09:58, 09/05/2023
BHG – Với sự năng động, sáng tạo, đổi mới cả về nội dung, phương thức hoạt động; nhiệm kỳ 2018 – 2023, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Bắc Quang tiếp tục ghi dấu son sáng, khẳng định vai trò trung tâm, nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng Nông thôn mới. Qua đó, góp phần không nhỏ vào chiến lược phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
Anh Trần Trung Thuyết (phải) tham gia Hội thi Sản phẩm cam Sành huyện Bắc Quang, niên vụ 2022 – 2023. |
Hiện nay, huyện Bắc Quang có 236 chi hội/23 cơ sở Hội Nông dân với tổng số 11.359 hội viên. Toàn huyện có trên 29.000 hộ, trong đó, hộ nông dân chiếm 70% dân số; lao động nông nghiệp chiếm 40% tổng số lao động xã hội. Với chủ trương nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua yêu nước của các cấp Hội đã góp phần tạo khởi sắc “tam nông”. Điển hình trong đó, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững trở thành phong trào trọng tâm của Hội, thu hút đông đảo sự tham gia của hội viên và có sức lan tỏa trên nhiều lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, dịch vụ, kết nối quảng bá, tiêu thụ sản phẩm), trở thành điểm sáng trong đời sống KT-XH ở nông thôn; khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, vươn lên làm giàu. Trung bình mỗi năm, huyện Bắc Quang có trên 2.000 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Riêng năm 2022, toàn huyện có 6.840 hộ đăng ký thi đua SXKD giỏi, đạt 60% tổng số hội viên, có 2.400 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Điển hình như ông Sùng Diu Sì (xã Vĩnh Phúc) là tỷ phú người Mông, biến “tấc đất” thành “tấc vàng” nhờ cải tạo diện tích đất hoang hóa thành những vườn cây ăn quả (cam, nhãn) trù phú. Ngoài 50 tuổi, người nông dân này đã sở hữu bộ thành tích đáng tự hào: 2 lần được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong thi đua xây dựng Nông thôn mới và khen thưởng Nông dân SXKD giỏi; vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen có mô hình SXKD hiệu quả, ổn định, giúp đỡ, tạo việc làm cho người lao động trên địa bàn, góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc (năm 2018); được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý “Nông dân Việt Nam xuất sắc” (năm 2020).
Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bắc Quang Hoàng Văn Phú cho biết: Các cấp Hội còn tích cực vận động cán bộ, hội viên, nông dân và hộ SXKD giỏi tham gia tương trợ, giúp đỡ các hộ khó khăn trên địa bàn huyện vươn lên phát triển kinh tế. Từ cuộc vận động này, trung bình hàng năm, toàn huyện có gần 500 lao động được giúp đỡ bằng việc làm tại chỗ; gần 1.000 lượt nông hộ được hỗ trợ về vật tư (cây, con giống), ngày công, kinh nghiệm sản xuất; đặc biệt, trên 200 hộ nông dân thoát nghèo và vươn lên làm ăn khá giả.
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bắc Quang có 114 mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp tiêu biểu, hiệu quả kinh tế cao với lợi nhuận từ 100 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng/năm. Trong đó, phần lớn mô hình là của hội viên nông dân. So với nhiệm kỳ 2013 – 2018, số hộ có mức thu nhập trên 200 triệu đồng/năm tăng gấp 2 lần, số hộ có mức thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 3 lần. Tiêu biểu như hộ ông Phan Thế Độ (thị trấn Vĩnh Tuy) sản xuất chè Shan tuyết chất lượng cao với thương hiệu Chè Công phu Độ Khoa; hộ ông Đặng Văn Phong (xã Tiên Kiều), Lã Văn Bắc (xã Vĩnh Hảo), La Anh Tuấn (xã Đồng Yên), Trần Trung Thuyết (xã Vĩnh Phúc) sản xuất cam theo tiêu chuẩn VietGAP cho thu nhập cao…
Đặc biệt, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của địa phương, chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được hội viên, nông dân đồng tình ủng hộ và tích cực tham gia. Đến nay, toàn huyện có 43 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó, 37 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 6 sản phẩm đạt 4 sao, góp phần khẳng định chất lượng hàng hóa và nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp trên địa bàn huyện. Nhiều nông dân trở thành Giám đốc hợp tác xã (HTX) đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc nâng tầm nông sản địa phương. Tiêu biểu như chị Nguyễn Thị Khang, Giám đốc HTX Hải Khang (thị trấn Việt Quang); từ nguồn nguyên liệu đặc sản của địa phương (lợn đen, gà đồi, trâu, bò), HTX cung cấp ra thị trường những sản phẩm mang thương hiệu OCOP độc đáo, có chất lượng vượt trội như: Nem chua, giò xào, giò ngựa, gà đồi muối hong khói… Đến nay, Hải Khang là HTX có số lượng sản phẩm OCOP nhiều nhất huyện với 12 sản phẩm, chiếm gần 30% cơ cấu sản phẩm OCOP toàn huyện. Còn chị Mạc Thị Miến, Giám đốc HTX Nông sản dầu lạc Đồng Yên (xã Đồng Yên) đã liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm lạc cho người dân địa phương để chế biến sâu, tạo nên thương hiệu Dầu lạc bà Miến đạt chuẩn OCOP. Ấn tượng hơn, năm 2021, công trình: “Ứng dụng công nghệ theo quy trình khép kín chiết xuất tinh dầu lạc phục vụ tiêu dùng và phát triển kinh tế tại HTX Nông sản dầu lạc Đồng Yên” do chị Miến làm chủ nhiệm vinh dự là 1 trong 45 công trình khoa học công nghệ (KHCN) của cả nước có giá trị về khoa học, KT-XH lớn được trao giải thưởng Sáng tạo KHCN Việt Nam.
Ghi nhận những thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào nông dân, nhiều tập thể, cá nhân vinh dự được các cấp, ngành biểu dương, khen thưởng. Điển hình như nông dân Trần Trung Thuyết (xã Vĩnh Phúc) vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân Chương lao động hạng Ba. Ngoài ra, 5 nông dân tiêu biểu trong phong trào thi đua SXKD giỏi của xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Vĩnh Hảo, thị trấn Việt Quang vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 71 tập thể, cá nhân được T.Ư Hội Nông dân Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh và Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen; 33 cán bộ, Chi hội trưởng chi hội nông dân có nhiều đóng góp trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân được T.Ư Hội Nông dân tặng Kỷ niệm chương “Vì giai cấp nông dân Việt Nam”…
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG