Cái tên Madam Nhung không còn xa lạ trong giới ẩm thực. Với hơn 30 năm kinh nghiệm, Madam Nhung được biết tới bởi tài năng sáng tạo không giới hạn trong các món ăn mang đậm hương vị Việt.
Madam Nhung (tên thật là Trương Thị Lê Nhung, ở Hà Nội) cho rằng, bánh chưng không chỉ là một phần của ngày Tết mà còn là một di sản ẩm thực của Việt Nam. Dù mọi người có thể thưởng thức bánh chưng trong cả năm nhưng giá trị văn hóa của nó không phai nhạt.
Trong hành trình cùng bánh chưng truyền thống, Madam Nhung đã không ngừng quan sát về cách mà người Việt “ứng xử” với bánh chưng. Chị nhấn mạnh, mỗi người đều có tình cảm đặc biệt với bánh chưng bởi hương vị tuyệt vời của nó. Giờ đây, khi bánh chưng được “khoác” lên mình chiếc áo mới, có đủ màu sắc, hương vị thì người dân lại càng yêu hơn.
Trong hành trình 33 năm gắn bó với ẩm thực, Madam Nhung cho rằng dấu mốc quan trọng của chị chính là sự kết nối tình yêu của mọi người đối với ẩm thực. Chị luôn đặt tâm huyết vào việc nghiên cứu và khám phá những hương vị mới, kỹ thuật nấu độc đáo để mang đến những trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng.
Năm 2001, Madam Nhung nhận được lời mời đặc biệt: Nấu bữa tiệc tiếp đãi các thực khách VIP đến từ Nhật Bản. Đây là một vinh dự đối với chị nhưng cũng là một áp lực vô cùng lớn.
“Thời điểm đó, tôi chưa nấu ăn cho các chính khách nước ngoài. Vì thế, tôi rất lo, làm thế nào để có thể làm họ hài lòng. Làm sao để nấu thật ngon và hợp khẩu vị người Nhật”, chị Nhung nhớ lại. Sau cùng, chị chọn một thực đơn có nhiều nguyên liệu tươi như nấm rừng, rau núi, thịt và gạo đều từ vùng cao.
Năm 2024, tôi dự định phát triển món chay, đặc biệt là phở chay. Gu của thị trường ẩm thực hiện nay là ăn chay. Món chay giờ không đơn giản chỉ có rau dưa mà là cả một nghệ thuật chứa đựng tâm tình của người làm bếp. Từ trong tâm tưởng đã là món chay nên nguyên liệu nấu phải là đồ tươi, tôn lên vị nguyên thủy của món ăn đó, không phải đồ giả chay và cũng không có tên liên quan món mặn”.
Madam Nhung
“Tôi nhớ đó là thời điểm tôi sáng tạo ra món xôi củ hành, sử dụng nước hấp thịt để đồ. Gạo nếp nương cho vị thơm dễ chịu, lại ngấm nước thịt hấp nên càng ngon. Xôi vẫn là món truyền thống nhưng món xôi đó tôi chăm chút nguyên liệu cẩn thận, cũng có chút bí quyết nên nó ngon thuyết phục”, chị Nhung nói.
Bữa tiệc diễn ra thành công. Các vị khách Nhật Bản rất hài lòng với các món ăn của chị. Những kỷ niệm đó chị đã mang theo trong suốt hành trình làm nghề của mình. Nó vừa là động lực, vừa là lời nhắn nhủ để chị phải luôn cố gắng tiếp tục tạo ra nhiều món ăn ngon từ các sản vật của Việt Nam.
Không chỉ nổi tiếng với bánh chưng, chị còn nấu nhiều món ăn truyền thống khác của Hà Nội như cá kho, nem cua gạch, canh bóng giò cuộn, bún thang, phở gà, phở bò và cháo sườn bột… Mỗi lần sáng tạo ra công thức mới, món mới, chị nghĩ đơn giản là làm sao có thể giữ gìn di sản ẩm thực của Hà Nội. Như vậy, thế hệ sau có thể tìm hiểu và yêu hơn hương vị truyền thống của quê hương.
Nhiều người nội trợ nói rằng, Madam Nhung đã góp phần giúp “giải phóng” phụ nữ khỏi căn bếp. Những set ẩm thực được chị sơ chế, đóng gói đã trở thành “cứu cánh” cho những người nội trợ trong những ngày lễ, Tết.
Một cái Tết nữa đang về và mỗi khi hoa đào nở báo hiệu mùa xuân đến, chị lại miệt mài thử nghiệm, sáng tạo những món ăn từ hương vị truyền thống. Những trải nghiệm sống động của một thời gắn bó với ẩm thực là “ngọn lửa” thắp lên tình yêu và khát khao, để chị tiếp tục phát triển ẩm thực truyền thống một cách trọn vẹn.