Theo đường tuần tra biên giới, đến với cột mốc biên cương để thấy tự hào, thêm yêu quê hương, đất nước
Từ Đồn Biên phòng Đắk Ơ (đóng tại xã Đắk Ơ, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước), chiếc xe 50 chỗ đưa chúng tôi xuyên rừng Bù Gia Mập, chạy dọc theo đường tuần tra biên giới, đến với cột mốc biên giới quốc gia.
Giây phút thiêng liêng
Xe vun vút lướt qua những cung đường ngoằn ngoèo. Tuy nhiên, một trận mưa lớn đổ xuống, đường trơn, xe không thể tiếp tục cuộc hành trình. Cả đoàn phải xuống lội bộ theo đường tuần tra.
Đường rừng vắng lặng, thỉnh thoảng vài chú chim nháo nhác bay qua. May mắn sau đó, có xe của Đồn Biên phòng Đắk Ơ tải từng tốp lên mốc 62 (2).
Men theo con dốc thẳng đứng, chúng tôi đến chân cột mốc 62 (2). Trước lúc tiến hành nghi thức chào cờ, các thành viên trong đoàn cùng nhau kiểm tra, vệ sinh sạch sẽ khu vực quanh cột mốc chủ quyền và khu vực vành đai biên giới. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, nghi lễ chào cờ tại cột mốc chủ quyền được bắt đầu. Mọi vất vả, mệt mỏi dường như tan biến chỉ còn lại giây phút thiêng liêng, tiếng hát Quốc ca vang vọng cả núi rừng.
Chia sẻ cảm xúc lần đầu tiên khi tham gia lễ chào cờ tại cột mốc biên giới, anh Văn Hà, thành viên tham gia đoàn, xúc động: “Vinh dự và tự hào khi được tham dự lễ chào cờ ngay tại cột mốc biên cương. Đây sẽ là kỷ niệm đáng nhớ nhất trong hành trình tuổi trẻ của tôi. Tôi cảm thấy mình thật nhỏ bé khi đứng tại nơi đây và càng thấy mình phải cố gắng phấn đấu, trau dồi nghề nghiệp hơn nữa, góp một phần nhỏ bé vào công cuộc xây dựng đất nước”.
Trung tá Trần Văn Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Đắk Ơ, chia sẻ: “Lễ chào cờ ở cột mốc biên cương là nghi thức không thể thiếu với các đoàn đại biểu có dịp đến thăm cột mốc. Cùng hành quân, trải qua những cung đường gian nan trên tuyến tuần tra bảo vệ biên giới và chào cờ tại cột mốc biên cương là cách giáo dục người dân hiểu hơn những khó khăn nhọc nhằn và cả hy sinh mà bao thế hệ đi trước đã giữ gìn, bảo vệ từng tấc đất chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đây cũng là cách làm hiệu quả trong công tác vận động, tuyên truyền quần chúng tham gia bảo vệ đường biên cột mốc, góp phần bảo đảm, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”.
Tổ quốc trong tim mình
Ngay sau lễ chào cờ tại cột mốc, cán bộ Đồn Biên phòng Đắk Ơ đã thông tin về lịch sử tuyến biên giới, giới thiệu sơ lược lý lịch, quá trình hình thành xây dựng cột mốc đến các thành viên của đoàn.
Biên giới Việt Nam – Campuchia dài 1.137 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia, bắt đầu từ cột mốc không số do Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Bờ Y, tỉnh Kon Tum quản lý và kết thúc ở cột mốc 314 do Đồn Biên phòng cửa khẩu Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang quản lý. Đến nay, qua hơn 20 năm, hai nước đã phân giới cắm mốc trên thực địa được 84%, 16% còn lại đã và đang tiếp tục triển khai.
Riêng tuyến biên giới Việt Nam – Campuchia tại tỉnh Bình Phước có chiều dài 258,896 km, đi qua 3 huyện Lộc Ninh, Bù Đốp và Bù Gia Mập, đã cắm 28 cột mốc chính và 173 cột mốc phụ. Tuyến biên giới huyện Bù Gia Mập dài 63,319 km, tiếp giáp huyện Ô Răng, tỉnh Mondulkiri của Campuchia, phân giới với 2 cột mốc chính và 38 cột mốc phụ, 5 đồn biên phòng quản lý bảo vệ.
Đại úy Đỗ Văn Đông, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Đắk Ơ, cho biết việc phân giới cắm mốc có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ xác định đường biên giới quốc gia mà còn giúp lực lượng chức năng của hai nước có cơ sở đấu tranh với các đối tượng để bảo vệ trật tự xã hội, an ninh biên giới. Ngoài ra, việc phân định mốc giới, đường biên còn giúp nhân dân hai nước yên tâm định canh định cư, tránh xâm canh, xâm cư, nhập cảnh trái phép vào khu vực biên giới của mỗi nước.
Trước mắt mọi người là con sông Dắk Quýt, con sông phân chia ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia. Trên tuyến biên giới đường sông, cột mốc nằm trên bờ sông lãnh thổ hai nước. Theo đại úy Đông, cột mốc 62 (2) được xây dựng năm 2007, hoàn thành vào tháng 3-2009. Cột mốc số 62 (2) cấu tạo gồm hai phần: đế mốc và thân mốc. Phần đế mốc cấu tạo bằng bê tông cốt thép, sâu xuống dưới 3 m có chiều rộng 9 m2. Phần thân mốc hình khối hộp. Đá hoa cương nguyên khối, trên đỉnh có hình chóp. Trên thân cột mốc, trên cùng là tên quốc gia, ở dưới là số hiệu cột mốc, số 62 (2). Dưới cùng là năm phân giới cắm mốc.
“Phía Việt Nam quản lý mốc chẵn, phía Campuchia quản lý mốc lẻ. Vì sao không để cột mốc đơn? Vì mốc đơn thì không thể đặt ở giữa lòng sông nên thỏa thuận chia đôi 2 cột mốc, mỗi nhà nước quản lý 1 cột mốc. Cột mốc cắm trên lãnh thổ Việt Nam được đánh thêm số 2 trong ngoặc; cột mốc phía bờ sông lãnh thổ Campuchia đánh thêm số 1 trong ngoặc. Việc xác định đường biên giới trên sông là xác định nơi luồng chảy sâu nhất của lòng sông chứ không phải chia đôi lòng sông” – đại úy Đông giải thích.
Được nghe những lời thuyết minh đầy cảm xúc của người trực tiếp làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới, khi chụp những bức ảnh kỷ niệm bên cột mốc 62 (2), chúng tôi cảm nhận được sự thiêng liêng nơi mình đặt chân đến. Đây thực sự không phải là nơi đến chỉ để check-in, mà là điểm đến để thấy tự hào. Tự hào là công dân của một đất nước.
Thiêng liêng lắm! Từng cột mốc, từng tấc đất biên cương bao đời ông cha ta đã tạo dựng, gìn giữ và bảo vệ. Cột mốc trong tim mình. Tổ quốc cũng trong tim mình!
Mốc biên giới quốc gia là dấu hiệu bằng vật chất được xây dựng dùng để đánh dấu vị trí thực tế của đường biên giới quốc gia trên đất liền đã được các quốc gia có chung biên giới xác nhận bằng các điều ước quốc tế về biên giới. Mốc biên giới là bất khả xâm phạm. Có lẽ bất kỳ ai đến với cột mốc biên cương, được dự lễ chào cờ đều cảm thấy tự hào, thêm yêu đất nước mình hơn.
Nguồn: https://nld.com.vn/tu-hao-ben-cot-moc-bien-cuong-196241207203156728.htm