Áp chỉ tiêu “mềm”
Chính phủ Úc hôm 11.5 thông báo sẽ ra mắt một đạo luật mới nối tiếp loạt quy định trước đó như nâng yêu cầu chứng minh tài chính, tiếng Anh hay thay đổi đơn xin thị thực du học. Một trong những điểm nhấn của đạo luật mới là cho phép Bộ Giáo dục Úc đặt ra chỉ tiêu tối đa về số du học sinh mà các cơ sở giáo dục được phép tuyển mới, qua đó giới hạn số du học sinh.
Với lĩnh vực đào tạo nghề, chỉ tiêu này được xác định dựa trên cố vấn của Bộ Kỹ năng và đào tạo Úc. Trường nào muốn tuyển nhiều hơn quy định phải xây thêm chỗ ở cho cả sinh viên quốc tế và bản địa.
Tuy nhiên, xác nhận với trang The PIE News, ông Phil Honeywood, Giám đốc điều hành Hiệp hội giáo dục quốc tế Úc (IEAA), khẳng định chính phủ sẽ không đưa ra bất kỳ phương pháp giới hạn nào cho đến tháng 1.2025. Thông tin được đưa ra sau khi ông này dự cuộc họp khẩn cấp với các bộ trưởng Úc để làm rõ những chi tiết trong thông cáo mới nhất.
Quyết định trên không ảnh hưởng đến hệ thạc sĩ nghiên cứu, tiến sĩ và phổ thông, ông Honeywood lưu ý thêm.
Theo giới quan sát, việc Úc giới hạn tuyển sinh với các trường tương tự động thái của Canada hồi đầu năm nay, khi nước này hạn chế cấp giấy phép du học và giao chỉ tiêu cụ thể về từng tỉnh bang, rồi từng tỉnh bang chia chỉ tiêu về các trường. Song, khác Canada, Úc không đặt ra một chỉ tiêu chính thức và đây cũng là yếu tố “được lòng” nhiều bên liên quan.
“Việc áp dụng một giới hạn ‘mềm’ thay vì một giới hạn ‘cứng’ được chào đón, bởi chúng tôi tin rằng điều này sẽ không gây bất lợi cho những sinh viên thực sự tiềm năng”, ông Nishidhar Borra, Chủ tịch Hiệp hội đại diện giáo dục Úc tại Ấn Độ (AAERI), chia sẻ.
Cải cách để bảo vệ du học sinh
Cũng theo chính phủ Úc, đạo luật mới sẽ đưa ra những cải cách quan trọng khác, như ngăn chặn nhà cung cấp giáo dục sở hữu cả trường học, hủy đăng ký các nhà cung cấp không hoạt động, ngăn các nhà cung cấp đang bị điều tra khỏi việc tiếp tục tuyển sinh, cấm chi hoa hồng môi giới nếu chuyển sinh viên đến các trường nghề khi họ đang học tập tại Úc…
“Giáo dục quốc tế là lĩnh vực cực kỳ quan trọng với đất nước. Du học sinh đã quay trở lại, nhưng những kẻ xấu lại đang tìm cách lợi dụng họ. Chính vì thế, các cải cách trên được thiết kế nhằm đảm bảo tính toàn vẹn, bền vững liên tục và chất lượng của lĩnh vực cực kỳ quan trọng này”, ông Jason Clare, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Úc, tuyên bố.
Trong khi đó, bà Clare O’Neil, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Úc, gọi động thái mới đây là “bước tiến lớn” hướng đến mục tiêu cung cấp một hệ thống nhập cư tinh gọn và mang tính chiến lược. “Với số lượng thị thực du học được cấp trở về mức trước đại dịch, sự chú ý hiện chuyển dời sang việc quản lý số lượng này một cách chiến lược hơn trong dài hạn”, bà O’Neil khẳng định.
Cùng ngày, chính phủ Úc còn công bố dự thảo Khung chiến lược giáo dục và kỹ năng quốc tế (Education and skills strategic framework) nhằm mang lại sự chắc chắn cho lĩnh vực giáo dục quốc tế, đặc biệt là các trường ĐH khu vực của Úc (nằm ngoài các thành phố lớn như Sydney, Brisbane, Melbourne), đồng thời cho phép lĩnh vực này đóng góp tốt hơn cho nhu cầu tay nghề của Úc.
Chính phủ Úc sẽ tham khảo ý kiến từ các bên liên quan về tất cả khía cạnh của khung dự thảo trong những tháng tới và sẽ ban hành khung chính thức vào cuối năm nay, văn bản cho hay.
Trước đó vài ngày, Bộ Nội vụ Úc tăng yêu cầu tối thiểu về tài chính trong quy trình cấp thị thực du học khoảng 21%, từ 24.505 AUD (gần 410 triệu đồng) lên 29.710 AUD (gần 497 triệu đồng. Hồi cuối tháng 3, cơ quan này cũng thay thế đơn xin du học bằng một bài thi dành cho sinh viên chân chính, đồng thời tăng yêu cầu về tiếng Anh với thị thực du học và thị thực tốt nghiệp tạm thời.
Những động thái này khiến Úc, Anh, Canada ngày càng kém hấp dẫn với du học sinh. Bởi, nhiều khảo sát thời gian qua cho thấy các quốc gia Úc, Anh, Canada không còn là lựa chọn hàng đầu với du học sinh do những thay đổi trong chính sách giáo dục quốc tế về thị thực, quyền làm việc.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục Úc, đến tháng 2.2024, có 662.895 du học sinh theo học các khóa tại Úc. Trong đó, Việt Nam có hơn 31.000 người, xếp thứ 5. Tại các trường hàng đầu, số lượng sinh viên, nghiên cứu sinh người Việt chiếm tỷ lệ đáng kể, khoảng 600 người ở ĐH Melbourne, 400 người ở ĐH Adelaide, hay nằm trong top 10 về số du học sinh ở ĐH Queensland…
Nguồn: https://thanhnien.vn/tu-dau-nam-2025-dh-uc-du-kien-chi-duoc-tuyen-du-hoc-sinh-theo-chi-tieu-185240514192807715.htm