Ukraine và Dải Gaza, sớm hay muộn, rồi cũng kết thúc trên bàn đàm phán.
Tuy nhiên, đến nay, con đường hòa bình vẫn gian nan, xa vời, chưa biết tháo gỡ bùng nhùng từ đâu? Trong bối cảnh đó, nhớ đến sự kiện đàm phán ký kết Hiệp định Geneva cách đây tròn 70 năm…
Từ Hiệp định Geneva, nghĩ về con đường đến hòa bình trên thế giới hiện nay. (Nguồn: Getty Images) |
Chiến tranh để có hòa bình
Nếu minh họa lịch sử Việt Nam đến cuối thế kỷ XX, hầu như trang nào cũng có hình mũi tên, cây súng. Trải qua nhiều cuộc kháng chiến chống ách cai trị, xâm lược của ngoại bang, hơn ai hết, dân tộc Việt Nam hiểu cái giá của hòa bình, luôn khát vọng hòa bình gắn với độc lập, tự do.
Theo chủ trương “hòa để tiến”, ngày 6/3/1946, Việt Nam ký Hiệp định Sơ bộ, chấp nhận “là một quốc gia tự do nằm trong khối liên hiệp Pháp…”, đồng ý để 15 nghìn quân Pháp vào thay quân Tưởng. Hơn 6 tháng sau, để cứu vãn hòa bình, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký với đại diện Pháp Tạm ước 14/9 với 11 điều khoản. Hai bên cam kết đình chỉ xung đột; ta tiếp tục nhân nhượng, đảm bảo cho Pháp một số quyền lợi về kinh tế, văn hóa ở Việt Nam.
Nhưng rồi Pháp vẫn xâm lược. Việt Nam phải tiến hành cuộc trường kỳ kháng chiến 9 năm. Với vị thế sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “chấn động địa cầu” và tư tưởng độc lập, tự chủ, nhưng trong đàm phán ký kết Hiệp định Geneva 1954, ta vẫn nhân nhượng nhất định để đình chiến, lập lại hòa bình. Tinh thần đó tiếp nối trong đàm phán ký kết Hiệp định Paris 1973, để 2 năm sau, thực hiện mục tiêu cao nhất, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, xây dựng nước Việt Nam dân chủ, cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc.
Người Việt có câu hát đầy tâm tư, “Dù rằng đời ta thích hoa hồng. Kẻ thù buộc ta ôm cây súng”. Vì hòa bình nên phải tiến hành chiến tranh, “chiến tranh để có hòa bình”. Nhưng chiến tranh chỉ khi không còn con đường nào khác. Trong chiến tranh, luôn chủ trương “vừa đánh vừa đàm”, không bỏ qua bất cứ cơ hội hòa bình nào dù nhỏ; “biết mình”, “biết người” “biết tiến”, “biết thoái”…, tìm mọi cách kết thúc chiến tranh sớm nhất có thể, đỡ tổn thất xương máu cho nhân dân hai bên.
Một trong những bài học, đàm phán hòa bình không chỉ cần thiện chí lớn, quyết tâm cao mà phải rất bản lĩnh, trí tuệ; vừa độc lập tự chủ vừa biết nhân nhượng có nguyên tắc, tận dụng mọi cơ hội, đạt mục tiêu tối ưu, hài hòa giữa trước mắt và lâu dài. Dân tộc Việt Nam khát khao hòa bình và có đủ bản lĩnh, trí tuệ và nghệ thuật thực hiện mục tiêu đề ra.
Hai bên từng có cơ hội và đã bỏ lỡ. Theo tin tức từ nhiều nguồn (trong đó có tờ Wall Street Journal), Nga và Ukraine suýt đạt thỏa thuận hòa bình tại vòng đàm phán tháng 3/2022, ở Istanbul, Thổ Nhĩ kỳ. “Điều khoản đinh” của thỏa thuận là Ukraine thực sự trung lập, hạn chế quy mô quân đội và công nhận Crimea thuộc Nga; có thể gia nhập EU nhưng không thể gia nhập NATO… Đổi lại, Nga sẽ rút quân, khôi phục quan hệ (điều này phù hợp với tuyên bố của Moscow khi mở chiến dịch quân sự đặc biệt).
Cũng theo nguồn tin trên, Kiev đã hủy bỏ thỏa thuận vào phút chót. Một số thành viên đoàn đàm phán Ukraine bị bắt giam, Kiev ra sắc lệnh cấm đàm phán với Nga. Cơ hội không lặp lại. Nếu lúc này, cả Nga và Ukraine cùng chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán, thì điều kiện sẽ khác xa, cao hơn nhiều so với thỏa thuận bị bỏ lỡ và cái giá phải trả cũng rất đắt, với cả hai bên.
Nga có phần ưu thế hơn trên chiến trường, vẫn đứng vững trước rừng lệnh trừng phạt của phương Tây, nhưng kết cục khó theo kiểu “lấm lưng trắng bụng”. Vũ khí hiện đại từ phương Tây đổ về, thúc đẩy Ukraine nỗ lực phản công trước tháng 11/2024. Nhưng nhiều chuyên gia, học giả cho rằng, Kiev khó xoay chuyển cục diện, đàm phán vẫn là phương án khả dĩ nhất.
Thực tế, cả Nga và Ukraine đều nói tới đàm phán. Các hội nghị hòa bình trước đó do phương Tây và Ukraine tổ chức mang nặng tính tuyên truyền, tập hợp lực lượng. Nỗ lực trung gian hòa giải của một số nước chưa có kết quả cụ thể nào; chưa có bất cứ tín hiệu nào cho thấy 2 bên chịu ngồi lại với nhau. Điều gì là cản trở chủ yếu?
Trước hết, cả 2 bên đặt ra điều kiện tiên quyết mà đối phương khó chấp nhận. Dường như đã “đâm lao thì phải theo lao”. Kiev phụ thuộc nhiều vào tiền, vũ khí viện trợ, khó tự mình quyết định. Điều ẩn sâu, quyết định là cuộc chiến ủy nhiệm, phức hợp giữa phương Tây với Nga. Tốn tiền của nhưng kéo Nga vào cuộc chiến dài ngày dẫn đến suy yếu là cái giá chấp nhận được. Một số nhà lãnh đạo phương Tây không muốn dừng xung đột; thậm chí muốn lôi kéo NATO can dự trực tiếp. Có những dẫn chứng cho nhận định trên.
Hội nghị hòa bình Ukraine ở Thụy Sỹ bị xem là thất bại toàn diện khi không đạt được các mục tiêu đề ra. (Nguồn: wissinfo.ch) |
Chuyện mới nhất, EU dọa trừng phạt, tẩy chay nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên của Hungary vì Thủ tướng Orban tỏ ra trung dung trong chính sách chống Nga, nhất là năng nổ làm “sứ giả hòa bình” cho xung đột ở Ukraine. Đành rằng Thủ tướng Orban chưa tranh thủ ý kiến lãnh đạo EU (chắc chắn phản đối). Nhưng nếu thực lòng muốn đàm phán, EU sẽ bỏ qua hình thức, để cùng Hungary hành động.
Cả NATO, phương Tây đều lo ngại cựu Tổng thống Donald Trump thắng cử. Bởi như tuyên bố, ông sẽ hạn chế viện trợ Ukraine và thúc đẩy Kiev đàm phán với Nga. Không phải cựu ông chủ Nhà Trắng ưu ái gì với Nga, mà ông muốn châu Âu tự mình gánh vác, để Mỹ tập trung đối phó Trung Quốc, đối thủ hệ thống và lâu dài.
Vô hình trung, đó chính là sự thừa nhận vai trò của Mỹ đối với cuộc xung đột ở Ukraine. Có thể nói họ không thực lòng muốn đàm phán, hoặc chỉ đàm phán trên thế mạnh.
Như vậy, có đàm phán hay không, không chỉ phụ thuộc vào Nga, Ukraine. Moscow tuyên bố rõ, sẵn sàng cân bằng lợi ích để giải quyết xung đột, nhưng phải đi đôi với chuyện phương Tây chấm dứt đe dọa an ninh Nga. Nhân tố chi phối lớn, thậm chí có ý nghĩa quyết định là ý đồ chiến lược của NATO, phương Tây do Mỹ đứng đầu. Do đó, chuyện đàm phán có “nhúc nhích” sớm nhất cũng phải sau bầu cử Tổng thống Mỹ, nếu ông Trump đắc cử và khi Ukraine sa vào thế cực kỳ khó khăn.
Gần đây, tờ New York Times đưa tin, Tổng thống Zelensky nói sẽ tổ chức hội nghị hòa bình thứ hai (cũng lại vào tháng 11), mời Nga tham dự để chấm dứt xung đột. Trước hết là 3 hội nghị về an ninh năng lượng, tự do hàng hải và trao đổi tù binh, mở đường cho một hội nghị cấp cao.
Nhưng ngày 11/7, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết “An toàn và an ninh các cơ sở hạt nhân”, yêu cầu Nga “khẩn trương” rút quân đội khỏi nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, “ngay lập tức trả lại” cho Ukraine kiểm soát. Phía Nga coi đó nghị quyết là có hại, bị chính trị hóa và Ukraine mới là mối đe dọa thực sự an toàn của nhà máy. Có nghĩa là, sẽ có vô số thủ đoạn cản trở đàm phán, cho đến khi nó buộc phải diễn ra.
Cuộc chiến giữa Hamas và Israel vẫn tiếp diễn
Có người nói hoàn cảnh của Hamas (và cả Palestine) cũng có nét gần như của Ukraine. Nhưng thực sự hai cuộc xung đột này có không ít điểm khác nhau. Tương quan lực lượng nghiêng về Israel, kể cả khi Hamas được Hezbollah, Houthi và một số tổ chức Hồi giáo vũ trang khác ủng hộ. Mỹ đề xuất kế hoạch đàm phán ngừng bắn, nhưng chính Mỹ, đồng minh lớn nhất, lại hết lòng ủng hộ vũ khí, chính trị, ngoại giao cho Israel.
Câu hỏi đặt ra là ai thực sự muốn đàm phán ngừng bắn, tiến tới một giải pháp hòa bình cho vấn đề Palestine không?
Đường đến hòa bình còn xa khi khói bốc vẫn bốc lên ở Dải Gaza. (Nguồn: AFP) |
Từ lâu, chính quyền Palestine chủ trương đấu tranh bằng con đường chính trị, ngoại giao. Các phái, phong trào của người Palestine chưa thực sự tìm ra tiếng nói chung. Hamas chấp nhận đàm phán trả tự do cho con tin Israel, tạo điều kiện thuận lợi mở đường cho thỏa thuận khung có thể kết thúc xung đột. Điều này hợp lý bởi Hamas có phần yếu thế hơn.
Lãnh đạo Israel đồng ý đàm phán, nhưng vẫn mải miết tấn công, nhằm xóa sổ bằng được Hamas. Bom đạn của quân đội Israel trúng cả vào trụ sở cơ quan cứu trợ và trường học của Liên hợp quốc ở Dải Gaza, làm nhiều người chết, bị thương.
Điều kiện cơ bản nhất là công nhận Nhà nước Palestine độc lập cùng tồn tại với Nhà nước Do Thái theo Nghị quyết của Liên hợp quốc (được đa số ủng hộ), nhưng Mỹ và một số nước phủ quyết. Ủy ban Điều tra Liên hợp quốc cho rằng cả Israel và Hamas đều phạm tội ác chiến tranh, nhưng Washington vẫn làm thinh.
Dù áp lực quốc tế lớn, nhưng nhiều khả năng Tel Aviv chỉ ngưng cuộc chiến khi xóa sổ Hamas và các tổ chức Hồi giáo vũ trang khác không tấn công Israel. Với kiểu tổ chức “du kích”, Hamas có thể tổn thất, tạm mất vị thế ở Dải Gaza, nhưng khó tiêu diệt hoàn toàn, “mất đầu này sẽ mọc ra đầu khác”.
“Quả bóng đàm phán” đang ở phần sân của Israel và những người ủng hộ Tel Aviv. Với những lý do đó, cuộc chiến giữa Israel và Hamas sẽ khó kết thúc hoàn toàn, nếu những nhân tố nêu trên không được giải quyết. Xung đột có thể tạm lắng, rồi lại bùng phát khi có điều kiện.
Đường đến hòa bình còn nhiều gian nan, bởi tác động từ bối cảnh khu vực, các toan tính nước lớn, bên ngoài và những mâu thuẫn sâu xa, chồng chất phức tạp giữa Israel và Palestine.
window.fbAsyncInit = function() {
FB.init({
appId : ‘277749645924281’,
xfbml : true,
version : ‘v18.0’
});
FB.AppEvents.logPageView();
};
(function(d, s, id){
var js, fjs = d.getElementsByTagName(s)[0];
if (d.getElementById(id)) {return;}
js = d.createElement(s); js.id = id;
js.src = “https://connect.facebook.net/en_US/sdk.js”;
fjs.parentNode.insertBefore(js, fjs);
}(document, ‘script’, ‘facebook-jssdk’));
Nguồn: https://baoquocte.vn/tu-hiep-dinh-geneva-nghi-ve-con-duong-den-hoa-binh-tren-the-gioi-hien-nay-279298.html