Thời gian vừa qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, ngày càng quyết liệt, đồng bộ, đạt được nhiều kết quả toàn diện cả ở Trung ương và địa phương.
Một trong những thông tin đáng chú ý là Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật 19 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Trong đó, lần đầu tiên 6 cán bộ bị xử lý kỷ luật do vi phạm trong kê khai tài sản, thu nhập.
Kê khai tài sản đã “ngấm” vào cả hệ thống
Kê khai tài sản, thu nhập chính là một trong những biện pháp hết sức quan trọng nhằm góp phần phát hiện tham nhũng cũng như bảo đảm hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng. Đây là một biện pháp mà chúng ta đã phải hết sức kiên quyết, kiên trì trong nhiều năm qua.
Vấn đề kê khai và kiểm soát tài sản, thu nhập lần đầu tiên được đề cập trong Nghị quyết số 14 ngày 15/5/1996 của Bộ Chính trị. Cụ thể, Bộ Chính trị yêu cầu “triển khai việc thực hiện kê khai thu nhập và nhà đất của cán bộ, công chức, trước nhất là đối với các đối tượng: Cán bộ, công chức lãnh đạo từ cấp huyện trở lên đến cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước”.
Chủ trương đó đã được thực hiện kiên trì và nhất quán gần 30 năm nay, thể hiện trong nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng, trong việc thể chế hóa thành quy định tại Pháp lệnh Chống tham nhũng 1998 đến Luật Phòng chống tham nhũng 2005 và 2018. Đó không hề là một công việc dễ dàng mà đòi hỏi sự kiên định, kiên trì để thay đổi từng bước về nhận thức, ý thức, về phương pháp và cách làm.
Nghị quyết số 04 ngày 20/8/2006 của Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 10 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí cũng chỉ rõ:
“Trong Đảng, xây dựng và thực hiện cơ chế đảng viên là cán bộ, công chức thuộc diện kê khai tài sản theo quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, phải công khai trong chi bộ bản kê khai, là cấp ủy viên thì còn phải công khai trong cấp ủy; phải giải trình nguồn gốc tài sản của mình theo yêu cầu của tổ chức đảng có thẩm quyền; trường hợp không giải trình được một cách minh bạch, hợp lý thì bị xem xét kỷ luật về Đảng, chính quyền, đoàn thể. Tiến tới tất cả đảng viên là cán bộ, công chức đều phải kê khai tài sản thu nhập, công bố trong chi bộ, cấp ủy và giải trình nguồn gốc tài sản thu nhập khi có yêu cầu“.
Có thể nhận thấy rằng kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ đảng viên, nhất là những người có chức vụ, quyền hạn trong hệ thống chính trị luôn là vấn đề khó khăn, phức tạp nhất vì liên quan trực tiếp đến lợi ích của mỗi cá nhân.
Cho nên, sự tranh luận, thậm chí phản ứng là điều đương nhiên và không phải không có một thời kỳ dài, kê khai tài sản bị nhìn nhận là một biện pháp còn mang nặng tính hình thức và không hiệu quả.
Tuy nhiên từng bước, từng bước một, tinh thần của các nghị quyết, quy định của pháp luật đã “ngấm” vào cả hệ thống, ngày càng trở nên có hiệu quả, được người dân hết sức quan tâm, ủng hộ. Kê khai tài sản đã trở thành công việc bình thường đối với cán bộ, đảng viên.
Trước hết, sự trung thực của việc kê khai tài sản phụ thuộc vào ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên. Mỗi lần đặt bút lên bản kê khai là một lần người cán bộ, đảng viên tự vấn lòng mình, là một lần tự soi, tự sửa để tự kiểm soát và phòng ngừa từ sớm, từ xa.
Từ chỗ tuyên truyền, phổ biến quán triệt để thống nhất về nhận thức đến việc kiên trì triển khai thực hiện rộng khắp, kê khai, kiểm soát tài sản, thu nhập dần trở thành nền nếp, thói quen đối với cán bộ, đảng viên.
Thậm chí, đã có nơi, có đồng chí lãnh đạo tự nguyện xin được xác minh tài sản thu nhập để thể hiện tính tự giác và trong sáng của mình trước Đảng và nhân dân. Mặt khác, việc xác minh nhằm truy tìm những kẻ cố tình vi phạm, dối trá để xử lý nghiêm minh đã và đang được tăng cường.
Lời cảnh tỉnh cho những ai còn có ý đồ giấu giếm, vi phạm
Việc hàng loạt cán bộ bị xử lý vì vi phạm trong kê khai tài sản thời gian qua là lời cảnh tỉnh cho những ai còn có ý đồ giấu giếm, vi phạm. Việc xử lý sẽ không chỉ dừng lại ở các hình thức kỷ luật nghiêm khắc mà sẽ tiến tới cả việc xử lý những tài sản không có nguồn gốc minh bạch; không chỉ dừng lại ở những cán bộ, đảng viên đương chức mà còn cả những người đã nghỉ hưu.
Vụ việc cựu giám đốc công an TP Hải Phòng Đỗ Hữu Ca có thể sẽ không chỉ dừng lại ở hành vi lừa đảo “chạy án” mà còn tiếp tục ở cả việc “giải mã” để xử lý khối tài sản khổng lồ mà cơ quan tố tụng phát hiện được trong quá trình điều tra vụ án.
Cơ quan điều tra đã tạm giữ nhiều đồ vật, tài sản là tiền Việt Nam đồng, tiền ngoại tệ, các trang sức, kim loại màu vàng, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mang tên ông Đỗ Hữu Ca cùng vợ là Vũ Thị Lộc và các cá nhân khác; sổ tiết kiệm mang tên Vũ Thị Lộc và các cá nhân khác.
Số tài sản này được bị cáo lý giải là “tiết kiệm từ lương trong quá trình công tác trong lực lượng công an, bố mẹ để lại, quà lễ, Tết của các đơn vị và từ việc kinh doanh dự án, bất động sản của cá nhân ông Ca và của bà Lộc”.
“Đấu tranh chống tham nhũng là nhiệm vụ lâu dài phải tiến hành kiên quyết, kiên trì và thận trọng; không được đơn giản, nóng vội, đồng thời phải khẩn trương, tích cực; chú trọng hiệu quả có kế hoạch cụ thể, bước đi thích hợp” – trích từ Nghị quyết số 14/1996 của Trung ương khóa 8.
Gần 30 năm qua, chúng ta đã nói, đã làm, đã có hiệu quả và sẽ còn làm mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.