Tinh thần ấy cũng chính là khẩu hiệu được khắc ghi trên Bia tưởng niệm Khu đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Tây Nam Bộ (nay là Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh), được xây dựng và hoàn thành ngày 26/3/2006, đặt tại đầu kênh Công Ðiền – Hương Mai, xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Ðây là công trình di tích để vinh danh, ngợi ca công lao to lớn của các thế hệ Khu đoàn Tây Nam Bộ hoạt động tại nơi đây trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy khó khăn, gian lao nhưng anh dũng.
Ðoàn cán bộ, công nhân viên Khu đoàn Tây Nam Bộ và cựu cán bộ Ðoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam chụp ảnh lưu niệm cùng tuổi trẻ Cà Mau tại Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phường 1, TP Cà Mau).
Ông Lê Trí Dũng cho biết, đây là lần đầu tiên cán bộ, công nhân viên Khu đoàn và cựu cán bộ Ðoàn Thanh niên Việt Nam phía Nam trở về nơi đóng quân cách nay hơn 56 năm; đã đáp ứng được nguyện vọng thăm lại chiến trường xưa để tri ân, nghĩa tình với đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân đang nằm lại trên mảnh đất địa danh lịch sử này; và thăm lại những gia đình đã từng đùm bọc, nuôi dưỡng, chở che cho Khu đoàn hoạt động.
Ông Lê Trí Dũng, Trưởng ban Liên lạc Khu đoàn Tây Nam Bộ, phát biểu tưởng niệm tại Bia tưởng niệm Khu đoàn Thanh niên Nhân dân cách mạng Tây Nam Bộ.
“Niềm vui nhất khi về với Khánh Tiến hôm nay là thấy sự đổi thay, vươn lên mạnh mẽ với một sức sống mới, khí thế mới của nơi này. Từ một vùng đất nghèo nàn, lạc hậu, bom cày đạn xới, nay đã đổi thay diện mạo, kinh tế không ngừng phát triển, thu nhập và đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Chúng tôi tự hào, hạnh phúc và trân trọng những công lao, hy sinh của “những chàng trai, cô gái” lên đường xung trận theo tiếng gọi của quê hương với tất cả lòng nhiệt huyết”, ông Lê Trí Dũng tâm tình.
Chạm tay lên những chiếc huân chương, huy chương, huy hiệu, kỷ niệm chương trên ngực áo, bà Lê Hồng Ðào (bí danh Nguyễn Cẩm Nhung), thành viên Ban Liên lạc (hiện đang sống tại TP Cần Thơ), xúc động: “Hơn 40 năm tôi mới trở lại nơi này. Gặp lại những đồng đội tay bắt mặt mừng ôn lại những năm tháng hào hùng của một thời tuổi trẻ, cảm xúc bùi ngùi khó tả. Quả thật, để có chuyến hành trình như thế này thật khó, nên đáng quý lắm!”.
Cũng bởi thế mà khi đặt vòng hoa, làm lễ tưởng niệm, trong giây phút thiêng liêng ấy, mỗi thành viên đoàn một tâm trạng, rưng rưng, trầm ngâm nhớ lại cả một vùng ký ức đầy bi thương và hào hùng.
Trong màu áo xanh Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, các cô chú tự hào hát những ca khúc cách mạng hào hùng.
Là thế hệ tiếp nối màu áo xanh nhiệt huyết, anh Ngô Quốc Phong, Bí thư Xã đoàn Khánh Tiến, chia sẻ, qua những câu chuyện sống động về các cuộc chiến đấu ác liệt mà các cô, chú trực tiếp tham gia kể lại đã tiếp lửa truyền thống, giúp tuổi trẻ thấu hiểu hơn những mất mát, hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ cách mạng cho nền hoà bình, độc lập của dân tộc. Sự đóng góp của các cô, các chú – những cựu cán bộ Khu đoàn Tây Nam Bộ là những nhân chứng lịch sử, những tấm gương sáng cho tuổi trẻ học tập và noi theo.
Ông Ðoàn Việt Khoa, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HÐND huyện U Minh, cho biết, qua bao thế hệ, U Minh được biết đến là căn cứ cách mạng kiên cường trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc. Với vùng rừng tràm rộng lớn, U Minh đã trở thành nơi che chở, đùm bọc, đảm bảo an toàn cho nhiều cơ quan của Trung ương hoạt động cách mạng, như: Trung ương Cục miền Nam, Khu uỷ Tây Nam Bộ, Khu đoàn Tây Nam Bộ…, và các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Ðảng, Nhà nước đã bám trụ nơi đây, bí mật hoạt động, lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam trong những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt… U Minh cũng là nơi trở thành mục tiêu tàn phá của kẻ thù với “pháo bầy”, “bom hạm”, chiến dịch bình định “”Nhổ cỏ U Minh”… gây ra nhiều đau thương, mất mát cho cách mạng và Nhân dân.
Đồng chí Đoàn Việt Khoa, Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch HĐND huyện, tặng bức tranh lưu niệm cho Ban Liên lạc Khu đoàn Tây Nam Bộ.
“Riêng đối với công trình có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là Bia tưởng niệm Khu đoàn Thanh niên Tây Nam Bộ tại xã Khánh Tiến, lãnh đạo huyện thường xuyên quan tâm chỉ đạo Ban Thường vụ Huyện đoàn, các cấp bộ đoàn trong huyện chăm sóc, tu bổ để nơi đây mãi mãi là địa chỉ trao truyền, vun đắp cho các thế hệ nối tiếp học tập và noi theo; là địa chỉ văn hoá tiêu biểu trên mảnh đất U Minh giàu truyền thống cách mạng anh hùng, là chứng tích giáo dục sống động, nhiều ý nghĩa cho thế hệ trẻ mãi mãi về sau”, ông Ðoàn Việt Khoa chia sẻ.
Thay mặt lãnh đạo huyện, Bí thư Huyện uỷ Ðoàn Việt Khoa trân trọng cảm ơn những tình cảm quý báu, những việc làm ý nghĩa mà các cô, chú trong Ban Liên lạc đã dành cho huyện U Minh, cho tuổi trẻ huyện nhà trong chuyến về nguồn lần này. “Ðảng bộ huyện sẽ nêu cao truyền thống cách mạng vẻ vang của các thế hệ cha anh, làm tốt công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ và Nhân dân nói chung, tuổi trẻ U Minh nói riêng, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, xây dựng huyện nhà ngày càng giàu đẹp”, ông Khoa khẳng định.
Đây còn là dịp tri ân cán bộ, gia đình có công nuôi chứa Khu đoàn. (Ảnh: Ông Lê Trí Dũng, Trưởng Ban Liên lạc Khu đoàn Tây Nam Bộ, tặng quà cho cán bộ, gia đình có công nuôi chứa Khu đoàn).
“Tôi đang viết lại tập tài liệu về Khu đoàn Tây Nam Bộ và Thanh niên xung phong tuyến đường 1C, rất mong tuổi trẻ Cà Mau nghiên cứu đọc kỹ và tiếp tục phát huy truyền thống của Khu đoàn. Nên nhớ, thanh niên phải ra sức cống hiến, đừng nghĩ tới hưởng thụ sớm. Từ cống hiến mới trưởng thành. Áo Ðoàn thanh niên là biểu tượng của thế hệ trẻ, kế thừa truyền thống của ông cha. Khoác trên mình chiếc áo Ðoàn thanh niên, mỗi thanh niên thế hệ tiếp nối càng phải cố gắng học tập và lao động làm rạng rỡ non sông, đất nước”, ông Lê Trí Dũng nhắn nhủ./.
Băng Thanh – Lê Tuấn