Bộ phim Những đứa trẻ trong sương đã tới những Liên hoan phim (LHP) nào trước khi đến với Top 15 tranh giải Oscar? Con đường đến với các LHP của bộ phim này như thế nào?
– Những đứa trẻ trong sương đã tham gia khoảng 100 LHP. Trong đó LHP DMZ tại Hàn Quốc năm 2019 là một LHP quan trọng với một nền công nghiệp điện ảnh phát triển. Tôi được tham gia vào chợ dự án phim để thuyết trình. Năm 2020 tôi được quay trở lại Hàn Quốc khi phim trình chiếu.
Tại các LHP tôi có được nhiều sự gợi mở khi có cơ hội xem nhiều phim khác nhau, cả phim tài liệu và phim truyện, tất cả đều là phim mới nhất sản xuất 2 năm vừa qua. Những bộ phim mới nhất trên thế giới mà ở Việt Nam không có cơ hội xem vì vấn đề bản quyền và nền tảng chiếu.
Những đứa trẻ trong sương được ra đời như thế nào?
– Khi học đại học xong tôi đi theo các bạn người Mông lên làm chương trình với các bé ở Sa Pa, tôi thấy em bé Di chơi với các bạn giống hệt tôi hồi bé. Tôi nghĩ rằng có ngày nào tuổi thơ đẹp như thế này sẽ biến mất. Tôi mới nghĩ và muốn làm một bộ phim rất đẹp về tuổi thơ của Di. Năm 2018 tôi cũng bắt đầu nghe nhiều về tục “kéo vợ”, sau đó tôi biết 2 người bạn của Di bị bắt cóc bán sang Trung Quốc nên tôi cảm thấy rất sợ.
Những bậc tiền bối Hà Lệ Diễm quen nói gì về việc Những đứa trẻ trong sương vào Top 15 tranh giải Oscar? Và cảm xúc của Hà Lệ Diễm?
– Ở Việt Nam, các anh chị trong nghề đã giúp tôi rất nhiều. Đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh là người giúp tôi từ trước khi tôi làm phim, lúc phim đạt được thành quả này anh rất vui và bất ngờ vì “phim đi được xa thế”. Lúc làm phim tôi chỉ nghĩ là làm thôi, không nghĩ phim sẽ có được thành quả như vậy. Trước tôi không biết gì nhiều về các LHP, nhưng các anh chị, thầy cô, nhà sản xuất nói với tôi là LHP này hay LHP kia quan trọng lắm đấy. Tôi nghe cảm thấy … vui lây. Hóa ra là mọi người còn vui hơn cả tôi!
Chính thức Hà Lệ Diễm học làm phim ở đâu và trong bao lâu? Ngành học chính thức của Hà Lệ Diễm ở đại học có liên quan đến làm phim?
– Tôi học làm phim tài liệu năm 2011 ở Trung tâm phát triển tài năng điện ảnh trẻ (TPD). Năm 2016 tôi tiếp tục học khóa Varan 3 tháng ở TP.HCM. Tôi học Khoa báo chí truyền thông K54 trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Tôi cũng có một thời gian ngắn làm báo sau khi ra trường.
Tôi được biết Những đứa trẻ trong sương được làm với kinh phí ban đầu là 7 triệu đồng. Từ số tiền đó, bạn làm thế nào để bộ phim có đủ điều kiện chất lượng tham dự Oscar?
– 3 năm đầu tôi nhận được 7 triệu đồng đầu tiên cho việc khảo sát phim từ TPD. Sau đó nhận được từ Varan 6 triệu đồng cho việc ăn ở. Còn lại là tự túc, máy móc có gì dùng đấy và đi mượn bạn bè. Tôi mượn đạo diễn Bùi Thạc Chuyên cái chân máy mấy năm, đến lúc chú cần để làm phim Tro tàn rực rỡ chú ấy mới đòi lại.
Sau khi quay phim được 3 năm, chị Trần Phương Thảo – nhà sản xuất của phim bảo tôi: “Giờ phim của em không có người dựng thì không có phim đâu vì nhiều cảnh quá”. Tôi không có kinh nghiệm dựng phim và cũng rất khó tự dựng phim của mình. Không có tiền không dựng được và phim của tôi kinh phí làm hậu kỳ cũng đắt. Vậy là tiếp tục đi xin kinh phí, vô cùng khó khăn. Rồi thì cũng đủ để làm hậu kỳ, trả lương, gửi lại cho nhân vật một chút coi như chi phí ăn ở.
Làm hậu kỳ phim rất tốn. Phim được một quỹ ở Thái Lan hỗ trợ hơn 35.000 đô-la chỉ để cho phần hòa âm và chỉnh màu. Phần tiếng động chủ yếu thu âm ở Việt Nam rồi gửi file sang bên Thái Lan với chi phí làm như phim truyện. Việc làm phụ đề Tiếng Việt cho phim rất lâu, hết 3 tháng. Tôi phải mời một bạn người Mông xuống Hà Nội. Xem phim, mọi người sẽ phải đọc phụ đề vì nhân vật 80% nói tiếng Mông.
Diễm làm phim với kịch bản có sẵn hay đi theo nhân vật xong mới cấu tứ lên kịch bản phim? Các nhân vật có khó chịu khi cuộc sống và hoạt động của họ bị ghi hình?
– Khi quay, tôi nói với mọi người ở đó là tôi đang làm một bộ phim về Di, mọi người khá thoải mái. Khi ở Sa Pa, tôi phải chọn những thời điểm có sự kiện đặc biệt như ngày Tết, lễ. Tôi hầu như không hiểu mọi người nói gì vì không biết tiếng Mông. Sau khi tôi quay, Di mới dịch cho tôi là lúc đó mọi người đang nói gì, vui vẻ hay tức giận. Câu chuyện phim được hình thành khi chúng tôi làm việc trên bàn dựng.
Cô bé Di trong phim hiện giờ sống như thế nào? Bộ phim có tác động gì đến cuộc sống của cô bé không?
– Di quay trở lại trường học tiếp, đồng ý kết hôn với người khác Di rất yêu sau khi từ chối tục “kéo vợ”. Hiện Di mở cửa hàng bán thổ cẩm online với mẹ. Tôi thấy vui vì Di rất tự tin. Di tự làm những đồ thổ cẩm xinh xắn, dần trở thành một phụ nữ có công ăn việc làm, độc lập, lấy được người mình yêu. Bố mẹ Di khỏe mạnh, vui vẻ. Bố Di tích cực giúp đỡ vợ con. Ít người từ chối được tục kéo vợ như Di.
Tuổi thơ của Diễm là những ký ức vui hay buồn?
– Tôi là người dân tộc Tày ở Đông Bắc, Bắc Kạn. Tôi sinh năm 1992, tôi nhớ những năm còn nhỏ, gia đình tôi rất khó khăn. Năm 2000 chỗ tôi ở mới có điện, còn trước đó vẫn thắp đèn dầu. Nhà tôi mái cọ, vách đất. Tôi nghỉ hè là theo bố mẹ đi làm nương rất xa, đến khi vào năm học mới quay lại trường. Bố tôi gánh ngô trên nương, vai u thành cục, phồng lên như bướu con lạc đà, trầy hết cả da rất đau. Tôi còn nhớ mãi bố tôi khổ như thế. Chỗ tôi ở giáp với các bạn dân tộc Dao, cũng nghèo không có gì ăn, bữa ăn chỉ ăn cơm với muối và có một tí mỡ là ngon lắm rồi. Mãi sau này mới đỡ hơn.
Năm tôi học lớp 9 có mấy bạn chơi với tôi rất thân, có bạn bố mất phải nghỉ học vì nhà không có tiền. 1, 2 năm sau các bạn lấy chồng hết. Lúc đó tôi không hiểu việc đi lấy chồng như thế nào, chỉ có cảm giác là các bạn sẽ không được chơi với mình nữa, có một cái gì đó không vui như trước.
Việc ra Hà Nội học khiến Hà Lệ Diễm và bố mẹ phải nỗ lực như thế nào?
– Việc học đại học ở Hà Nội, mất nhiều nỗ lực của bố mẹ hơn là tôi. Bố mẹ tôi hồi đó chỉ làm nông, làm nương nên chi phí hơn 2 triệu đồng cho tôi học ở Hà Nội rất tốn kém, dù tôi được ở ký túc xá. Bố mẹ đã phải bán trâu, làm thêm đủ thứ việc. Dù vậy, bố mẹ tôi không phàn nàn gì. Ông nội tôi từng là giáo viên tiểu học, ông cũng động viên, ông có lương hưu nên thỉnh thoảng giúp đỡ. Bố mẹ tôi bảo “Phải học đi, bây giờ không học thì làm gì”. Mẹ tôi trước rất muốn đi học để trở thành bác sĩ. Mẹ chỉ được ông ngoại cho học hết cấp 3 sau đó không được học tiếp và đến giờ mẹ tôi vẫn mơ ước được trở thành bác sĩ mà không thể thực hiện được.
Tôi may mắn hơn các bạn khác là được bố mẹ cho đi học với mong muốn tôi có được công ăn việc làm. Một số gia đình khác trong thôn tôi rất khó khăn, họ nghĩ con gái học xong chỉ đi lấy chồng thôi, bố mẹ cũng không được nhờ gì. Nhưng mẹ tôi đã rất khích lệ, động viên tôi cố gắng.
Diễm có bao giờ định làm phim về mẹ mình?
– Nhiều bạn về nhà tôi chơi, gặp và nói chuyện với mẹ tôi cũng hỏi sao tôi không làm phim về mẹ mình. Mẹ tôi cũng thích được chụp ảnh. Hồi mẹ trẻ nhà rất nghèo phải bán củi để lấy tiền ăn mà mẹ còn trộm tiền để đi chụp ảnh. Mẹ tôi vẫn giữ tấm ảnh hồi trẻ. Mẹ còn rất bắt trend, thích livestream dù mẹ còn hay nói ngọng một số chữ.
Hiện Diễm chính thức làm việc ở đâu?
– Thực ra tôi làm tại Công ty Varan Việt Nam. Công ty có 3 chị em, gọi là công ty nhưng chúng tôi không có lương. Chúng tôi phải tự làm việc riêng để duy trì cuộc sống và đóng vào để nộp thuế và duy trì hoạt động công ty sau này.
Còn về phim ảnh, tôi cũng đang làm một dự án với ý tưởng có từ trước. Sau khi phim được chiếu, tôi sẽ có nhiều thời gian hơn. Di cũng đang mở cửa hàng nên tôi cũng muốn giúp Di. Công việc liên quan đến báo chí tôi vẫn làm được mỗi khi bạn bè nhờ.
Diễm có muốn kiếm thật nhiều tiền như mơ ước của cô bé Di trong phim không?
– Tôi muốn kiếm một khoản đề phòng ốm đau, cho bố mẹ là chính, còn chi phí sinh hoạt của tôi hàng ngày cũng rẻ. Tôi thuê nhà chung với bạn, tự nấu ăn không hết 2 triệu đồng một tháng. Gạo mang từ nhà xuống từ Tết đến giờ ăn không hết… Cuộc sống tôi giản dị, không tốn kém gì nhiều.
Tôi đi dựng phim ở Long Biên, 1 ngày 30km đi bằng xe đạp. Có lúc bạn tôi bảo: “Sao mày như đồng nát thế, để tao mua cho mày mấy cái áo”…
Lúc mới ra trường tôi cũng tự hỏi mình có muốn thật giàu, cần thật nhiều tiền không? Và tôi cảm thấy chưa cần bằng việc đi làm phim. Tôi muốn được làm việc mình thích và sống cuộc sống của mình.
Việc bộ phim Những đứa trẻ trong sương được biết đến có mang lại lợi ích kinh tế cho Diễm không?
– Nó giúp tôi một phần nào đó, còn tôi vẫn phải kiếm tiền ở công việc khác. Lợi ích bộ phim mang lại chủ yếu ở mặt tinh thần, nghề nghiệp. Việc làm phim hỗ trợ tôi việc học tập, phát triển nghề nghiệp và hoàn thiện con người hơn. Còn nếu lúc nào cũng đặt nặng việc phải kiếm được tiền hay danh vọng từ một bộ phim, sẽ bị nặng gánh đến mức không đi nổi.
Việc được biết đến nhiều hơn, cụ thể với bộ phim Những đứa trẻ trong sương giúp tôi không bị “ép giá”. Người ta sẽ hiểu khi tôi giải thích cần phải làm gì để cho ra một sản phẩm hình ảnh.
Cũng có nhà phát hành muốn mua phim Những đứa trẻ trong sương. Nhưng chi phí chiếu ở Việt Nam chúng tôi phải tự thuê rạp, rồi chi phi truyền thông, … cũng phải trả lương cho những người tham gia thì cũng hòa vốn.
Cái mà chúng tôi có được sau bộ phim là tôi, Varan Việt Nam, TPD, các khóa học miễn phí làm phim được biết đến nhiều hơn. Chi phí trước kia tôi bỏ ra làm phim đã được bù lại, tiền đi mua máy quay tôi đã trả được, không bị nợ.
Phim Việt Nam hiện nay có nhiều phim có doanh thu rất lớn, Diễm có định trở thành đạo diễn phim truyện?
– Không, tôi sẽ chỉ làm phim tài liệu. Tôi biết rõ bản thân có hạn chế, không có kinh phí, thời gian thuyết phục nhà đầu tư. Phim tài liệu thoải mái tự do hơn, chi phí sống ở Việt Nam cũng rẻ. Tôi có thể đi bất cứ đâu và làm phim về điều mình thích. Phim truyện có quá nhiều quy tắc phải theo và phải đánh đổi tự do.
Từ trước đến giờ Diễm có hình mẫu nào có tính chất định hướng cho cuộc đời mình không?
– Tôi thích theo hình mẫu của thầy Andre Van In, và các cô, các anh chị đã dạy tôi. Thầy Andre Van In vừa làm được công việc của thầy và kết nối với người khác, giúp được người khác. Tôi rất ngưỡng mộ và ước được trở thành một người như vậy.
Về đạo diễn phim tôi thích đạo diễn người Nhật Koreeda. Ông làm phim tài liệu trước khi làm phim truyện. Ông nhìn mọi thứ và có cách kể rất nhân văn trong phim của mình.
Kế hoạch của Diễm trong những năm tới?
– Tôi thấy cần học ngoại ngữ, khi học được ngoại ngữ tôi sẽ có thể liên lạc, email nói chuyện với những LHP, tổ chức muốn xin tài trợ. Tôi muốn tiếp tục làm phim. Và tôi muốn giúp Di ổn công việc của Di. Tôi muốn kiếm tiền để tích trữ cho tương lai, cho bố mẹ.
Cảm ơn Hà Lệ Diễm đã chia sẻ!