Chiều 14-4, Cục Viễn thông cho hay tính đến ngày 13-4 vẫn còn hơn 1,2 triệu SIM đã bị khóa một chiều chưa chuẩn hóa thông tin cá nhân. Trong khi đó, 473.000 thuê bao bị khóa một chiều từ ngày 31-3 nhưng đã chuẩn hóa lại thông tin cá nhân, đạt 28,3% tổng số thuê bao bị khóa. Số này đã được phục hồi sử dụng bình thường.
Sẽ thu hồi SIM nếu không chuẩn hóa
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, Cục phó Cục Viễn thông, tính đến hôm nay (15-4), các thuê bao không tiến hành chuẩn hóa lại sẽ bị khóa cả hai chiều. Đến ngày 15-5, nếu không cập nhật thông tin, các thuê bao này sẽ bị nhà mạng thu hồi số. Với tiến độ đăng ký chuẩn hóa thông tin cá nhân như hiện tại thì đến chiều nay, có khoảng 1,1-1,2 triệu SIM sẽ bị khóa hai chiều theo quy định.
Sau khi bị khóa liên lạc một chiều, khách hàng có thể tiếp tục thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao trên app và trên website hoặc đến cửa hàng giao dịch của các nhà mạng để được hỗ trợ chuẩn hóa thông tin.
Các nhà mạng vẫn tiếp tục hỗ trợ mở khóa thuê bao cho các khách hàng có nhu cầu tại các điểm giao dịch trên cả nước. Trong ảnh: Khách hàng chuẩn hóa thông tin thuê bao tại cửa hàng của VinaPhone. Ảnh: VinaPhone
Nếu thuê bao không thực hiện chuẩn hóa thông tin sẽ tiếp tục bị khóa hai chiều trong 15 ngày tiếp theo và sẽ bị thu hồi số sau 30 ngày kể từ thời điểm bị khóa hai chiều.
Để tiếp tục xử lý triệt để tình trạng SIM rác, Bộ TT&TT đã tiến hành thanh tra, kiểm tra việc quản lý thông tin thuê bao di động. Theo đó, bộ trưởng Bộ TT&TT đã ký công văn đề nghị các tỉnh, thành và các sở TT&TT thực hiện thanh tra diện rộng quản lý thông tin thuê bao di động từ nay đến ngày 5-6.
Đánh giá đợt chuẩn hóa thông tin thuê bao lần này, Bộ TT&TT cho biết đã được các nhà mạng thực hiện nghiêm túc và được đông đảo người dân, giới truyền thông hưởng ứng để chung tay dẹp vấn nạn SIM rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo đang gây nhiều hệ lụy cho xã hội.
Phạt đến 80 triệu đồng đối với hành vi gọi SIM rác
Liên quan đến vấn đề chuẩn hóa thông tin thuê bao di động, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ TT&TT, có văn bản trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Thuận do Ban Dân nguyện chuyển đến.
Cử tri kiến nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát nhằm ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các hành vi sử dụng mạng xã hội, công nghệ cao để lừa đảo, đe dọa hoặc tống tiền với mục đích trục lợi cá nhân.
Trả lời, Bộ TT&TT cho biết đã trình Chính phủ ban hành các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử.
Trong đó đã quy định xử phạt đến 80 triệu đồng đối với hành vi thực hiện cuộc gọi rác, buộc thu hồi các số thuê bao đã thực hiện cuộc gọi rác. Xử phạt đến 100 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về quản lý thông tin thuê bao làm phát sinh SIM đã đăng ký trước thông tin thuê bao được sử dụng để thực hiện cuộc gọi rác.
Xử phạt đến 20 triệu đồng đối với các hành vi vi phạm quy định về cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân.
Ngoài ra, ngành chức năng cũng xử phạt các hành vi: Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc; cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả hành động chém giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn; cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc.
Ngăn chặn xử lý 3.502 trang web lừa đảo trực tuyến
Bộ TT&TT đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, thường xuyên rà quét thông tin trên mạng, đặc biệt là trò chơi điện tử trên mạng, các mạng xã hội xuyên biên giới như Facebook, TikTok, Instagram, YouTube…
Bộ sẽ xử lý nghiêm minh, kịp thời các hành vi vi phạm không chỉ đối với các hành vi sai trái, cung cấp thông tin xấu độc, vi phạm pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước, mà còn xử lý các vi phạm về thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín, danh dự của tổ chức, cá nhân gây tác động xấu tới dư luận.
Các đơn vị chức năng của bộ cũng đã chủ động tổng hợp những luồng thông tin vi phạm trên các nền tảng mạng xã hội để đấu tranh với các nền tảng cung cấp thông tin xuyên biên giới yêu cầu gỡ bỏ.
Bộ TT&TT cũng đã vận hành Trung tâm xử lý tin giả tại tên miền www.tingia.gov.vn, trung bình hằng tháng trung tâm tiếp nhận và xử lý hơn 400 phản ánh về tin giả của người dân. Qua đó, thực hiện xác minh và công bố các thông tin giả, tin sai sự thật và tin xác thực, tránh gây hoang mang dư luận trong nhân dân.
Nguồn PLO