(ĐS 21/6) – Năm 1927, Huỳnh Thúc Kháng và các “đồng nhân” của ông quyết mở một tờ báo Quốc ngữ ở miền Trung. Vì theo ông “trăm vạn quân không bằng một tờ báo”. Trong “Huỳnh Thúc Kháng niên phổ & Thơ trả lời Kỳ ngoại hầu Cường Để” (NXB Văn Hóa Thông Tin năm 2000) ông cho biết: “Có một việc đáng thuật: Sào Nam tiên sinh cùng đồng nhân tổ chức một chính đảng đồng thời mở một tờ báo. Đa số tán thành, lại chủ vọng vào một vài vị danh nhân tiên thời ra gánh lấy. Nhưng theo sở kiến của tôi, một tờ báo ở Trung Kỳ là cần hơn còn vấn đề chính đảng là việc phụ…” (trang 62).
Vì vậy: “Bảo Đại nguyên niên (Bính Dần – 1926)… Ngày khai mạc nghị trường, tôi lại bị các đại biểu cử làm Nghị trưởng. Sau lần khai mạc thứ nhất của Hội đồng, tôi cùng đồng nhân trù hoạch xin mở một tờ báo, vì xưa nay ở Trung Kỳ chưa có tờ báo nào” (trang 61, 62).
Ngày 8/10/1926, ông gửi đơn xin ra báo, trụ sở đặt tại Đà Nẵng. Ngày 12/2/1927, Toàn quyền Đông Dương Pasquier mới ký quyết định cho phép báo được ra đời nhưng với những quy định khắt khe và phải dời trụ sở ra Huế.
Chủ ý của bài viết này không bàn đến những “đặc điểm” và tình hình hoạt động của tờ báo, chỉ xin mượn chuyện đặt tên cho tờ báo ngày ấy để nghĩ về một hiện tượng xã hội của một trăm năm sau.
Nhiều tài liệu cho rằng, tờ báo ban đầu được dự định đặt tên là “Trung Thanh” vừa có ý nghĩa là tiếng nói ngay thẳng, vừa hàm nghĩa là tiếng nói của miền Trung. Rồi có người đề nghị lấy tên “Dân Thanh” là tiếng nói của người dân. Cụ Huỳnh đến hỏi ý kiến cụ Phan Bội Châu, cụ Phan nói “Đã báo Quốc ngữ thì để tên Tiếng Dân không rõ ràng hơn sao”.
Thế là hai nhà Nho thuộc loại gạo cội đã nhất trí lấy một tên thuần Việt để đặt cho tờ báo: Tiếng Dân. Từ ngày 10/8/1927 tờ báo xuất hiện trước dân chúng với chữ “Tiếng Dân” được in to, đậm nét bên trên; bên dưới thêm câu tiếng Pháp in nhỏ “La Voix du Peuple”. Chỉ cần nhìn vào tên của tờ báo, người đọc sẽ dễ dàng thấy được mục đích của nó cũng như tư cách của người chủ trương.
Từ việc đặt tên cho thấy những người chủ trương tờ báo có tinh thần “duy tân, đổi mới” triệt để. Họ đã không bị “nô lệ” mà đã đoạn tuyệt với nền văn hóa cũ mà họ được “tắm gội” để góp phần làm “trong sáng cho tiếng Việt”.
Nên nhớ thời đó trên cả nước Hán học tuy không còn phát đạt nhưng chữ Quốc ngữ chưa thịnh hành. Phần lớn tên của các tờ báo đều là những từ Hán – Việt như Nữ giới chung (Tiếng chuông của nữ giới), Phụ nữ tân văn, Nông Cổ mín đàm (Vừa uống trà vừa bàn chuyện làm nông và đi buôn), Hữu Thanh, Nam Phong, Thanh Nghị, Tri Tân…
Trước đây do bị đô hộ của các chế độ phong kiến Trung Quốc cha ông ta đã không có sự chọn lựa nào khác nên phải dùng chữ Hán trong văn bản chữ nghĩa và dùng tiếng Việt trao đổi giao tiếp hàng ngày.
Do đó, các văn bản cổ của người Việt đều viết bằng chữ Hán, theo ngữ pháp văn phong cổ. Vì vậy các văn bản, đền chùa miếu mạo, nhà thờ tộc họ, bia ký, hoành phi câu đối, liễn trướng thờ phụng …, văn chương chữ Hán theo ngữ pháp văn phong cổ được sử dụng phổ biến.
Với tinh thần tự chủ, cha ông ta đã tìm cách thoát khỏi tình trạng này với việc sáng chế ra chữ Nôm. Chữ Nôm thực tế là chữ Hán được cải biến, mượn âm đọc hoặc nghĩa chữ để tạo các từ tiếng Việt, đọc nghĩa tiếng Việt. Cho nên, khi một người nói, viết chữ Nôm, tức là người đó viết chữ Hán nhưng đã được chế tác lại thành ghi âm đọc tiếng Việt, chỉ có người Việt đọc nghe mới hiểu.
Ngày nay, mặc dù chữ Hán chỉ còn là phương tiện để nghiên cứu văn hóa cổ nhưng còn rất nhiều người “hoài cổ” lấy cớ “bảo lưu văn hóa truyền thống” nên “sính” dùng chữ Hán với ngữ pháp theo văn phong cổ của tiếng Hán (tôi không nói từ Hán – Việt). Điều này có thể thấy rõ nhất trong việc xây dựng nhà thờ, đền miếu, mồ mả…
Hiện nay có mấy người đọc được chữ Hán thế mà trên văn bia, biển tên của nhiều nhà thờ tộc, đền miếu… viết bằng chữ Hán với văn phạm cổ. Thay vì viết chữ Quốc ngữ: Nhà thờ tộc Nguyễn (Lê, Huỳnh, Trần…) hoặc Từ đường tộc Nguyễn (Lê, Huỳnh, Trần …) lại được viết bằng chữ Hán: 阮(黎,黃, 陈 …) 祠堂 (Nguyễn (Lê, Huỳnh, Trần)… từ đường).
Có khi còn chua thêm ở dưới bằng một câu chữ Nôm cùng nghĩa. Với cách viết bằng chữ Hán và văn phạm cổ của nó thì hiện nay ít người đọc và hiểu được, nói gì đến sau này.
Trong viết và đọc văn cúng, người Việt từ xưa tới nay giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt, thế mà khi cúng kiến người ta lại khấn bằng chữ Hán với văn phong ngữ pháp cổ, đến bây giờ vẫn áp dụng. Xin đơn cử một đoạn trong bài văn cúng giỗ: “Việt Nam quốc, Quảng Nam tỉnh, … huyện, … xã, … thôn, … xứ. Tuế thứ niên… nguyệt… nhật… Kim vì nội tôn…., thất trung… hiệp toàn gia nam nữ đại tiểu đẳng, thành tâm cẩn dụng lễ vật hương đăng, phù lang tửu, thanh chước, hoa quả phẩm, tư thành thứ phẩm chi nghi… Trí tế vu…”. Đọc/nghe bài văn cúng này, còn cháu có mấy ai hiểu nghĩa câu, từ?
Nhắc lại chuyện đặt tên tờ báo ngày ấy để nghĩ về một hiện tượng xã hội ngày nay với mong muốn có sự ứng xử phù hợp với cái gọi là “bảo tồn các giá trị truyền thống”!