Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (Luật số 34), có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2019 với việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện tự chủ đại học là một chủ trương đúng đắn, đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần tạo nên diện mạo mới cho nhiều cơ sở Giáo dục đại học (GDĐH) thực hiện tự chủ trong thời gian qua.
Tuy nhiên, trước những thay đổi mạnh mẽ về kinh tế – xã hội của đất nước, yêu cầu hội nhập quốc tế, một số quy định của Luật GDĐH đã bộc lộ bất cập nhất định so với yêu cầu thực tiễn, cần sửa đổi, bổ sung, thay thế. PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội đã có những trao đổi về vấn đề này.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, thời gian qua, thực hiện Luật số 34 với quy định về tự chủ đại học, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực, như: tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu quả; số cán bộ giảng dạy tăng; giảm số lượng cán bộ hành chính; tăng 10% chương trình đào tạo bằng tiếng Anh trong 4 năm qua, rà soát đổi mới các chương trình đào tạo; hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp được thúc đẩy; phát triển hạ tầng, đầu tư cơ sở vật chất cho người thầy và người học; mô hình tổ chức được tinh gọn với 40 đơn vị thuộc, trực thuộc.
“Đặc biệt, mọi hoạt động đều hướng tới mục tiêu làm thế nào để người học được thành công và người thầy được bồi dưỡng, phát triển và tỏa sáng. Để làm được điều đó, chúng tôi hướng tới phát triển đại học bách khoa Hà Nội tinh gọn, hiệu quả theo các chuẩn mực quốc tế. Xây dựng Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đại, xanh, thông minh, cơ sở vật chất ngang tầm khu vực. Không những thể hiện trách nhiệm cộng đồng và trách nhiệm quốc gia, mà còn trách nhiệm khu vực và thế giới trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng nhấn mạnh.
Chỉ tính trong vòng 5 năm qua, tác động của tự chủ khoa học trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, sáng tạo, khởi nghiệp và hợp tác quốc tế với Đại học Bách khoa Hà Nội là rất lớn.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, trong quá trình thực hiện, vẫn còn một số khó khăn trong thực hiện Luật số 34.
Về văn bằng trình độ tương đương, tại điều 38, khoản 1 Luật GDĐH có nêu “bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương”; tại khoản 6 Điều này có quy định “Chính phủ ban hành hệ thống văn bằng giáo dục đại học và quy định văn bằng, chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu, đặc thù.
Nghị định số 99/2019/NĐ-CP ngày 30 tháng 12 năm 2019 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật giáo dục đại học, tại Điều 14 có quy định về “trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù và tại Điều 15 có quy định về “văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học”. Theo PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, điều này có hai cái khó.
65 năm qua, Đại học Bách khoa Hà Nội đã đào tạo và cung cấp hàng trăm ngàn kỹ sư công nghệ làm việc trong các ngành công nghiệp của đất nước
Hiện nay Đại học Bách khoa Hà Nội vẫn giữ mô hình đào tạo kĩ sư chuyên sâu, đặc thù, với 180 tín chỉ tương đương. Vì vậy trong quy định về một số ngành nghề đào tạo, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng đặt câu hỏi tại sao không có kĩ sư, kĩ sư đấy sẽ được đào tạo như thế nào. Nếu coi chương trình đào tạo kĩ sư là một chương trình thạc sĩ theo đúng chuẩn, phải đợi các em sinh viên tốt nghiệp phải thẩm định,… sau đó mới xin vào ngành. Nhưng kĩ sư phải có tính liên ngành và quá trình học tập là 1 quá trình liên tục, vậy phải làm thế nào để đảm bảo quá trình liên tục đó, để không làm chậm trễ quá trình cung cấp các chuyên gia giỏi trong các lĩnh vực khác nhau.
Vậy phải có những quy định về văn bằng trình độ tương đương như kĩ sư… Đồng thời cũng phải có những quy định trong việc công nhận văn bằng do các cơ quan kiểm định nước ngoài cấp để sử dụng tại Việt Nam để không vướng trong tuyển dụng.
Đặc biệt, trong lĩnh vực khoa học công nghệ, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, chưa có quy định cụ thể về gắn kết giữa hoạt động đào tạo và hoạt động nghiên cứu khoa học; thiếu quy định về đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ chế đặt hàng nghiên cứu với những lĩnh vực đặc thù phục vụ phát triển đất nước.
Bởi cơ sở giáo dục đại học là nơi phát triển và nuôi dưỡng tri thức. Hệ thống giáo dục đại học luôn cần có sự gắn kết với khoa học, công nghệ. Trong bối cảnh hiện nay, giáo dục đại học phải tiếp cận và là tiền đề cho đổi mới sáng tạo mới đáp ứng được yêu cầu về nguồn nhân lực cho đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đại học Bách Khoa Hà Nội chú trọng đầu tư phòng thí nghiệm nhằm đảm bảo công tác đào tạo đạt chất lượng hiệu quả
“Dù rất nhiều khó khăn, nhưng đến thời điểm này, một số lĩnh vực quan trọng, chúng tôi vẫn cố gắng vận hành, và nếu như có những quy định cụ thể hoặc có được những cơ chế đặt hàng của nhà nước, thì sẽ rất tốt để các cơ sở đào tạo có thể tiếp tục nuôi dưỡng, phát triển những ngành rất đặc thù, phục vụ phát triển đất nước”, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng chia sẻ.
Về hợp tác quốc tế, PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng cho rằng, các quy định pháp luật tập trung vào hợp tác, đầu tư, liên kết trong giáo dục đào tạo, mà chưa đi xây dựng quy định cụ thể thúc đẩy hoạt động hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với các đối tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Chưa xây dựng quy định cụ thể hỗ trợ việc tuyển dụng, thu hút nhân tài, các chuyên gia nước ngoài đến làm việc, nghiên cứu tại các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Vì thế, gây khó khăn cho các cơ sở giáo dục đại học trong thu hút nhân tài.
PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng kì vọng, trong kỉ nguyên mới – kỉ nguyên của công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, Luật giáo dục đại học cần chuyển mình để thúc đẩy sự phát triển, giúp các cơ sở giáo dục đại học nâng cao tiềm lực, vị thế, đào tạo nguồn nhân lực hiệu quả, chất lượng.
Nguồn: https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=10170