Tự chủ được ví như cởi trói cho giáo dục đại học (ĐH) nhưng thực tế chỉ tháo gỡ được những điểm nghẽn trong Luật Giáo dục và Luật Giáo dục ĐH. Còn những vấn đề như nhân lực, tài chính, hợp tác quốc tế (những nội dung không nằm trong sự điều tiết của Bộ GD&ĐT), vẫn trong “vòng kim cô”.
Có thể giảm cơ hội học tập của sinh viên nghèo
Đại diện Ban giám hiệu Trường ĐH Hà Nội chia sẻ, khó khăn đầu tiên đối với trường khi thực hiện tự chủ cho đến hôm nay là nhân lực chất lượng cao (GS, PGS, đội ngũ tiến sĩ). Hiện tượng chảy máu chất xám do cạnh tranh giữa các trường ĐH tư thục và công lập, trong và ngoài nước ngày càng tăng khiến các trường ĐH công lập mất đi một số lượng cán bộ, giảng viên, chuyên viên được đào tạo bài bản, có kinh nghiệm, năng lực công tác.
Dù tự chủ nhưng các trường vẫn phải theo quy định trả lương theo ngạch, bậc (Luật Viên chức, Công chức) nên có nhiều điểm bất cập, gây khó khăn cho việc tuyển dụng, động viên được người lao động cống hiến hết mình. Trường không được tự chủ trong việc trả lương cho cán bộ nhân viên.
Luật Viên chức có một số quy định chưa thuận lợi cho việc tuyển dụng, bổ nhiệm các cá nhân có năng lực, đang làm việc ở môi trường ngoài công lập và muốn chuyển sang làm việc tại trường ĐH công lập. Việc cho thôi việc một số viên chức không còn đủ năng lực công tác cũng khá phức tạp.
“Chúng tôi mong muốn có một nghị định riêng cho các trường ĐH tự chủ, trong đó có các điều khoản cho phép các trường ĐH tự chủ toàn bộ kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên phát huy được tối đa năng lực và sáng kiến, gỡ bỏ một số rào cản về thủ tục”.
Đại diện Ban Giám hiệu Trường ĐH Hà Nội
“Bộ luật Lao động năm 2019 và Nghị quyết số 17 năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có những ràng buộc về số giờ làm thêm, không được vượt quá 300 giờ/năm, là một khó khăn cho các đơn vị trực thuộc Trường ĐH Hà Nội, vốn có ít giảng viên và khó tuyển dụng nhân sự”, đại diện Ban giám hiệu Trường ĐH Hà Nội chia sẻ.
Khó khăn thứ 2 là về tài chính. Các trường ĐH tự chủ không được cấp kinh phí chi đầu tư và chi thường xuyên, vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Do đó, nhà trường chỉ đủ kinh phí để sửa chữa vừa và nhỏ theo dạng duy tu, bảo dưỡng các công trình; mua sắm vừa đủ trang thiết bị phục vụ giảng dạy và một số hoạt động khác.
Học phí theo khung quy định tại Nghị định số 81 (năm 2021) của Chính phủ được kì vọng để tăng nguồn lực tài chính và lộ trình tính đủ chi phí theo cơ chế giá. Tuy nhiên, việc quyết định mức thu thực tế của trường phải đảm bảo phù hợp điều kiện tài chính của người học và cạnh tranh, thu hút được người học; đảm bảo hài hòa, hợp lí về mục tiêu tài chính và các mục tiêu khác. Tăng học phí cao để có thêm tiền đầu tư xây dựng cơ bản, tăng thu nhập cho cán bộ, giảng viên có thể làm giảm cơ hội học tập ĐH của các sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Thủ tục kéo dài, phức tạp
Một khó khăn nữa với trường, chính là về hợp tác quốc tế. Trường ĐH Hà Nội có thế mạnh lớn khi có 54 chương trình đào tạo giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. Nhưng có một số văn bản chưa thực sự thuận lợi cho các hoạt động này vì thủ tục hành chính thường phức tạp, kéo dài và liên quan tới nhiều bộ ngành, đơn vị. Ví dụ, trường ĐH muốn tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế sẽ cần xin phép bộ chủ quản, sau đó là sở Ngoại vụ tỉnh, thành phố (Nghị quyết 06 năm 2020 của Chính phủ quy định). Với một đơn vị có nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế như trường ĐH, đây là một thủ tục hành chính khá mất thời gian, chưa khẳng định được sự tự chủ học thuật và trách nhiệm giải trình của các trường.
Thủ tục tiếp nhận viện trợ, tài trợ của các trường ĐH cũng cần có sự tham gia của bộ chủ quản, Bộ Tài chính và một số bộ ngành liên quan khác; thời gian phê duyệt khoảng 3-4 tháng. Sau khi được cho phép tiếp nhận viện trợ, cần làm thêm thủ tục ghi vốn và thực hiện các thủ tục quản lí tài chính như với ngân sách Nhà nước. Quy trình ghi vốn này cần có sự tham gia của bộ chủ quản, Bộ Tài chính và cần thêm khoảng 3 – 4 tháng nữa.
“Như vậy, với các dự án tài trợ của nước ngoài chỉ có 1-2 năm thực hiện, thời gian làm thủ tục đã chiếm 6-8 tháng. Nếu làm chung dự án với các trường ĐH nước ngoài thì các trường ở Việt Nam sẽ bị chậm tiến độ và bị giảm uy tín đối với nhà tài trợ”, đại diện Ban giám hiệu Trường ĐH Hà Nội cho hay.
Một vướng mắc khác, Nghị định số 80/2020/NĐ-CP không quy định phân quyền quản lí cho các trường tự chủ với các mức viện trợ khác nhau nên dù nhận được 5.000 USD hay 1 triệu USD, thủ tục đều tiến hành như nhau, khiến một số trường có thể bỏ không xin các khoản tài trợ mà trường cho là nhỏ (khoảng 20.000 USD). Trong khi đó, những dự án như thế này có khá nhiều cho các trường của Việt Nam; hỗ trợ hiệu quả cho các dự án có quy mô vừa phải liên quan đến cải tiến phương pháp dạy học, tăng cường khả năng tìm kiếm việc cho sinh viên, khởi nghiệp…
Lãnh đạo một trường ĐH khác tại Hà Nội bày tỏ sự bức xúc khi tự chủ ĐH hiện vẫn còn rất “bí”. Ông lấy ví dụ về việc trường muốn thuê một đơn vị ngoài trường vào quản lí nhà giữ xe cho sinh viên cho chuyên nghiệp (sau khi đấu thầu) với mức giá vé giữ xe theo quy định của TP Hà Nội. Do là tài sản công, lại phối hợp với một đơn vị ngoài trường nên thành câu chuyện kinh doanh. Trường muốn triển khai phải xin phép bộ, cơ quan chủ quản. “Từ ví dụ nhỏ này để thấy tự chủ nhưng việc gì cũng phải xin phép cơ quan có thẩm quyền”, vị lãnh đạo nói và cho rằng, doanh nghiệp ngoài trường góp vốn đầu tư phòng lab, phòng thí nghiệm trong trường ĐH đã được tự chủ rất khó khăn vì vướng cơ chế.
Cần sửa đồng bộ các luật liên quan
Theo ông Nguyễn Đình Hảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, khung pháp lí cho giáo dục ĐH tự chủ không chỉ nằm gọn trong Luật Giáo dục ĐH mà còn có sự điều chỉnh trực tiếp trong nhiều luật liên quan khác (như Luật Cán bộ công chức và viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách, Luật Quản lí tài sản công…), dẫn đến chồng chéo, vướng mắc cho các cơ sở giáo dục ĐH thực hiện tự chủ.
Việc có nhiều luật cùng tham gia quản lý đã làm ảnh hưởng đến quyền và khả năng tự chủ của các trường, nhất là lĩnh vực tài chính. Đơn cử, hoạt động liên doanh liên kết, sử dụng cơ sở vật chất cho thuê, mở rộng cung ứng dịch vụ công, quyết định học phí, quản lí và giữ quỹ thặng dư, vay mượn tiền, sở hữu nhà đất… Đây là những bất cập cần có giải pháp tháo gỡ kịp thời.
Trong bài viết “Tự chủ đại học ở Việt Nam hiện nay: Thực trạng và giải pháp”, TS Vũ Tiến Dũng, khoa Lí luận Chính trị, Trường ĐH Xây dựng Hà Nội cho rằng, cơ quan chức năng cần nhanh chóng ban hành hệ thống văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục ĐH. Để tránh chồng chéo, cần rà soát, điều chỉnh để đồng bộ hóa các quy định trong các bộ luật liên quan và chuyển từ cơ chế quản lí trực tiếp sang cơ chế điều tiết, hỗ trợ bằng công cụ vĩ mô và giám sát chất lượng.
Đi cùng với đó, cần xây dựng hành lang pháp lí để các trường ĐH có thể tự tin thực hiện xây dựng cơ chế tự chủ theo quy định và hướng dẫn của các văn bản pháp quy. Xây dựng lộ trình tự chủ của cả hệ thống giáo dục ĐH trong mối tương quan tương đối với hệ thống trên thế giới.
Ngoài ra, cần ban hành cơ chế ưu đãi cụ thể (ưu đãi có tính điều kiện) để khuyến khích các cơ sở giáo dục ĐH đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ chế tự chủ. Bổ sung, hoàn thiện các thiết chế liên quan để phân định hóa, hiện thực hóa vai trò của hội đồng trường trong các trường ĐH.
Đại diện Ban Giám hiệu Trường ĐH Hà Nội đề xuất cho phép các trường ĐH tự chủ được chủ động xây dựng đề án trả lương theo vị trí việc làm phù hợp với đặc thù hoạt động và điều kiện tài chính của nhà trường; đề án do Hội đồng trường phê duyệt.
Theo đại diện các trường, điều quan trọng nhất là các luật, nghị định, quy định liên quan đến tự chủ ĐH ở các bộ, ban ngành cần phải được sửa đồng bộ. Thực trạng chung hiện nay là tự chủ ĐH mới chỉ gỡ được phần tự do học thuật, tự chủ tuyển sinh.
Tự chủ như không tự chủ
Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện thí điểm tự chủ ĐH bắt đầu từ giai đoạn 2014-2017, với 4 trường ĐH công lập trực thuộc là Trường ĐH Kinh tế quốc dân (nay là ĐH Kinh tế Quốc dân), Trường ĐH Kinh tế TPHCM (nay là ĐH Kinh tế TPHCM), Trường ĐH Ngoại thương, Trường ĐH Hà Nội (trước là Trường ĐH Ngoại ngữ) theo Nghị quyết 77 của Chính phủ.
Ngoài Nghị quyết, Luật Giáo dục ĐH sửa đổi 2013, 2014, 2015 và 2018 đã quy định rất rõ về tự chủ ĐH. Đặc biệt, Nghị định 99 hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục ĐH 2018 gần như “cởi trói” hoàn toàn cho tự chủ ĐH. Nhưng những luật khác liên quan không điều chỉnh đồng bộ nên khi thực hiện, tự chủ như không tự chủ.
Tít cho Tòa soạn đặt
Nguồn: https://danviet.vn/giao-duc-dai-hoc-tu-chu-nhung-lam-gi-cung-phai-xin-phep-20241220100016659.htm