Bức ảnh được Anthony Bourdain đăng trên Twitter của mình đêm 23/5. Ảnh: Twitter/TTXVN
Những hình ảnh đó ngay lập tức gây “sửng sốt” cho giới truyền thông toàn cầu vì một Hà Nội quá đỗi bình yên và gần gũi. Thế nhưng, với người Việt Nam, việc một lãnh đạo cao cấp của các quốc gia nước ngoài tới thăm, thong dong trên phố phường Hà Nội, thưởng thức ẩm thực như ngài Obama lại… không có gì quá… mới mẻ và khác lạ.
Trong suốt ¼ thế kỷ qua, phát huy điểm tựa từ danh hiệu Thành phố vì Hòa bình, Hà Nội đang vững bước tiến vào tương lai và ngày càng định vị như một thành phố đáng sống, bình yên và an toàn.
Kể từ năm 2000 đến nay, Hà Nội đã đón tiếp 4 đời Tổng thống Mỹ với 5 chuyến thăm mang tính chất lịch sử, Dù bất cứ Tổng thống nào khi đến đều nhận được sự đón tiếp nồng hậu và chân thành của người dân.
Ngược dòng thời gian xa hơn, vào năm 1993, lần đầu tiên một nguyên thủ quốc gia phương Tây tới Việt Nam kể từ sau năm 1975 – Tổng thống Pháp Francois Mitterrand cũng đã dạo quanh khu phố cổ Hà Nội mà không bị ngăn cách bởi quá nhiều cảnh vệ.
Sau 25 năm kể từ khi chiến tranh kết thúc, T Tổng thống Mỹ Bill Clinton cũng tới thăm Hà Nội. Sự kiện này càng có ý nghĩa hơn khi chính Tổng thống Mỹ Bill Clinton là người đã quyết định dỡ bỏ cấm vận, tiến tới bình thường hóa mối quan hệ giữa 2 nước vào năm 1995, đồng thời ký Hiệp định Thương mại song phương.
Ông Bill Clinton là người quyết định bỏ lệnh cấm vận, đặt nền móng chính thức cho việc bình thường hóa quan hệ song phương Việt-Mỹ, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Việt Nam năm 1995 và ký Hiệp định thương mại song phương Mỹ-Việt. Đồng hành trong chuyến đi thăm Việt Nam đầu tiên của ông Clinton là đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và con gái Chelsea. Ảnh: Reuters
Sau những cuộc tiếp kiến cấp cao với lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, Tổng thống Mỹ Bill Clinton ngỏ ý được đi thăm một số nơi, tìm hiểu về văn hóa, phong tục của Thủ đô và đất nước Việt Nam. Những địa điểm được Tổng thống Mỹ lựa chọn là Văn Miếu-Quốc Tử Giám cũng như Đại học Quốc gia Hà Nội.
Hình ảnh của vị Tổng thống Mỹ thoải mái, vui vẻ dạo bước dưới Khuê Văn Các trong sự chào đón nồng hậu của người dân Việt Nam đã tạo nên những ấn tượng tốt đẹp cho những ai chứng kiến sự kiện.
Không chỉ các Tổng thống Mỹ, những nguyên thủ quốc gia các nước khi đến với Thủ đô đều cảm nhận được sự yên bình. Những người yêu thành phố vì hòa bình, trái tim của Việt Nam đã dày công thống kê các chuyến “du ngoạn” của các chính khách quốc tế giữa 36 phố phường. Không ai có thể quên hình ảnh Thủ tướng Australia hay Thủ tướng Canada chạy bộ tập thể dục ở hồ Gươm, hay thoải mái đi dạo, vui chơi tại các điểm du lịch, văn hóa, đường phố Việt Nam.
Cũng chẳng ai bỏ qua hành trình khám phá “lõi Hà Nội” của Hoàng tử Anh William cùng Công tước xứ Cambridge vào năm 2016. Ông đã dừng lại ở một tiệm cà-phê vỉa hè ở phố Thuốc Bắc, trò chuyện thân mật cùng ca sĩ Hồng Nhung, nhạc sĩ Thanh Bùi, diễn viên Xuân Bắc trước khi tiếp tục rảo bước thăm đền Ngọc Sơn.
Khu vực Hồ Hoàn Kiếm và phụ cận. Ảnh: DUY LINH
Cũng năm này, một đoạn video về Hà Nội tour của các Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu, Pháp, Anh và Romania đã được chia sẻ chóng mặt trên các nền tảng mạng xã hội khắp toàn cầu. Đoạn clip bắt đầu từ cảnh Đại sứ Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Bruno Angelet, Đại sứ Anh Giles Lever, Đại sứ Pháp Jean Noel Poirier và Đại sứ Romania Valeriu Arteni thân mật ngồi bên nhau và cùng cùng thưởng thức những tô phở nóng hổi… Sau đó là cảnh các lãnh đạo cấp cao của châu Âu đi dạo trên đường phố, ghé vào gánh hàng hoa chọn hoa ly, hoa đào và mặc cả trả giá với những người bán hàng…
Giữa tháng 4/2023 vừa qua, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có chuyến thăm Việt Nam lần đầu trên cương vị người đứng đầu ngành ngoại giao của Mỹ. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Việt Nam kỷ niệm 10 năm thiết lập Quan hệ Đối tác Toàn diện.
Dù lịch trình làm việc dày đặc, tối 15/4, ông Blinken vẫn có một khoảng thời gian thư giãn để đi dạo và ăn tối tại Hà Nội. Ông vào quán nhạc jazz Bình Minh ở số 1 Tràng Tiền, cùng thưởng thức âm nhạc với một người bạn vong niên, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh.
Sau đó, ông cùng các cộng sự tiếp tục dùng bữa tối tại quán Cơm Tay Cầm tọa lạc ở một con ngõ nhỏ gần Nhà hát Lớn Hà Nội, ngõ Tràng Tiền. Một thực đơn đậm chất địa phương với nem tôm, cơm trắng, tôm rim nước dừa, được chính vị Ngoại trưởng Hợp chúng quốc Hoa Kỳ chọn và đặt trước. Ngoài ra ông Blinken còn chủ động gọi thêm các món khác khi trực tiếp thưởng thức tại nhà hàng…
Khu vực hồ Tây. Ảnh: DUY LINH
Những trải nghiệm này sau đó được ông viết trên Twitter: “Bạn không thể không thử ẩm thực Việt khi thăm Việt Nam. Ẩm thực Việt Nam có những hương vị rất tươi mới và chúng ta đã thấy ảnh hưởng của nó trên nhiều nhà hàng ở khắp nước Mỹ. Cảm ơn Cơm Tay Cầm đã cho tôi được nếm thử đồ ăn tuyệt vời của các bạn…”
“Quá ngon!” – đó là nhận xét của ông Blinken về bữa ăn đó, bằng tiếng Việt!
Gần đây nhất, Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trong chuyến thăm lần thứ 3 tới Việt Nam diễn ra trong 2 ngày 1-2/11/2023, đã có hành trình khá đặc biệt cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính trên các tuyến phố của Thủ đô Hà Nội. Dù lịch trình bận rộn, song Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Mark Rutte dành thời gian cùng đạp xe dạo phố để cảm nhận mùa thu Hà Nội, đồng thời truyền tải những thông điệp đáng chú ý.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh – Chủ tịch Ủy ban Hòa bình thành phố Hà Nội, chính môi trường hòa bình, ổn định chính trị, người dân thân thiện nên từ lâu Hà Nội đã được chọn là nơi tổ chức các sự kiện lớn tầm cỡ quốc tế như Hội nghị cấp cao APEC, Hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần 2, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới…
Tiến sĩ Đào Quyền Trưởng, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO, Bộ Ngoại giao (Ủy viên Ban thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam) nhận định, việc sở hữu danh hiệu của UNESCO không chỉ là sự công nhận về giá trị văn hóa, lịch sử và tự nhiên của một địa phương hay một quốc gia, mà còn là một cấu phần quan trọng hình thành nên thương hiệu của mỗi quốc gia, địa phương.
Ủy viên Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO khẳng định, danh hiệu này cũng đã đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế-xã hội thông qua thu hút khách du lịch, chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế, thúc đẩy mô hình tăng trưởng xanh, bền vững.
Đối với Hà Nội, các danh hiệu góp phần nâng cao vị trí, uy tín của Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung ở khu vực và trên trường quốc tế, góp phần quảng bá giới thiệu về Hà Nội với thế giới, qua đó tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế với các nước.
Một góc phố của Hà Nội. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Thực tế, từ khi đón nhận danh hiệu này, Hà Nội đã triển khai nhiều dự án về văn hóa, giáo dục truyền thống, bảo vệ môi trường… Nhiều mục tiêu, chương trình, công trình đã được hoàn thành, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, góp phần cải thiện đời sống người dân.
Nhờ sự nỗ lực đó, trong 25 năm qua, nhất là sau khi mở rộng địa giới hành chính, hàng loạt công trình tiêu biểu như: Cầu Thanh Trì, cầu Vĩnh Tuy, đại lộ Thăng Long, cầu Nhật Tân, cầu Vĩnh Thịnh, đường Vành đai 3 và Vành đai 3 trên cao, đường Vành đai 2, cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, Nhà ga T2 sân bay quốc tế Nội Bài, đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông… đã được hoàn thành, đưa vào sử dụng.
Thủ đô Hà Nội cũng được xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước mà còn là trung tâm giao lưu quốc tế. Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, theo đồng chí Trần Nghĩa Hòa, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội, đến nay, Hà Nội đã có quan hệ với hơn 100 thành phố, thủ đô các nước. Trong số đó, Hà Nội ký thỏa thuận hợp tác với 61 thủ đô, thành phố các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ; đồng thời là thành viên tích cực của nhiều tổ chức quốc tế uy tín.
Về du lịch, lượng khách quốc tế đến Hà Nội cũng liên tục tăng hằng năm. Theo báo cáo của Sở Du lịch Hà Nội, riêng trong năm 2023, tổng lượng du khách đến với Hà Nội đạt 24,73 triệu lượt, tăng 30.93% so năm 2022. 6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng khách du lịch đến với Hà Nội đạt 13,92 triệu lượt, tăng 12,7% so cùng kỳ năm trước.
Trong số này, năm 2023, lượng khách quốc tế đạt tới 4,72 triệu; tăng 2,8 lần so năm 2022. Con số ghi nhận trong 6 tháng đầu năm nay thậm chí càng ấn tượng hơn khi khách quốc tế đạt mốc hơn 3 triệu lượt, tăng gần 50% so cùng kỳ năm ngoái.
Lượng khách quốc tế đến Hà Nội cũng liên tục tăng hằng năm. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Đáng lưu ý, tổng thu từ khách du lịch trong các giai đoạn nêu trên cũng liên tục tăng. Vị thế, uy tín của du lịch Thủ đô trên trường quốc tế ngày càng được khẳng định và nâng cao. Trong giai đoạn 2023-2024, Hà Nội tiếp tục được các chuyên trang, tạp chí du lịch uy tín đánh giá cao về mức độ hấp dẫn. Điển hình có thể kể tới các danh hiệu: Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2023; Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày 2023; Cơ quan quản lý du lịch thành phố hàng đầu châu Á. Hà Nội cũng lọt vào top 10 điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á; top 17 trong danh sách 25 địa danh nổi tiếng để đi du lịch toàn cầu và top 3/20 trong danh sách điểm đến cho những tín đồ ẩm thực thế giới.
“Những con số kể trên đã đại diện cho sự tăng trưởng ấn tượng của Thủ đô, Hà Nội đã và đang được biết đến không chỉ là một thành phố năng động, hiện đại mà còn là điểm đến văn hóa hấp dẫn, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống quý báu”, Tiến sĩ Đào Quyền Trưởng nhấn
Đặc biệt hơn, trong con mắt của bạn bé quốc tế, Hà Nội từ thành phố của Hòa Bình và vì Hòa Bình đã trở thành hình mẫu, biểu tượng truyền cảm hứng.
Bà Jane Runkat – Đại biện lâm thời Đại sứ quán Indonesia chia sẻ: Hà Nội đã biến những khó khăn trong lịch sử trở thành khả năng cạnh tranh của ngày hôm nay, trở thành một trung tâm giáo dục, khoa học, công nghệ và văn hóa trong khu vực. Những nỗ lực về phát triển bền vững của Hà Nội cũng minh chứng Thủ đô rất xứng đáng với danh hiệu, với nhiều sáng kiến giải quyết các thách thức vì môi trường.
“Việc công nhận Hà Nội là thành phố vì hòa bình của UNESCO có thể truyền cảm hứng cho các thành phố khác theo đuổi con đường vì hòa bình và phát triển”, bà Jane Runkat nói.
Thành phố nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Ảnh: TRẦN HẢI
Song song, các hoạt động thúc đẩy phát triển văn hóa-giáo dục, chăm lo giáo dục công dân và thế hệ trẻ được triển khai gắn với thực hiện Chương trình 06. Hàng trăm di tích trên địa bàn thành phố được đầu tư tu bổ, tôn tạo. Thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố, Hà Nội quyết định dành 14.029 tỷ đồng đầu tư tu bổ, tôn tạo 579 di tích trong giai đoạn 2021-2025. Sự quan tâm này không chỉ giúp những di tích nổi bật của Thủ đô như: Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, chùa Trấn Quốc, chùa Thầy, làng cổ Đường Lâm… được quan tâm, tu bổ, mà cả những di tích ở vùng sâu, vùng xa cũng được trả lại vẻ đẹp xưa.
Đặc biệt, tròn 20 năm sau khi đạt danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”, tháng 10/2019, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố Sáng tạo của UNESCO” với mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Điều này là sự khẳng định cho những thành tựu mà Hà Nội đạt được trong việc giữ gìn, phát triển các tiêu chí của Thành phố Vì hòa bình.
Các giá trị truyền thống tốt đẹp là bệ đỡ cho hệ giá trị con người Việt Nam mới. Ảnh: THANH GIANG
Trong bài phát biểu tại tọa đàm cấp cao “Tham vấn về sáng kiến: Hà Nội – Thành phố sáng tạo”, ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, việc trở thành một thành viên trong mạng lưới thành phố sáng tạo là sự bổ sung quý giá cho vị thế của Hà Nội.
Sau 5 năm kể từ khi gia nhập Mạng lưới, Hà Nội đã bước đầu biến văn hóa thành trụ cột trong kế hoạch phát triển cấp địa phương và hợp tác tích cực ở cấp quốc tế, tổ chức nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa các cam kết với UNESCO.
Nhiều cơ chế, chính sách, kế hoạch đã được thành phố ban hành nhằm xây dựng và phát triển “Thành phố sáng tạo” như Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Kế hoạch số 102/KH-UBND về triển khai các sáng kiến tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến năm 2025…
Hà Nội là địa phương đầu tiên trên cả nước có Nghị quyết riêng về phát triển công nghiệp văn hóa. Ảnh: THÀNH ĐẠT
Thành phố đã thúc đẩy phát triển các không gian văn hóa sáng tạo, tạo ra bản sắc, sự hấp dẫn cho đô thị, truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng và tái sinh đô thị. Hiện nay, Hà Nội có khoảng 60 không gian sáng tạo, trong đó có 7 không gian làm việc chung, 42 không gian văn hóa-nghệ thuật, đẩy mạnh các không gian văn hóa sáng tạo tại các tuyến phố đi bộ, không gian bích họa Phùng Hưng, không gian Tinh hoa làng nghề Việt Nam, không gian kiến trúc văn hóa Bảo tàng Hà Nội, không gian đi bộ xung quanh Văn Miếu-Quốc Tử Giám…
“Từ Thành phố vì hòa bình đến Thành phố sáng tạo không chỉ đơn thuần là có thêm danh hiệu để tự hào mà còn là động lực để Thủ đô quyết tâm chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng đến sự bền vững, phát huy sức sáng tạo của những con người tâm huyết với Thủ đô”, bà Nguyễn Thị Ngọc Thanh, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình thành phố Hà Nội tổng kết.
Ba nhóm giải pháp để phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO
Theo Tiến sĩ Đào Quyền Trưởng, Ủy viên Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, việc phát huy giá trị các danh hiệu UNESCO không chỉ là trách nhiệm bảo tồn mà còn là đòn bẩy quan trọng để thúc đẩy phát triển bền vững của Hà Nội.
“Đây là một nhiệm vụ cấp bách và đầy thách thức, đòi hỏi sự chung tay của toàn xã hội, từ các cấp chính quyền, các tổ chức, doanh nghiệp đến mỗi người dân Thủ đô”, Phó Vụ trưởng Vụ Ngoại giao Văn hóa và UNESCO (Bộ Ngoại giao) nhấn mạnh.
Tiến sĩ Đào Quyền Trưởng cũng đưa ra 3 nhóm giải pháp mà Ủy ban Quốc gia UNESCO sẽ đồng hành với thành phố Hà Nội trong thời gian tới, bao gồm:
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa công tác bảo tồn và phát huy di sản thông qua việc bảo tồn, tu bổ các di tích lịch sử, văn hóa để bảo đảm tính nguyên vẹn và giá trị của di sản; xây dựng và thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường trong khu vực di sản. Hạn chế tối đa các tác động tiêu cực từ hoạt động sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân tới di sản.
Nghiên cứu việc tổ chức thường xuyên các lễ hội truyền thống, các buổi biểu diễn nghệ thuật, các cuộc thi sáng tác, các triển lãm… để giới thiệu và quảng bá giá trị di sản tới công chúng.
Tổ chức các lớp học, khóa đào tạo, các chương trình giao lưu, trao đổi… để truyền dạy các loại hình nghệ thuật truyền thống cho thế hệ trẻ nhằm bảo đảm sự kế thừa và phát triển. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục về giá trị di sản cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ..
Thứ hai, chú trọng kết nối di sản với phát triển du lịch bằng việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng, nghiên cứu các hình thức kết hợp giữa các danh hiệu của UNESCO để tạo ra các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo vừa mang tính thưởng thức, vừa mang tính giáo dục… Đặc biệt, cần tận dụng các kênh truyền thông đa dạng để quảng bá hình ảnh di sản Hà Nội tới với du khách trong và ngoài nước.
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/diem_tua_hoa_binh_tien_toi_tuong_lai/index.html