Hạn hán kỷ lục, người dân khốn đốn vì thiếu nước
Theo nhận định được đưa ra ngày 10/9 của Trung tâm Giám sát Thiên tai Quốc gia Brazil (CEMADEN) kể từ năm 1950 khi Brazil bắt đầu thu thập thống kê về tình hình thiên tai hằng năm, năm nay là năm hạn hán tồi tệ nhất và tình trạng cháy rừng cũng ở mức kỷ lục. Trong các đợt hạn hán trước, chỉ có các vùng biệt lập phải hứng chịu chu kỳ hạn hán, nhưng lần này hiện tượng thời tiết khắc nghiệt lan rộng ở quy mô toàn quốc, từ miền Bắc sang Đông Nam đất nước.
Trước đó, từ đầu tháng 6/2024, Bộ trưởng Môi trường Brazil Marina Silva đã cảnh báo nước này sẽ hứng chịu một đợt hạn hán nghiêm trọng trong những tháng tới, rằng các hiện tượng khí hậu cực đoan trong năm nay tại quốc gia này là do ảnh hưởng của El Nino. Bà Silva cũng kêu gọi các cơ quan chức năng và người dân nâng cao cảnh giác đề phòng khả năng cháy rừng trên diện rộng tại khu vực trong tình hình thời tiết khô hạn.
Những cảnh báo của Bộ trưởng Môi trường Brazil đã không thừa, liên tục nhiều tháng qua, quốc gia Nam Mỹ này đã ở trong cảnh khô hạn. Đời sống người dân Brazil đã chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn cử như tại bang Amazonas, bang có diện tích lớn nhất Brazil, hơn 50 vạn người bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán. Nước xuống thấp do hạn hán trên các con sông khiến việc vận chuyển nhu yếu phẩm và nhiên liệu cho người dân vô cùng khó khăn, nhất là tại những khu vực mà đường thủy là phương tiện giao thông chủ đạo.
Ngày 8/9, Cơ quan Khảo sát địa chất Brazil (SGB) cho biết hạn hán kéo dài suốt 2 năm qua đã khiến mực nước trên các con sông chảy qua khu rừng nhiệt đới Amazon rộng lớn xuống mức thấp kỷ lục. Nhiều nơi mực nước hiện thấp hơn gần 1m so với năm ngoái. Các chuyên gia cảnh báo tình trạng này đe dọa nghiêm trọng hệ sinh thái và cuộc sống của hàng triệu người dân sống trong vùng. Tại nhiều nơi, chính quyền địa phương buộc phải ban bố tình trạng khẩn cấp về môi trường và kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức phi Chính phủ cung cấp nước uống. Các chuyên gia cảnh báo nếu tiếp tục không có mưa trong những tuần tới, tình trạng này sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Được xem là cường quốc về nông sản, tuy nhiên, với đợt hạn hán này, việc sản xuất cà phê, mía đường, đậu nành… những mặt hàng chủ lực của nước này, bị đe doạ nghiêm trọng. Đơn cử như bởi hạn hán kéo dài, arabica – loại cà phê được ưa chuộng, đã không thể phát triển được. Nhà phân tích Fernando Maximiliano của Công ty môi giới StoneX cho biết nếu quá trình ra hoa của cây cà phê kém hiệu quả, sản lượng sẽ thiệt hại cho dù thời tiết thuận lợi về sau này. Hay như việc khoảng 2.700 đám cháy xảy ra ở Sao Paulo, bang trồng mía lớn nhất của Brazil đã khiến 59.000 hecta diện tích canh tác nông nghiệp tại đây bị ngọn lửa thiêu rụi.
Từ hạn hán đến cháy rừng là khoảng cách liền kề. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu Quốc gia Brazil (INPE), các vụ cháy rừng tại Amazon trong tháng 8 vừa qua tăng tới 120% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 234% so với tháng 7. Khu rừng nhiệt đới lớn nhất hành tinh đã ghi nhận 38.270 vụ cháy trong tháng 8, con số cao nhất trong vòng một tháng kể từ năm 2010, và tập trung chủ yếu tại các bang Para, Amazonas và Mato Grosso. Từ đầu năm tới nay, cháy rừng tại Amazon đã lên tới hơn 63.200 vụ, tăng gấp đôi so với năm ngoái và là con số kỷ lục trong vòng 14 năm qua. Các chuyên gia cho biết chỉ riêng trong năm nay, các đám cháy đã thiêu rụi hơn 300.000 km2 rừng. Không chỉ gây thiệt hại lớn về diện tích rừng, cháy rừng còn gây nên thảm hoạ môi trường tồi tệ. Khói do cháy rừng gây ra ảnh hưởng đáng kể tới chất lượng không khí tại Brazil và đã lan sang cả các quốc gia láng giềng như Uruguay và Argentina. Công ty giám sát chất lượng không khí IQAir, có trụ sở tại Thụy Sĩ, cho biết chỉ số bụi mịn (PM 2.5) tại Sao Paulo đã lên tới 69 microgam/m3, gấp 14 lần giới hạn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Tại thành phố biển Rio de Janeiro, chỉ số bụi mịn cũng ở mức rất cao với 26 microgam/m3, gấp 5 lần mức khuyến cáo của WHO.
Tình hình còn đáng quan ngại hơn nữa khi dự báo Brazil sẽ không có các cơn mưa lớn cho đến tháng 10.
2,6 tỷ USD khắc phục thiệt hại nghiêm trọng do lũ lụt
Quay cuồng trong thảm họa là cụm từ chân xác nhất cho tình cảm của Brazil năm 2024 này. Chỉ trước đó ít lâu, những trận mưa lớn liên tục trong hàng tháng trời đã nhấn chìm quốc gia này trong biển nước. Đến tận ngày 24/5, mưa lớn vẫn tiếp tục quay trở lại Brazil. Lũ lụt ở bang Rio Grande do Sul của Brazil đã tàn phá gần như mọi thứ cần thiết cho hoạt động kinh tế, từ các cửa hàng địa phương đến nhà máy, trang trại, làm gián đoạn mọi hoạt động giao thông, các đoạn đường cao tốc chính bị đóng cửa do lở đất, đường bị phá hủy và cầu bị sập, mất điện trên diện rộng.
Trước đó ít ngày, một con số thống kê sơ bộ, chưa đầy đủ cho biết, những trận mưa lớn đã tàn phá bang Rio Grande do Sul của Brazil, gây ra lũ lụt lịch sử và ảnh hưởng đến cuộc sống của khoảng 2,3 triệu người dân, khiến ít nhất 169 người thiệt mạng và hơn 580.000 người phải di dời. Hàng chục nghìn học sinh ở miền Nam Brazil đã không thể đến trường hàng tháng trời do lũ lụt thảm khốc đã nhấn chìm nhiều trường học trong khi những trường còn lại được tận dụng thành nơi trú ẩn.
Phát biểu họp báo ngày 29/5, Chủ tịch Liên đoàn Nông dân bang Rio Grande do Sul (Farsul) Gedeao Pereira cho biết chưa từng ghi nhận thiệt hại nào lớn như thời điểm đó. Khoảng trung bình 9/10 nhà máy ở bang này bị ảnh hưởng; nhiều cây cầu bị sập, đường sá hư hại nghiêm trọng khiến việc vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn. Bên cạnh việc phá hủy cơ sở hạ tầng quan trọng, mưa lớn và lũ lụt còn khiến các cánh đồng ngũ cốc chìm trong biển nước, giết chết hàng nghìn gia súc, làm gián đoạn việc thu hoạch đậu nành và tạm dừng hoạt động tại nhiều nhà máy thịt.
Trước đó, ngày 12/5, chính phủ Brazil đã công bố gói hỗ trợ khẩn cấp trị giá 12,1 tỷ reais (2,34 tỷ USD) để ứng phó với khủng hoảng lũ lụt tại bang Rio Grande do Sul. Chính phủ Brazil sẽ cấp khoảng 1.000 USD tiền mặt cho mỗi gia đình bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, đồng thời mua nhà của các công ty tư nhân để cấp cho người dân ổn định cuộc sống.
Các chuyên gia khí hậu cho rằng lũ lụt kinh hoàng tại Brazil, cụ thể là lượng mưa khủng ở Rio Grande do Sul là do các đợt nắng nóng từ hiện tượng El Nino, và sự ấm áp bất thường ở Đại Tây Dương làm tăng độ ẩm. Nhà nghiên cứu của Viện Khí tượng Quốc gia Brazil Marcelo Schneider nhận định sự nóng lên toàn cầu làm trầm trọng thêm những hiện tượng này và khiến hiện tượng thời tiết trở nên khó lường. Thêm vào đó, theo giới chuyên gia, đợt lũ lụt tàn phá miền Nam Brazil trở nên trầm trọng là do nạn phá rừng để canh tác (Số liệu thống kê cho thấy, Rio Grande do Sul đã mất 22% diện tích rừng nguyên sinh, tương đương 3,6 triệu héc-ta, trong khoảng thời gian từ năm 1985 đến 2022). Nỗi tức giận điên cuồng của mẹ thiên nhiên là hệ luỵ nhãn tiền của việc tình trạng biến đổi khí hậu và nạn phá rừng tràn lan, của việc con người sống và hành động bất chấp mọi quy luật của tự nhiên.
Hà Anh
Nguồn: https://www.congluan.vn/tu-dai-hong-thuy-den-han-han-nghiem-trong-nhat-trong-lich-su-post311965.html