“Những tín hiệu khả quan này đã cho thấy đề án thí điểm, rộng đường cho phim Nhà nước đến với công chúng là đúng đắn”, ông Thành nói.
Trước đó, lượng khán giả đặt vé xem phim Đào, phở và piano (biên kịch và đạo diễn: Phi Tiến Sơn) tăng đột biến khiến trang web Trung tâm Chiếu phim quốc gia sập trong vài ngày qua, tới hết 19-2 vẫn chưa hoạt động trở lại.
Trung tâm phải mở thêm suất chiếu, từ 3 suất lên 11, 15 và hiện tại là 18. Ông Vũ Đức Tùng, quyền giám đốc trung tâm, gọi đây là “hiện tượng trước nay chưa từng có”.
Ông Vũ Đức Tùng nhận định hiện tượng này cho thấy nếu phim Nhà nước có kịch bản hợp xu thế, nội dung chạm tới cảm xúc người xem thì hoàn toàn có khả năng ra rạp.
Đào, phở và piano “hot” bất ngờ nhờ một TikToker đi xem phim và đánh giá, sau đó có sự “tiếp sức” của nhiều hội nhóm về phim ảnh lẫn showbiz trên mạng Facebook.
Tuy nhiên, về khả năng ra rạp và trụ rạp của phim Nhà nước lại có không ít băn khoăn. Có khán giả bình luận: “Đào, phở và piano thành hiện tượng nhưng các phim Nhà nước khác chưa chắc”.
Nhìn hai bộ phim Nhà nước ra rạp dịp này, có thể thấy so với “người anh em” Đào, phở và piano, Hồng Hà nữ sĩ khá lép vế. Từ 10-2 tới nay, mỗi ngày phim chỉ chiếu 3 suất cầm chừng tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, và độ thảo luận về phim trên mạng cũng không lớn.
Ra rạp cùng thời điểm, Đào, phở và piano “hot” mà Hồng Hà nữ sĩ “ỉu xìu” là có lý do. Bên cạnh một số ý kiến chê phim, Đào, phở và piano cũng chinh phục nhiều khán giả.
Ông Vi Kiến Thành cho rằng: “Bộ phim có những tìm tòi sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh, đặc biệt là dấu ấn của Phi Tiến Sơn khi tạo ra một bộ phim thể hiện đúng tinh thần và khí chất của người Hà Nội những năm 1946-1947”.
Phim cũng từng đoạt Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 tại Đà Lạt hồi cuối năm ngoái.
Hiện tượng này cũng không loại trừ những lý do khách quan khác. Bộ phim được “hưởng lợi” từ phim Mai của Trấn Thành – hiện tượng phòng vé lớn nhất mùa Tết năm nay.
Trên các hội, nhóm về phim ảnh và showbiz, có một bộ phận không nhỏ khán giả anti Trấn Thành. Họ kêu gọi đi xem phim Đào, phở và piano, thay vì đi xem phim của “Lệ Tổ” (cách một số anti-fan gọi Trấn Thành).
Ngoài ra, việc Đào, phở và piano chỉ chiếu thí điểm duy nhất ở Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội) càng tạo ra cơn sốt săn vé khi mỗi ngày chỉ có vài ngàn vé được bán ra.
Vẫn còn quá sớm để nói về đường đi đến rạp của các phim Nhà nước. Đào, phở và piano là hiện tượng, là tín hiệu đáng mừng nhưng nếu các phim Nhà nước vẫn giữ cách làm phim cũ, tư duy cũ thì liệu hiện tượng mãi chỉ là hiện tượng?
Để phim Nhà nước cạnh tranh với phim thương mại và xác lập vị thế ở phòng vé, có lẽ vẫn cần một sự thay đổi toàn diện, không chỉ tư duy làm phim mà cả cách “bán” và quảng bá sản phẩm.