Mục tiêu chính của hội nghị là cung cấp thông tin chính xác, cập nhật về quá trình hợp tác giữa các nước thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài ra, hội nghị muốn làm phong phú nội dung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đồng thời nâng cao nhận thức của công chúng về vai trò của Việt Nam trong ASEAN và tiến trình hội nhập khu vực.
Phát biểu khai mạc, Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế (Bộ Thông tin & Truyền thông) Triệu Minh Long nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tổ chức hội nghị này. Vụ trưởng cho biết ASEAN đang đóng vai trò ngày càng lớn trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, đồng thời đóng vai trò trung tâm trong việc xử lý và giải quyết nhiều vấn đề của thế giới.
Theo Vụ trưởng Triệu Minh Long, là một thành viên tích cực của ASEAN, Việt Nam đang chủ động triển khai nhiều chương trình và sáng kiến hợp tác để nâng cao vai trò, vị thế của cộng đồng nói chung, cũng như vai trò của Việt Nam nói riêng trong việc đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Quy mô nền kinh tế ASEAN sẽ đứng thứ 4 thế giới
Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ ASEAN (Bộ Ngoại Giao) Trần Đức Bình đã chia sẻ kết quả chính của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các hội nghị cấp cao liên quan vừa diễn ra tại Thủ đô Viêng Chăn, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Sau 8 năm triển khai kế hoạch xây dựng cộng đồng ASEAN, năm 2023, GDP khu vực đã tăng 51%, tốc độ tăng trưởng chung đạt 4,2% và quy mô nền kinh tế đạt 3.800 tỷ USD, đứng thứ 5 thế giới. Bên cạnh đó, vốn đầu tư FDI vào ASEAN năm 2023 đứng thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Mỹ). Quy mô nền kinh tế của cộng đồng dự kiến đứng thứ 4 thế giới vào năm 2030.
Theo Vụ trưởng Vụ ASEAN, kế hoạch tổng thể trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN đang được triển khai đồng đều trên 3 trụ cột cơ bản là chính trị – an ninh, kinh tế và văn hóa – xã hội. Tầm nhìn của cộng đồng đến năm 2045 là “Tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”.
Vụ trưởng cũng nhấn mạnh trong bối cảnh chung của thế giới, vai trò của ASEAN rất quan trọng. Các đối tác đều khẳng định ASEAN là ưu tiên trong chính sách tại khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng ASEAN triển khai hợp tác toàn diện, đẩy mạnh kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…
Duy trì hội nhập trong và ngoài khối
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) Nguyễn Việt Chi cho biết sau 29 năm kể từ thời điểm Việt Nam gia nhập, ASEAN đã trở thành một trong những diễn đàn đa phương quan trọng.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức, nền kinh tế các nước ASEAN vẫn cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực. GDP cả khu vực đã tăng hơn 4% trong năm qua, và dự kiến tăng trưởng 4,6% trong năm nay và đạt 4,7 tỷ USD vào năm 2025.
Về thương mại, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN, tiếp theo là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Tổng dòng vốn đầu tư nước ngoài vào ASEAN năm 2023 đạt 229 tỷ USD với Mỹ là nhà đầu tư lớn nhất. Các nước thành viên đã hoàn thành 9/14 sáng kiến kinh tế ưu tiên trong năm Lào làm nước chủ tịch ASEAN.
Theo Phó vụ trưởng Nguyễn Việt Chi, ASEAN vẫn thực hiện các cam kết về hội nhập quốc tế, hội nhập kinh tế sâu rộng và hợp tác hơn nữa trong các hoạt động thương mại nội khối. Cộng đồng cũng nỗ lực kết nối với các đối tác ngoại khối nhằm ứng phó và giải quyết các thách thức, tăng cường chuỗi cung ứng trong khu vực. Đặc biệt, chuyển đổi số được các nước ASEAN coi là động lực tăng trưởng chủ yếu trong giai đoạn tới.
Thúc đẩy quyền của người lao động di cư
Một nội dung quan trọng khác được đề cập tại hội nghị là nỗ lực của ASEAN trong việc hỗ trợ người lao động di cư trong khu vực. Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội) Hà Thị Minh Đức đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ quyền lợi và cải thiện điều kiện sống, làm việc cho người lao động di cư – một yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của khu vực.
Với việc thông qua Tuyên bố ASEAN về bảo vệ và thúc đẩy quyền của người lao động di cư năm 2017, cùng các hoạt động khác như thành lập ủy ban bảo vệ, xây dựng kế hoạch hành động về bảo vệ quyền của người lao động di cư … cộng đồng đã cho thấy các nỗ lực trong việc hình thành và triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ lao động di cư, đặc biệt thông qua việc xây dựng các văn kiện, cơ chế hợp tác và các sáng kiến cụ thể.
Tuy nhiên, Phó vụ trưởng Hà Thị Minh Đức cũng lưu ý vấn đề lao động di cư còn nhiều thách thức cần giải quyết, đòi hỏi sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ giữa các nước thành viên ASEAN.
Có thể nói, Hội nghị tập huấn, cung cấp thông tin về tình hình và định hướng hợp tác ASEAN đã thành công trong việc tạo ra một diễn đàn trao đổi thông tin quan trọng, đóng góp vào việc thúc đẩy hiểu biết và hội nhập khu vực. Thông qua sự kiện này, Việt Nam một lần nữa khẳng định vai trò tích cực của mình trong việc xây dựng một cộng đồng ASEAN gắn kết và thịnh vượng.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tu-ha-noi-lan-toa-tinh-than-hoi-nhap-asean-tren-toan-quoc.html