(Dân trí) – Việt Nam hiện là một trong 2 nước trên thế giới báo cáo thực hiện thành công mổ nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ.
Năm 2011, đoạn phim kéo dài vỏn vẹn 30 giây ghi lại một phần ca mổ nang ống mật chủ bằng phương pháp nội soi một lỗ được một bác sĩ người Trung Quốc trình chiếu trong hội thảo khiến PGS.TS Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (khi đó đang công tác tại Bệnh viện Nhi Trung ương) cũng như các chuyên gia y tế đến từ nhiều nước phải kinh ngạc.
Lần đầu tiên, bệnh nang ống mật chủ được xử lý chỉ thông qua một vết rạch duy nhất dài vỏn vẹn một đốt ngón tay, trong khi ngay cả cơ sở y tế lớn ở châu Âu vẫn phải thực hiện mổ mở với đường rạch chiếm 2/3 ổ bụng.
Chỉ một năm sau, Việt Nam đã báo cáo thế giới về ca mổ nội soi một lỗ nang ống mật chủ thành công đầu tiên.
Sau một thập kỷ, đã có gần 300 bệnh nhi mắc bệnh lý về gan mật điều trị ngoại khoa phổ biến hàng đầu ở trẻ em, được mổ bằng kỹ thuật tiến tiến này.
Việt Nam hiện cũng là một trong 2 nước trên thế giới báo cáo thực hiện thành công mổ nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ.
Hành trình đưa việt Nam ghi dấu ấn trên bản đồ y khoa thế giới, theo mô tả của PGS.TS Trần Ngọc Sơn, được khởi đầu trên một nền móng vững chắc về phẫu thuật nội soi do nhiều thế hệ bác sĩ ngoại khoa xây dựng và tiến bước bằng khát vọng giúp người bệnh “mổ như không mổ”, ít sang chấn và hồi phục nhanh nhất có thể.
Việc một gia đình Úc đưa con gái sang Việt Nam để mổ khiến nhiều người phải bất ngờ. Càng bất ngờ hơn khi mọi người được biết một bác sĩ nội lại là chuyên gia tốp đầu thế giới về phương pháp này. Ông có thể chia sẻ cách mình bén duyên với kỹ thuật mổ đã tạo nên tên tuổi của mình?
PGS.TS Trần Ngọc Sơn: Trước hết chúng ta cần biết rằng, trong lĩnh vực y tế, Việt Nam có thể đi sau về các công nghệ hiện đại, phần lớn xuất phát từ điều kiện kinh tế, nhưng bàn tay và khối óc của các y bác sĩ Việt Nam không hề thua kém các nước tiên tiến.
Xét chung về phẫu thuật nội soi ở trẻ em, Việt Nam rất nổi tiếng trên thế giới.
Người đi đầu phát triển phẫu thuật nội soi nhi ở Việt nam là GS.TS Nguyễn Thanh Liêm (Nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương).
Cuối những năm 90, GS Liêm bắt đầu triển khai ứng dụng phẫu thuật nội soi trong nhi khoa, đến đầu những năm 2000, lĩnh vực này đã phát triển rực rỡ và đưa Việt Nam sớm vươn lên tốp đầu thế giới dù đi sau.
Tôi may mắn được trưởng thành trong một nền y học như vậy và càng may mắn hơn khi GS.TS Nguyễn Thanh Liêm cũng chính là người thầy của tôi.
Trong lần đi cùng thầy Liêm dự hội thảo y khoa quốc tế năm 2011, đoạn phim về phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ ngay lập tức khiến tôi rất ấn tượng và muốn đưa về Việt Nam.
Thời điểm đó, thậm chí đến hiện nay, để điều trị nang ống mật chủ ở nhiều quốc gia, kể cả châu Âu và Mỹ vẫn được chỉ định mổ mở. Với một đứa trẻ, ca mổ sẽ là sang chấn rất lớn, khi thực hiện vết rạch dài 2/3 khoang bụng, cắt qua nhiều cơ rất đau đớn, khiến quá trình phục hồi chậm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng.
Ở Việt Nam khi đó đã phẫu thuật nội soi thông thường thành công trong điều trị nang ống mật chủ ở trẻ. Chính GS Liêm là người đưa Việt Nam trở thành nước thứ ba trên thế giới ứng dụng thành công kỹ thuật này.
Về điều trị ngoại khoa nang mật chủ, khi mổ mở là một phẫu thuật khó, phức tạp, đòi hỏi rất nhiều động tác. Chẳng hạn bác sĩ phải cắt túi mật, sau đó cắt ống mật chủ bị giãn thành nang, cắt đường mật chủ bị giãn thành nang, sau đó mới đưa quai ruột lên nối lại với ống gan chung ở phía trên để hứng mật.
Điều trị nang ống mật chủ bằng nội soi thông thường đã là một bước tiến lớn so với mổ mở, khi chỉ cần thực hiện 4 đường rạch vài centimet. Vậy thì việc có thể đưa về một lỗ nội soi duy nhất lại là một bước phát triển mới trong việc điều trị căn bệnh này.
Đã hơn một thập kỷ trôi qua từ khi kỹ thuật mổ nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ được công bố, vì sao mới chỉ có thêm Việt Nam làm chủ được kỹ thuật này?
PGS.TS Trần Ngọc Sơn: Cần khẳng định nội soi một lỗ nói chung và nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ là một con đường khó khăn hơn rất nhiều so với phẫu thuật nội soi thông thường.
Chúng ta đều biết con người khi làm việc tay phải tạo thành góc mới có thể thao tác dễ dàng, cũng như khi phẫu thuật sẽ giúp dễ xử lý để các dụng cụ không chạm vào nhau.
Tuy nhiên khi chỉ có một “lối vào” duy nhất. Các dụng cụ gần như được đặt song song. Đôi tay lúc này như bị bó lại, thao tác đặc biệt khó.
Với không gian quá chật hẹp, các thao tác tay phải tính toán kỹ và đạt độ chính xác từng milimet. Chỉ cần chệch vài ly, dụng cụ đã chạm vào nhau, kẹt cứng.
Đơn cử, với nội soi thông thường, các thao tác cắt bỏ thường sẽ dễ hơn là tái tạo. Ví dụ như thao tác cắt túi mật sẽ dễ hơn rất nhiều so với công đoạn tái tạo đường mật.
Kỹ thuật khâu nối ở nội soi thông thường đòi hỏi các phẫu thuật viên rất lành nghề mới có thể thực hiện. Với nội soi một lỗ, khâu nối khó hơn rất nhiều và cũng chính là một trong những thử thách khó nhằn nhất.
Khi muốn khâu, kim phải đặt vuông góc với vị trí khâu. Thế nhưng như tôi đã chia sẻ, các dụng cụ nội soi một lỗ hầu như phải đặt song song. Do đó, mỗi mũi chỉ được đánh đổi bằng sự tập trung cao độ cũng như rất nhiều năm kinh nghiệm của bác sĩ.
Kể từ năm 2009, đã có một số tác giả giới thiệu về nội soi một đường rạch ở người lớn. Tuy nhiên, việc có thể học tập và phát triển kỹ thuật này lại không hề dễ dàng.
Do đó đến tận ngày hôm nay, nội soi một lỗ cũng không phổ biến trên thế giới. Ngay tại bệnh viện của chúng tôi, cũng có nhiều đoàn bác sĩ nước ngoài sang học về kỹ thuật này nhưng tỷ lệ đưa về áp dụng thực tế là không cao. Riêng với nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ vẫn chưa có đơn vị nào học xong về triển khai được.
Tại sao ông vẫn quyết đi vào con đường đã biết trước là rất khó khăn này?
PGS.TS Trần Ngọc Sơn: Việt Nam là nước đứng tốp đầu thế giới về nội soi nang ống mật chủ. Không có lý do gì thế giới làm được mà mình không làm được?
Đây là câu hỏi tôi đặt ra ngay trong lần đầu tiên được chứng kiến kỹ thuật này và lại được đặt ra thêm nhiều lần nữa khi gặp bất cứ trở ngại nào, trên hành trình làm chủ phẫu thuật nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ.
Phẫu thuật này đem lại lợi ích lớn cho bệnh nhân. Nếu nó đòi hỏi máy móc hay công nghệ gì đó quá đắt tiền thì chúng ta đành bó tay, nhưng thực tế thách thức lớn nhất lại là mặt tay nghề, kỹ thuật. Đây là điều có thể đạt được qua tập luyện, không phải là bất khả thi. Vậy tại sao lại không làm?
Hành trình làm chủ kỹ thuật này với ông chắc hẳn cũng không hề dễ dàng, nhất là khi tất cả “giáo trình” chỉ là đoạn phim “highlight” dài vỏn vẹn 30 giây?
PGS.TS Trần Ngọc Sơn: Trên thực tế một bác sĩ có nền tảng vững chắc về nội soi chỉ cần đoạn video ngắn đó sẽ có thể hiểu ngay ý tưởng của phương pháp này. Cái khó là quá trình rèn luyện đôi tay, cũng như có phương án xử trí với từng vấn đề cụ thể phát sinh trong quá trình mổ.
Tôi mất nhiều thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu và vạch ra cho mình những công thức riêng để thực hiện các tác vụ quen thuộc trong nội soi nhưng với tư thế, động tác khác biệt hoàn toàn.
Cuối năm 2011, tôi cùng các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã có ca mổ nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ ở trẻ em đầu tiên.
Khó khăn đến từ ngay những bước khởi động, khi 2 dụng cụ nội soi “chen chân” trong một vết rạch chỉ dài 2cm nên cứ điều khiển lại chạm vào nhau, co kéo. Theo dây chuyền, các dụng cụ căng cứng tiếp tục gây hở khí khoang bụng.
Cần biết rằng, khi phẫu thuật nội soi, chúng tôi phải bơm khí CO2 vào ổ bụng, giúp khoang căng lên để việc điều khiển các dụng cụ dễ dàng hơn.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi các dụng cụ xâm nhập vào, bụng bệnh nhân đã xẹp lép. Đây là vấn đề mà nội soi thông thường chưa bao giờ gặp.
Phẫu trường chật chội khiến việc điều khiển dụng cụ lại khó chồng khó.
Ca mổ này đòi hỏi sự quyết tâm và cố gắng rất lớn của không chỉ bác sĩ phẫu thuật mà là cả ekip, từ các vị trí hỗ trợ cho đến gây mê.
Vướng ở đâu, chúng tôi gỡ ở đó. Từng kỹ thuật, thao tác được hoàn thiện dần ngay trong những ca mổ đầu tiên đó.
Khi dụng cụ va vào nhau, kẹt cứng, tôi tìm cách đổi góc đặt dụng cụ hay thậm chí là thay đổi luôn con đường tiếp cận các cơ quan. Với tình trạng hở khí, chúng tôi lại tìm cách sắp xếp lại vị trí trocar (dùi chọc hút- PV) và kết hợp khâu lại lỗ hở.
Ca mổ này kết thúc sau khoảng 6 giờ đồng hồ, lâu gần gấp đôi so với mổ nội soi thông thường. Mặc dù ca mổ đặt ra nhiều thách thức và kéo dài, thế nhưng kết quả lại rất tốt. Bệnh nhân tiến triển nhanh, tốc độ hồi phục vượt trội và không bị rò miệng nối.
Sự thành công của ca mổ này là động lực và cũng là bệ phóng trong hành trình làm chủ mổ nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ.
Quy trình mổ được hoàn thiện như thời điểm hiện tại đòi hỏi sự chuẩn hóa của từng chi tiết nhỏ như: vị trí trocar, cách sắp xếp và di chuyển dụng cụ để tránh va chạm, dùng mũi chỉ khâu treo để thay thế dụng cụ nội soi thứ ba, cắt nang từ dưới lên trên thay vì cắt đôi ở giữa…
Đến nay, chúng tôi đã thực hiện hơn 300 ca mổ nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ cho các bệnh nhi. Thời gian mổ rút ngắn từ 6 tiếng xuống chỉ còn khoảng 3 tiếng, tương đương mổ nội soi thông thường.
Không dừng lại ở điều trị nang ống mật chủ, nội soi một lỗ cũng đã và đang được chúng tôi ứng dụng để điều trị nhiều bệnh lý khác, đem lại giá trị rất lớn cho người bệnh như: cắt ruột thừa, cắt túi mật, u nang buồng trứng, điều trị tắc tá tràng bẩm sinh, cắt thận bán phần, cắt thận mất chức năng, cắt u nang ở bụng…
Để thực hiện phẫu thuật nội soi một lỗ, bệnh viện có phải sử dụng thêm các thiết bị, dụng cụ chuyên biệt?
PGS.TS Trần Ngọc Sơn: Tôi muốn nói rộng ra về nội soi một lỗ, có nhiều điểm từ thiết bị cho đến quy trình của chúng tôi không giống với thế giới.
Nói cách khác, để đến được đích là làm chủ nội soi một lỗ, chúng tôi lựa chọn một con đường khác với các đồng nghiệp trên thế giới. Con đường này được tối ưu hóa cho 3 yếu tố: Phù hợp với điều kiện trang thiết bị ở Việt Nam, giảm thấp nhất chi phí điều trị để nhiều người bệnh có cơ hội được tiếp cận nhất và cuối cùng là dễ chuyển giao, nhân rộng nhất.
Trên thực tế, để khắc phục các khó khăn của nội soi một lỗ, có nhiều phương pháp đã được áp dụng trên thế giới.
Nhiều cơ sở sẽ sử dụng một cổng chuyên dụng cho nội soi một lỗ. Tuy nhiên, cổng này có chi phí khoảng 400USD, sẽ tạo thêm gánh nặng về kinh tế cho bệnh nhân.
Một số tác giả khác lại sử dụng kỹ thuật bắt chéo dụng cụ để tăng tính linh hoạt. Như vậy, dụng cụ ở tay bên phải khi vào ổ bụng sẽ nằm ở bên trái và ngược lại. Nhược điểm của phương pháp này là sẽ ngược hoàn toàn với thao tác nội soi thông thường. Do đó để làm quen và thuần thục thao tác là rất khó, đồng nghĩa với việc khó chuyển giao và nhân rộng.
Có nơi còn sử dụng các dụng cụ được thiết kế riêng cho nội soi một lỗ như ống nội soi có khớp hay như tác giả của nội soi một lỗ điều trị nang ống mật chủ sử dụng ống nội soi dài 70cm (thông thường chỉ 50cm). Tuy nhiên, những thiết bị này cũng rất đắt tiền.
Với phương pháp của chúng tôi, tất cả trang thiết bị vẫn như nội soi thông thường, không cần phải đầu tư thêm. Do đó, chi phí nội soi một lỗ không bị đội lên so với nội soi thông thường.
Bên cạnh đó, dụng cụ khi thao tác vẫn được giữ được nguyên tắc tam giác khá tương đồng với nội soi thường quy, giúp các bác sĩ dễ dàng tiếp cận hơn. Với một bác sĩ đã có kinh nghiệm phẫu thuật nội soi, chỉ cần qua khoảng 20 ca phẫu thuật nội soi một lỗ thì gần như có thể thuần thục.
Trong các ca mổ nội soi một lỗ, bác sĩ thực hiện đường rạch ngay ở rốn bệnh nhân. Vì sao ông lựa “cánh cổng” đặc biệt này?
PGS.TS Trần Ngọc Sơn: Nội soi một lỗ được ra đời từ mục tiêu hạn chế tối đa xâm lấn đến cơ thể bệnh nhân, thì việc chọn lỗ rốn là con đường thâm nhập vào bên trong sẽ giúp mục tiêu này được thực hiện tốt hơn nữa.
Khoảng những năm 2000, có một trào lưu mổ nội soi qua lỗ tự nhiên. Ví dụ như đưa dụng cụ đi qua âm đạo; chọc một lỗ ở cùng đồ để tiến vào bụng và cắt túi mật hoặc cơ quan khác.
Một lối vào khác là miệng; dụng cụ qua đường miệng rồi tạo lỗ thủng dạ dày để tiến sâu hơn; hoặc lối vào qua trực tràng…
Phương pháp này từng có thời gian nở rộ vì giúp không để lại sẹo ở bên ngoài, đảm bảo tính thẩm mỹ cho người bệnh. Tuy nhiên, việc phải đục thủng cùng đồ hay dạ dày lại gây sang chấn và để lại những biến chứng nhất định.
Trào lưu thứ hai, mà tôi ủng hộ và đang áp dụng, là thâm nhập thông qua lỗ tự nhiên thời kỳ bào thai, điển hình là lỗ rốn.
Bản thân rốn là sẹo. Khi chúng ta rạch ở rốn thì sẹo mổ sẽ được sẹo rốn che đi, giúp người bệnh “mổ như chưa mổ”. Đối với bệnh nhân đây là giá trị rất lớn.
Cũng có không ít tác giả phản biện rằng, rốn là chỗ bẩn và khó cắt dễ gây đau và nhiễm trùng. Tuy nhiên, thực tế y học bằng chứng cho thấy điều này là không đúng.
Minh chứng rõ ràng nhất là trong hơn 300 nội soi một lỗ điều trị nang mật chủ mà chúng tôi đều thực hiện qua vết rạch ở rốn, tỷ lệ biến chứng chỉ là 1% và không có biến chứng nặng, tử vong, không ai bị tổn thương các tạng khác. Đây là tỷ lệ biến chứng đặc biệt thấp. Theo dõi sau 6-8 năm ở các bệnh nhân này vẫn cho kết quả rất tốt.
Qua đây chúng tôi cũng rất cảm ơn lãnh đạo Bộ Y tế, Sở Y tế Hà Nội, ban Giám đốc BV đã tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ ủng hộ cho phương pháp phẫu thuật này.
Việc một gia đình người Úc lựa chọn Việt Nam làm nơi phẫu thuật cho con gái sau khi đã tham khảo cả các nước tiên tiến vừa qua là một minh chứng cho việc y tế Việt Nam hoàn toàn có thể sánh vai với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Vậy theo bác sĩ, chúng ta cần làm gì để có thêm nhiều “gia đình người Úc” như vậy đến Việt Nam khám, chữa bệnh?
PGS.TS Trần Ngọc Sơn: Chúng ta thường hay lo lắng về dịch vụ y tế khó đáp ứng được yêu cầu của người nước ngoài. Tuy nhiên trên thực tế có thể thấy ở chính trường hợp gia đình người Úc rất hài lòng với dịch vụ và trải nghiệm trong gần một tuần ở lại bệnh viện chúng tôi.
Về chuyên môn, chúng ta hoàn toàn có thể tự tin trình độ của bác sĩ Việt Nam không thua kém các nước trên thế giới. Đặc biệt là các lĩnh vực ngoại khoa như phẫu thuật nội soi, can thiệp mạch chúng ta đang làm rất tốt và có tên tuổi. Ngoài ra, lĩnh vực y học cổ truyền cũng là một thế mạnh đặc trưng của Việt Nam, đặc biệt trong điều trị các bệnh mạn tính.
Chúng ta đem lại chất lượng điều trị tốt tương đương các nước có nền y tế phát triển trong khu vực và trên thế giới, trong khi đó chi phí lại rất rẻ.
Làm một phép so sánh đơn giản, nếu không có bảo hiểm, một giường bệnh ở Mỹ mỗi ngày có chi phí 5.000-6.000USD, nếu là giường hồi sức tích cực sẽ lên đến 14.000-15.000USD.
Một ca mổ ở Mỹ có chi phí từ vài nghìn đến hàng chục nghìn USD trong khi ở Việt Nam chỉ mất vài trăm USD. Nhìn chung chi phí y tế ở ta thường rẻ hơn 7-10 lần ở Mỹ. Khi so sánh với một nước trong khu vực như Singapore, chi phí của chúng ta cũng rẻ hơn rất nhiều.
Nhiều người mà tôi quen biết định cư ở các nước phương Tây thường thích về Việt Nam để làm các dịch vụ chữa răng. Họ chia sẻ rằng, một chuyến về Việt Nam vừa vui chơi, vừa làm răng vẫn rẻ hơn nhiều so với việc thực hiện ở nước ngoài.
Tuy nhiên, để Việt Nam có thể thu hút các bệnh nhân trên thế giới hay trở thành điểm đến của “du lịch y tế” chúng ta vẫn còn thiếu một mắt xích quan trọng, đó là khâu marketing.
Bác sĩ Việt Nam giỏi nhưng hầu như chỉ người trong ngành, giới chuyên môn biết. Dịch vụ của chúng ta tốt, chi phí lại rất rẻ nhưng chỉ có những bệnh nhân đã thực sự trải nghiệm như gia đình người Úc mới biết được. Và đây chỉ là những trường hợp lẻ tẻ, là số ít.
Như ở Singapore, họ đang rất thành công với việc cung cấp một dịch vụ trọn gói cho cho bệnh nhân nước ngoài. Họ có riêng một kênh chuyên tiếp thị đến bệnh nhân nước ngoài có nhu cầu và làm đầu mối lo cho bệnh nhân A-Z: Di chuyển khứ hồi, kết nối với bác sĩ, làm thủ tục…
Một ví dụ khác là ngay chính ở Việt Nam, có nhiều công ty của Pháp chuyên tìm khách hàng tiềm năng, sau đó kết nối để đưa bác sĩ Pháp đến Việt Nam để mổ.
Như vậy, khâu làm chuyên môn tốt chúng ta đã và đang thực hiện được, nhưng làm sao để bệnh nhân trên thế giới biết được cái tốt đó thì cần sự vào cuộc của nhiều bên chứ không chỉ riêng ngành y.
Xin trân trọng cảm ơn PGS về cuộc trò chuyện này!
Dantri.com.vn