Từ giáo viên một câu lạc bộ tiếng Anh ở Bắc Giang, Nguyễn Thị Tuyến, 27 tuổi, trúng tuyển làm trợ giảng 9 tháng tại Đại học Yale.
Đặt chân đến Đại học Yale, Mỹ, hồi tháng 9, cũng là lần đầu tiên Tuyến được đi nước ngoài. Với Tuyến, việc trở thành giáo viên trợ giảng môn tiếng Việt tại ngôi trường trong nhóm Ivy League (8 đại học tư thục tinh hoa ở Mỹ) là điều cô chưa từng nghĩ đến.
Tuyến từng là giáo viên tiếng Anh ở Hà Nội, trước khi trở về quê ở Bắc Giang, mở câu lạc bộ dạy tiếng Anh cho trẻ em. Nhưng ít ai biết thời phổ thông, Tuyến không hứng thú với môn học này.
Một lần bị cô giáo mắng trước lớp vì học kém, Tuyến xấu hổ nên tự nhủ phải học thật tốt môn này. Cô học ngày đêm để ôn thi vào lớp chuyên Anh, trường THPT chuyên Bắc Giang.
Hàng ngày, cô chăm chỉ học ngữ pháp, từ vựng và luyện đề. Trong một lần bắt gặp vị khách du lịch nước ngoài đến xã, bố Tuyến động viên con gái thử bắt chuyện. Dù cố gắng diễn tả bằng vốn tiếng Anh và ngôn ngữ hình thể, hai người không thể nói chuyện quá ba phút vì vị khách không hiểu Tuyến nói gì.
“Buổi hôm ấy như một cú hích để mình cố gắng ôn thi vào ngành Ngôn ngữ Anh, trường Đại học Hà Nội”, Tuyến nhớ lại. Suốt những năm phổ thông, hầu như ngày nào Tuyến cũng học bài tới 12h, có ngày dậy từ ba giờ sáng để học. Nhưng ngày đó, Tuyến không nghĩ sẽ trở thành giáo viên.
Ngày học ở Đại học Hà Nội, Tuyến làm trợ giảng cho câu lạc bộ tiếng Anh của một giảng viên. Đây cũng là người có ảnh hưởng lớn trong hành trình sau này của Tuyến. Được truyền cảm hứng khi quan sát cách cô giáo dạy, trò chuyện với học sinh, nữ sinh năm thứ ba bắt đầu nghĩ đến việc bước chân vào nghề giáo. Sau đó, Tuyến đi dạy ở một số trung tâm tiếng Anh cho trẻ và dạy IELTS. Hành trình suôn sẻ cho đến ngày Tuyến nhận được thư nhận xét từ giám đốc học thuật của trung tâm.
“Mình bị nhận xét năng lực giảng dạy không tốt. Câu nói trời giáng ấy khiến mình rất thất vọng và quyết tâm chứng tỏ rằng mình làm được”, cô nhớ lại.
Tuyến lấy hết tiền tiết kiệm để đăng ký một khóa học TESOL (chứng chỉ quốc tế về giảng dạy tiếng Anh) trong 6 tháng ở trường Đại học Hà Nội. Khóa học giúp Tuyến thay đổi tư duy thiết kế bài dạy. Cô sau đó nhận được nhiều phản hồi tích cực từ học viên, cũng như trung tâm.
Nhưng đó cũng là lúc quan điểm về giáo dục của cô thay đổi. Từ những người thầy, các nghiên cứu về giáo dục và cả học sinh, cô nhận ra giáo dục không phải để ôn thi hay chạy theo điểm số trước mắt, mà phải giúp người học phát huy tiềm năng của bản thân. Việc dạy tiếng Anh nên là “teach in English”, tức dùng tiếng Anh làm công cụ để học sinh khám phá những kiến thức ở lĩnh vực khác.
Tuyến nghỉ dạy ở trung tâm, ứng tuyển và được nhận vào một trường quốc tế ở Hà Nội. Ngôi trường này có triết lý giáo dục học thông qua làm (learning by doing). Chẳng hạn thay vì ngồi trong lớp nghe thầy cô giảng và chép bài môn Sinh, các em được lên vườn tự trồng cây và thu hoạch, từ đó rút ra bài học. Học sinh cũng không phải học thuộc lòng các phân tích trong Truyện Kiều mà được học bói Kiều, lẩy Kiều. Trong giờ tiếng Anh, học sinh đọc thơ, truyện, xem phim và thảo luận về từng chủ đề.
“Mình thốt lên rằng học thế này mới là học chứ. Nhưng những điều tuyệt vời ấy cũng khiến mình tự hỏi bao giờ những đứa trẻ ở quê hương Bắc Giang mới được như thế”, Tuyến chia sẻ.
Tuyến nhiều đêm suy nghĩ. Cô phân vân giữa cơ hội phát triển nếu ở lại Hà Nội hay về Bắc Giang để chia sẻ những kiến thức, phương pháp giáo dục hay ho cho những đứa trẻ quê nhà. Nghĩ đến những đứa trẻ chật vật với môn tiếng Anh vì không có phương pháp học đúng – như mình ngày xưa, Tuyến quyết định quay về.
Hè năm 2021, Tuyến về quê ở làng Giang Tân, Bắc Giang, và mở một câu lạc bộ tiếng Anh nhỏ. Tại đây, các em nhỏ được học tiếng Anh thông qua làm thí nghiệm, thủ công, quan sát tự nhiên hay đọc sách. Cô cũng làm một thư viện nhỏ để học sinh có thêm cảm hứng và yêu thích môn tiếng Anh hơn.
Được hơn một năm, Tuyến biết đến chương trình Fulbright trợ giảng tiếng Việt tại Mỹ nên nộp hồ sơ thử sức. Cô sau đó viết bốn bài luận và trải qua vòng phỏng vấn. Biết tiêu chí của chương trình là tìm kiếm đại sứ văn hóa, người truyền tải ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam đến học sinh, sinh viên Mỹ, Tuyến kể lại hành trình trở thành giáo viên tiếng Anh của mình. Theo Tuyến, đây có thể là điều thuyết phục được ban tuyển sinh.
Khi xếp nguyện vọng về nơi giảng dạy, Tuyến đặt Đại học Yale ở đầu tiên, cùng lời nhắn rất tha thiết muốn tới nơi này.
“Không ngờ mình lại được tới Yale thật. Mình từng ước được đến Mỹ để học cao học nhưng chưa bao giờ nghĩ sẽ đến học và dạy ở một ngôi trường nổi tiếng như vậy”, cô chia sẻ.
Công việc trợ giảng của Tuyến bắt đầu vào tháng 9, bao gồm hỗ trợ giáo sư soạn bài, chấm bài cho sinh viên, trao đổi và kèm thêm cho sinh viên nếu được yêu cầu. Mỗi tuần, Tuyến cũng có hai tiết được đứng lớp trực tiếp. Để sinh viên hiểu hơn về văn hóa, con người Việt Nam, Tuyến mời bạn bè là người Việt ở Mỹ đến giao lưu. Mỗi tháng, cô còn tổ chức một buổi nấu món Việt với các sinh viên của mình.
“Mình đã làm nem, bún chả và miến xào. Các bạn đều vui và khen ngon”, Tuyến kể, cho hay tháng này sẽ làm một mâm cỗ với các món phổ biến vào dịp lễ ở Việt Nam.
Theo Tuyến, việc khó nhất là soạn bài giảng vì đây là lần đầu tiên cô dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Tuyến phải hệ thống lại kiến thức, sắp xếp thứ tự để sinh viên dễ tiếp thu. Sinh viên có người nói tiếng Việt rất tốt nhưng cũng có bạn chưa tiếp xúc với tiếng Việt bao giờ. Vì thế, cô giáo trẻ phải thiết kế bài học phù hợp với trình độ của tất cả sinh viên trong lớp.
Học kỳ này, Tuyến làm trợ giảng ba lớp tiếng Việt, bắt đầu lúc 9h30 sáng, nhưng cô thường đến lớp sớm 30 phút để chuẩn bị. Song song đó, Tuyến được đăng ký học 1-3 môn mỗi kỳ tại Đại học Yale. Cô đăng ký lớp Ngôn ngữ học và lớp luyện nói (Speaking fluently), học vào các buổi chiều.
“Sinh viên ở Đại học Yale đều là tinh hoa nên mình áp lực, nhưng đó cũng là động lực để làm tốt hơn”, Tuyến nói, cho biết công việc hiện tại giúp cô trau dồi kỹ năng sư phạm, xây dựng mối quan hệ với các giáo sư và trải nghiệm văn hóa, mở rộng góc nhìn với thế giới xung quanh.
Đồng hành với Tuyến nhiều năm, cô Nguyễn Thanh Thúy, giảng viên khoa tiếng Anh, trường Đại học Hà Nội, nói Tuyến là người chủ động, luôn quan sát chi tiết và xử lý chu đáo, từ chuyện nhỏ như sắp xếp giá sách đến việc liên lạc, trao đổi với phụ huynh.
“Tuyến không phải là người xuất sắc ngay từ đầu nhưng nhờ sự cầu thị và bền bỉ mà em vươn lên, trở thành một người giỏi và nổi bật”, cô Thúy nhận xét.
Tuyến định xin học bổng thạc sĩ về giảng dạy ở Anh, Mỹ hoặc Phần Lan trong năm tới. Cô đang cùng cộng sự chuẩn bị một dự án hỗ trợ phát triển chuyên môn cho những giáo viên còn khó khăn về giảng dạy, dự kiến ra mắt đầu năm 2024. Ngoài ra, Tuyến có kế hoạch tổ chức trại hè để kết nối sinh viên Yale với học sinh ở quê, được Đại học Yale tài trợ.
Điều Tuyến đau đáu là câu lạc bộ tiếng Anh cho học trò ở quê vẫn chưa có người tiếp nối.
“Mình đang ráo riết tìm giáo viên hợp tác, không để việc học của các em đứt đoạn quá lâu”, Tuyến nói.
Vnexpress.net