Thời điểm sau 40 năm đổi mới, với những thành tựu vĩ đại đạt được, thế và lực đã được tích lũy, cùng với thời cơ vận hội mới, đất nước ta đang đứng trước cánh cửa lịch sử để vững bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phát triển theo chế độ xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Đó là quan điểm được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội xác định trách nhiệm là địa phương đi đầu trong triển khai các nhiệm vụ, trên tinh thần quyết liệt, đột phá, đổi mới sáng tạo, để góp phần cùng cả nước tăng tốc, bứt phá trong giai đoạn phát triển mới.
Thông điệp của Tổng Bí thư Tô Lâm về kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam như một “lời hiệu triệu” trước thềm Đại hội Đảng các cấp, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của các cấp, ngành, trong đó có Hà Nội.
Trong bài viết “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” (ngày 16/9), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh: “Đất nước đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Thông điệp này được Tổng Bí thư đề cập nhiều lần trong các bài viết cũng như phát biểu gần đây. Đây không chỉ là một thông điệp, mà còn là quyết tâm cao của Đảng đã được khẳng định tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo TS Lại Xuân Môn – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất xác định, kỷ nguyên mới được bắt đầu từ Đại hội XIV của Đảng. Đây là một chủ trương, định hướng mới, có tầm chiến lược phát triển đất nước, có ý nghĩa chính trị to lớn, cần được đưa vào Văn kiện Đại hội XIV của Đảng, quán triệt sâu rộng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và tổ chức thực hiện với quyết tâm chính trị cao.
Trao đổi tại lớp Bồi dưỡng cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV, khi nêu về một số nhận thức cơ bản về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ, ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại.
“Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đoàn kết nhất trí, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”- Tổng Bí thư Tô Lâm nói.
Như các chuyên gia đã nhận định, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” không chỉ cho thấy những nét mới mẻ về nhận thức và quan điểm, mà còn khẳng định quyết tâm và tâm thế sẵn sàng của lãnh đạo Đảng và Nhà nước về những mục tiêu mới trong giai đoạn phát triển sắp tới của đất nước. Điều đó đã và đang thu hút sự chú ý, khơi gợi nhiều cảm hứng cũng như dấy lên những kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa, sự thay đổi tích cực hơn nữa trên đất nước Việt Nam
Theo PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản), chưa khi nào nội dung của khái niệm thời đại, kỷ nguyên phát triển của Việt Nam lại hội nhập sâu với quốc tế như vậy. Điều này khẳng định kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam mang trong mình những giá trị thời đại – và đây là bối cảnh/điều kiện/vận hội lịch sử để kỷ nguyên phát triển tiếp tục đưa dân tộc ta phát triển xứng tầm thời đại. Dân tộc Việt Nam đã hội tụ, tích tụ những giá trị/nguồn động lực mạnh mẽ cho bước chuyển mình lớn lao – kỷ nguyên vươn mình. Khởi điểm của kỷ nguyên vươn mình hội tụ những giá trị của dân tộc và thời đại; của truyền thống và đương đại; của vật chất và tinh thần; của thực lực, nội lực và khát vọng.
“Đổi mới là thời kỳ khởi động, tích lũy năng lượng và chạy đà để dân tộc vươn mình phát triển. Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc bắt nguồn từ thời kỳ đổi mới, công cuộc đổi mới và sẽ nâng tầm công cuộc đổi mới và phát triển của đất nước ta”- PGS. TS Nguyễn Ngọc Hà nêu quan điểm.
Phân tích về các trụ cột để kiến tạo kỳ nguyên mới, TS Lại Xuân Môn đề cập đến 5 trụ cột. Một là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hiện đại, hội nhập, phát triển cao dựa trên khoa học, công nghệ hiện đại, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…. Hai là, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, kỷ cương, “Dân là gốc”, “Dân là trung tâm”, “Dân là chủ”… Ba là, dân tộc đoàn kết, thông thái, tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; nền văn hóa đặc sắc, kết tinh những giá trị tinh hoa của dân tộc văn hiến, anh hùng và những giá trị văn hóa của nhân loại… Bốn là, nền quốc phòng, an ninh hiện đại, vững mạnh, nền ngoại giao rộng mở, trình độ cao; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế… Năm là, hệ thống chính trị tinh gọn, thống nhất, đồng bộ, thông suốt, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…
“Đến thời điểm Đại hội XIV, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế của đất nước cho phép và đòi hỏi nước ta phải có bước phát triển đột phá, tăng tốc để phát triển nhanh, mạnh, bền vững. Đây là đòi hỏi khách quan, là bước phát triển hợp quy luật của cách mạng Việt Nam, là sự phát triển lên một trình độ mới, cấp độ mới của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội”- TS Lại Xuân Môn nhận định.
Như nhiều ý kiến đã nhận định, sự vươn mình của dân tộc trong kỷ nguyên mới là một sự nghiệp cách mạng to lớn mang tính toàn Đảng, toàn dân, toàn diện, thể hiện khát vọng đưa sự nghiệp đổi mới đất nước lên một tầm cao mới, nhưng cũng là một sự nghiệp khó khăn, đầy thách thức, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp cải cách mạnh mẽ, quyết liệt trên mọi lĩnh vực của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội. Từ đó, tạo ra những bứt phá mới để tranh thủ tối đa thời cơ, vận hội phát triển, vượt qua các thách thức, nhằm đạt mục tiêu.
Theo PGS. TS Lê Minh Thông (nguyên Trợ lý Chủ tịch Quốc hội), trước thềm chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã phát đi một thông điệp về “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”. Thông điệp như một lời hiệu triệu, thúc giục tinh thần hành động, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung để thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến 2030, đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao.
Chỉ ra một số yêu cầu lịch sử trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, GS.TS Phùng Hữu Phú (nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương) cho rằng, yêu cầu bao trùm trong kiến tạo kỷ nguyên mới là phải tiến hành đồng thời, thắng lợi một quá trình “đột phá kép”. Một mặt, phải đột phá đi thẳng vào hiện đại, vào những lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghệ số, mà Việt Nam có lợi thế; vào quản trị quốc gia hiện đại trên nền tảng chính phủ số, xã hội số, công dân số, tạo sự phát triển vượt bậc về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Mặt khác, phải đột phá trong việc giải quyết triệt để những điểm nghẽn, những yếu kém, hạn chế, những khó khăn đang kìm hãm, cản trở sự phát triển của đất nước.
“Hai quá trình đột phá này cần phải được tiến hành song song, đồng bộ, hỗ trợ lẫn nhau, trong đó đi tắt, đón đầu, đi thẳng vào hiện đại là cơ bản, có ý nghĩa quyết định; khắc phục, giải quyết những yếu kém, bất cập là cấp bách, quan trọng. Triết lý của quá trình đột phá kép này, như Tổng Bí thư Tô Lâm xác định, chính là “tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh””- GS.TS Phùng Hữu Phú phân tích.
Trước những yêu cầu mới được đặt ra cho một giai đoạn phát triển mới, với vị trí, vai trò là Thủ đô, Hà Nội luôn xác định trách nhiệm là địa phương “gương mẫu, đi đầu” trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ.
Tại Hội thảo quốc gia “Tầm nhìn mới, cơ hội mới xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến – văn minh – hiện đại, thành phố kết nối toàn cầu” vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhiều ý kiến đã chỉ rõ, Thủ đô Hà Nội có vai trò to lớn trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là trong công cuộc đổi mới đồng bộ, toàn diện đất nước. Thủ đô đi trước, đi đầu trong việc thực hiện và hoàn thành sớm các kế hoạch, chiến lược phát triển đất nước. Đóng vai trò là trung tâm, đầu mối kết nối, dẫn dắt, tạo động lực thúc đẩy, tạo hiệu ứng lan tỏa đổi mới sáng tạo đối với vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; có vị trí quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
Như các chuyên gia đã phân tích, trong mỗi giai đoạn lịch sử, Hà Nội luôn thể hiện vai trò “gương mẫu, đi đầu”. Trong đó, 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, Hà Nội đã phát huy truyền thống là thành phố “gương mẫu, đi đầu của cả nước”, luôn chủ động đổi mới, sáng tạo và có nhiều bứt phá, phát triển mạnh mẽ. Hà Nội đã trở thành một đầu tàu, một chủ lực kinh tế Việt Nam, là nơi hội tụ tinh hoa, trí tuệ Việt Nam trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, làm điểm tựa cho Việt Nam chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Thủ đô Hà Nội cũng gương mẫu đi đầu trong bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa riêng có từ ngàn đời, lan tỏa trong đời sống văn hóa của đất nước, là nét đẹp quyến rũ bạn bè năm châu…
Hà Nội hiện đang tiếp tục tiên phong, gương mẫu trong việc triển khai các chủ trương lớn của Trung ương với những thay đổi mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, hạ tầng đô thị, đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực… góp phần cùng cả nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
(Còn nữa)
06:15 02/12/2024
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/tu-duy-thu-do-va-hanh-dong-ha-noi-hien-thuc-khat-vong-vuon-minh-bai-1-nhu-mot-loi-hieu-trieu.html