Giữ đúng lời hứa với Chính phủ Việt Nam, Samsung đang từng bước biến Việt Nam trở thành “cứ điểm” R&D toàn cầu. Công nghệ đã bắt đầu được chuyển giao, nhiều dự án có quy mô toàn cầu đã và đang được thực hiện tại Trung tâm R&D của Samsung tại Hà Nội.
Trung tâm Samsung R&D đặt tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). |
Điều kỳ diệu mang tên trí tuệ nhân tạo
Ngô Hồng Thái, 33 tuổi, Trưởng nhóm AI (trí tuệ nhân tạo) đã có 10 năm làm việc tại Samsung Việt Nam. Trước, là ở Trung tâm R&D điện thoại di động Samsung Việt Nam (Samsung Vietnam Mobile R&D Center – SVMC), đặt tại tòa nhà PVI Tower, và giờ là tại Trung tâm Samsung R&D (SRV), đặt tại Khu đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Từ khi SRV được khánh thành và đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2022, Thái được chuyển về “nhà” mới.
Nguyễn Ngọc Hùng, 36 tuổi, Trưởng bộ phận Kiểm thử của SRV cũng vậy. Hùng có nhân duyên với Samsung ngay từ khi còn là sinh viên Trường đại học Bách khoa Hà Nội, nhận được học bổng của Samsung, vào Samsung làm việc và cho tới nay, đã được hơn 12 năm.
Hơn chục năm gắn bó với Samsung, cả hai đã tham gia nhiều dự án R&D lớn, nhỏ khác nhau, có dự án quy mô Việt Nam, nhưng cũng có dự án quy mô khu vực và toàn cầu. Thái từng tham gia phát triển ứng dụng SmartThings, một dự án có quy mô toàn cầu. Nói một cách đơn giản, với ứng dụng SmartThings, người dùng có thể giám sát và điều khiển các thiết bị gia dụng thông minh ngay từ điện thoại hoặc tivi Samsung. Còn Hùng, mới năm ngoái thôi, đã được tham gia phần kiểm thử các mẫu điện thoại flagship của Samsung, như Galaxy S23, Fold 5, Z-Flip 5…
– Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam
Vui vô cùng khi được tham gia các dự án đó, nhưng cả Hùng và Thái đều nói rằng, họ chưa bao giờ cảm thấy hạnh phúc và tự hào đến vậy khi được tham gia dự án AI dành cho dòng điện thoại Galaxy S24, vừa ra mắt thị trường toàn cầu hồi tháng 1/2024. “Tại sự kiện Unpacked Galaxy S24 series, khi nghe giới thiệu rằng, tiếng Việt là một trong 13 ngôn ngữ được hỗ trợ trên dòng điện thoại này, tôi vô cùng tự hào”, Thái nói.
Lướt tay trên chiếc Galaxy S24 Ultra mới coóng, được trưng bày ngay tại sảnh của SRV vào thời điểm dòng flagship này còn chưa chính thức được “lên kệ” ở thị trường Việt Nam, Hùng “trình diễn” một loạt tính năng AI nổi bật mà ngay sau khi ra mắt đã gây ấn tượng rất lớn đối với giới chuyên gia và người sành công nghệ. Chẳng hạn, khoanh vùng tìm kiếm đa năng, trợ lý Note quyền năng, trợ lý chỉnh ảnh chuyên nghiệp, camera mắt thần bóng đêm và đặc biệt là các tính năng phiên dịch trực tiếp, trợ lý phiên dịch, trợ lý chat thông minh.
Ví dụ, với tính năng phiên dịch trực tiếp (live translate), không cần mở bất cứ ứng dụng bên thứ ba nào, AI trên thiết bị (on-device AI) có khả năng dịch văn bản và giọng nói hai chiều từ cuộc gọi gần như ngay tức thì, cho cả người gọi và người nghe, giúp xóa nhòa mọi khoảng cách về ngôn ngữ.
“Các ứng dụng này sẽ hỗ trợ rất lớn cho người dùng Việt Nam, bởi trong 13 ngôn ngữ được hỗ trợ đầu tiên, có tiếng Việt”, Hùng nói và tự hào cho biết, “team” (nhóm) của Hùng được giao kiểm thử cả 7 tính năng AI của dòng Galaxy S24. Còn “team” của Thái, phụ trách phần nghiên cứu và phát triển tính năng liên quan đến ngôn ngữ Việt.
“Chưa bao giờ chúng tôi được giao một dự án lớn như thế, lại trong thời gian ngắn, áp lực rất lớn, nhưng khi hoàn thành thì hạnh phúc vô cùng”, Thái tiếp lời.
Nhiệm vụ đầy thách thức. Để các tính năng tuyệt vời đó đến được với người dùng, các kỹ sư Việt Nam trong “team” phát triển ứng dụng của Thái và “team” kiểm thử của Hùng đã nỗ lực vô cùng. Họ sang Ấn Độ, sang Trung Quốc, Hàn Quốc để hợp tác nghiên cứu, rồi thâu đêm suốt sáng nghiên cứu, để test, để kiểm thử, lỗi lại sửa, để có thể cho ra “bản final” tốt nhất.
“Sẽ có những phản hồi từ người dùng, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu, kiểm thử để làm sao cho ra được phiên bản tốt nhất”, Hùng nói và cười nhẹ khi thấy tôi trong cuộc trò chuyện với họ vẫn dùng laptop để “note” lại các thông tin chính và dùng điện thoại để ghi âm. Nhẽ ra, tất cả những phần việc đó, bao gồm cả chuyển từ file ghi âm thành “text”, đều có thể dễ dàng được thực hiện với chiếc điện thoại Galaxy S24, thông qua sự hỗ trợ kỳ diệu của AI. Quan trọng hơn, làm nên điều kỳ diệu đó, có bàn tay và khối óc của các kỹ sư Việt Nam.
Từ cứ điểm sản xuất đến cứ điểm chiến lược về R&D
Hơn 2.000 nhân viên của SRV đã chuyển về “nhà mới”, bề thế, hiện đại bậc nhất, với vốn đầu tư lên tới 220 triệu USD, ở Khu đô thị Tây Hồ Tây được hơn 1 năm. Thời điểm khánh thành tòa nhà trung tâm R&D đầu tiên mà Samsung xây dựng ở nước ngoài, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Electronics Roh Tae-Moon đã nói rằng, Samsung sẽ nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng lĩnh vực R&D để nơi đây không chỉ trở thành trung tâm R&D hàng đầu khu vực Đông Nam Á, mà còn là trung tâm R&D số 1 toàn cầu.
Các kỹ sư Việt Nam đang làm việc tại Trung tâm Samsung R&D Việt Nam |
“Chúng tôi cũng sẽ nâng cao năng lực chuyên môn của Trung tâm R&D Samsung Việt Nam qua việc tập trung nghiên cứu chuyên sâu những công nghệ cốt lõi của điện thoại di động, như lĩnh vực đa phương tiện và bảo mật”, ông Roh Tae-Moon nói. Ông cho biết, Samsung sẽ tăng cường lực lượng nghiên cứu của Trung tâm R&D để các sản phẩm và dịch vụ được phát triển tại Việt Nam có thể được đưa đến với người tiêu dùng trên toàn cầu, chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động phát triển tập trung vào khu vực Đông Nam Á như hiện nay.
Đặt câu hỏi với Hùng, với Thái, rằng SRV đã thực sự chuyển giao công nghệ và đang từng bước đưa SRV trở thành trung tâm R&D toàn cầu hay chưa, thì câu trả lời là “có”. Hiện tại, Samsung toàn cầu đã dần chuyển giao những công nghệ mới nhất, hiện đại nhất cho SRV. Tất nhiên, chuyển đến đâu còn phụ thuộc năng lực của các kỹ sư Việt Nam, liệu có thể tiếp nhận những công nghệ tiên tiến nhất không.
“Tôi nghĩ rằng, chúng tôi có thể, chúng tôi đã sẵn sàng”, Thái nói và cho biết, dự án AI là một ví dụ. Hiện tại, dù SRV chưa được đóng vai trò “leader”, nhưng tới đây, các kỹ sư Việt Nam sẽ đảm nhiệm toàn bộ phần phát triển tính năng AI liên quan đến tiếng Việt.
Trong khi đó, mảng kiểm thử của Hùng, trong tương lai, không chỉ hỗ trợ cho Thái Lan, mà còn cho cả Australia và Indonesia.
“Từ khi được chuyển về đây, trên ngôi nhà của chính mình, chúng tôi đã được thực hiện các dự án lớn, càng ngày càng tiên tiến, hiện đại hơn, mà trước đây chưa bao giờ được làm. Tôi nghĩ, Samsung sẽ không bao giờ thất hứa với Chính phủ và người tiêu dùng Việt Nam”, Hùng nói.
Đã hơn 1 năm kể từ khi SRV có đại bản doanh mới. Kể từ đó, SRV đã nhận chuyển giao và phụ trách về phát triển phần mềm cho toàn bộ sản phẩm điện thoại của Samsung cho các vùng châu Âu, Cộng đồng Các quốc gia độc lập, Đông Nam Á, cả các quốc gia Trung Đông và châu Phi, dù hiện tại vẫn ngoại trừ các dòng sản phẩm flagship.
Ngoài tham gia phát triển các tính năng trên Galaxy AI đầu tiên, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Quản lý dự án SRV cho biết, SRV còn đảm nhiệm nhiều dự án quan trọng khác.
“Lần đầu tiên, SRV chúng tôi cũng đã được phát triển toàn diện cho sản phẩm Note PC cấp cơ sở, từ cơ khí, phần cứng và phần mềm. Đây là nền tảng để phát triển thêm nhiều model Note PC sau này”, bà Nguyễn Thị Thu Hà nói.
Trưởng phòng Quản lý dự án SRV cho biết, SRV cũng đã bắt đầu nhận các dự án phát triển cho các sản phẩm Network, cũng như đã tiếp nhận chuyển giao 2 mảng hoạt động chiến lược từ Hàn Quốc, bao gồm tính năng đa phương tiện và tính năng bảo mật trên điện thoại của Samsung. Trước đây, các tính năng của 2 mảng này do trung tâm R&D khác làm, nhưng giờ, đã chuyển giao về cho nhân viên Samsung R&D Việt Nam phụ trách.
Samsung đúng là đã giữ đúng lời hứa với Chính phủ Việt Nam, và đang từng bước biến Việt Nam trở thành “cứ điểm” R&D toàn cầu.
Cùng phát triển để đi đến thế giới tốt đẹp
Tổng giám đốc Samsung Việt Nam Choi Joo Ho nhiều lần khẳng định, không chỉ là cứ điểm sản xuất, việc hoàn thành SRV đã thể hiện ý chí của Samsung trong quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là “cứ điểm sản xuất” để trở thành “cứ điểm chiến lược về R&D” của Samsung trên toàn cầu.
– Nhiều dự án lớn, quy mô toàn cầu đã được các kỹ sư Việt Nam triển khai thực hiện ở Trung tâm Samsung R&D Việt Nam |
“Sẽ có nhiều hoạt động R&D đáng chú ý được Samsung thực hiện tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu công nghệ tương lai như AI, mạng 5G…”, ông Choi Joo Ho đã nói thế và điều đó đang dần trở thành hiện thực.
Cùng với việc tiếp tục tăng tốc đầu tư vào Việt Nam, mà lũy kế cho đến nay, con số đã lên tới hơn 22 tỷ USD, Samsung tiếp tục đóng góp lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam. Năm 2023, mặc dù trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế toàn cầu, tổng doanh thu của Samsung Việt Nam vẫn đạt trên 64,3 tỷ USD, và đóng góp hơn 55,7 tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Và giờ đây, còn là những đóng góp to lớn cho hoạt động R&D, một hoạt động đầu tư mang tính thượng nguồn mà Việt Nam đã chờ đợi từ lâu.
Nhiều năm trước, khi nói về Samsung, người ta vẫn nhắc về hình ảnh những chàng trai, cô gái đã được đưa từ nông trại vào nhà máy, được làm quen với máy móc, công nghệ cao và khẳng định, đó là bước đi đầu tiên để Việt Nam tiến tới công nghiệp hóa. Nhưng giờ đây, là đưa các kỹ sư Việt Nam từ các trường đại học, các phòng nghiên cứu nhỏ bước vào những trung tâm R&D hiện đại bậc nhất toàn cầu. Một bước tiến lớn, mang lại cơ hội để Việt Nam có thể “nâng cấp” nền kinh tế.
Một câu chuyện vui là, ngay trước Tết Giáp Thìn, ông Choi Joo Ho đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Hữu Nghị. Xúc động nhận phần thưởng cao quý, ông Choi Joo Ho đã một lần nữa nhấn mạnh rằng, Samsung sẽ luôn đồng hành với Việt Nam để không chỉ là doanh nghiệp đầu tư nước ngoài xuất khẩu lớn nhất Việt Nam, mà còn trở thành doanh nghiệp nhận được tình cảm yêu mến của người dân Việt Nam.
“Samsung sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động tại Việt Nam trên nền tảng triết lý đồng hành của Chủ tịch Samsung: cùng nhau chia sẻ, cùng nhau phát triển chính là con đường dẫn đến thế giới tốt đẹp”, ông Choi Joo Ho nói.
Có lẽ, đó cũng chính là điều mà hàng triệu người Việt Nam mong đợi từ lâu!