Khai thác và sử dụng yếu tố kịch tính trong phim Việt cần có một sự khéo léo để tạo nên cao trào vừa đủ, giúp khán giả không cảm thấy căng thẳng khi xem phim.
Tình tiết “drama” (kịch tính, gay cấn) là một trong những yếu tố thu hút khán giả của phim truyền hình. Khán giả sẽ dễ dàng bị cuốn theo những mối quan hệ phức tạp, sự đấu đá, tranh giành quyền lợi hay tình cảm được xây dựng trong phim. Điều này đã được minh chứng qua thành công của nhiều bộ phim truyền hình xứ Hàn, Việt Nam cũng không ngoại lệ.
“Drama” đưa phim Việt vụt sáng
Những năm gần đây, nhiều phim truyền hình Việt đã sử dụng đan xen các yếu tố kịch tính, thậm chí có xu hướng chạy theo “drama” để tăng độ hấp dẫn với khán giả.
Nằm trong những cái tên giúp phim truyền hình Việt ngày càng khởi sắc, đến nay Sống chung với mẹ chồng – chuyển thể từ tiểu thuyết Phù thủy dưới đáy biển của tác giả Giả Hiểu (Trung Quốc) vẫn là bộ phim có tỷ suất người xem đông đảo. Đây được coi là tác phẩm Việt hóa thành công nhất bởi đã có nhiều sáng tạo so với bản gốc và lồng nhiều nét đời sống văn hóa Việt Nam vào phim.
Phim khắc họa hình ảnh một người mẹ chồng khó tính, luôn xét nét mọi điều và trở thành nỗi ám ảnh của người con dâu. Mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu giữa hai người bắt nguồn từ những xích mích nhỏ nhặt và cuối cùng dẫn đến một kết cục không thể hàn gắn. Khi theo dõi phim, một bộ phận khán giả, đặc biệt là khán giả nữ như thấy được hình bóng của mình ở đó. Nhờ những chi tiết gần gũi với thực tế, họ có thể dễ dàng phẫn nộ, đồng cảm hay cảm thông với các nhân vật.
Có thể thấy, thành công của bộ phim chính là nhờ những tình tiết giật gân đầy cuốn hút. Tuy nhiên, những yếu tố này được khai thác và phô bày một cách vừa đủ mà không xa rời với thực tế, giúp bộ phim nhận được sự yêu mến của nhiều khán giả.
Vai diễn mẹ chồng gây ám ảnh của NSND Lan Hương (Ảnh: VTV).
Về nhà đi con là một bộ phim “bom tấn” khác “gây bão” màn ảnh năm 2018 – tác phẩm được làm lại từ phim Khi người đàn ông góa vợ bật khóc trước đó của đạo diễn Vũ Trường Khoa.
Có thể nói, đây là bộ phim về đề tài gia đình được lồng ghép những tình tiết kịch tính vừa đủ để tạo cao trào xoay quanh mối quan hệ cha con, vợ chồng, bạn bè… Không xây dựng nhiều tình huống căng thẳng mà tập trung chủ yếu khắc họa cuộc sống gia đình Việt Nam quen thuộc. Bộ phim đã tạo nên “cơn sốt” cả nước vào năm 2018, hút sự quan tâm của khán giả xuyên suốt 85 tập phát sóng. Các đoạn trích phim được đăng tải trên mạng xã hội thu hút những lượt xem ấn tượng.
“Về nhà đi con” – bộ phim “bom tấn” năm 2018 (Ảnh: VTV).
Lạm dụng “drama” gây tác dụng ngược
Có thể thấy, “drama” là một “gia vị” không thể thiếu để làm nên sức hấp dẫn cho phim Việt. Thế nhưng, thực tế, có rất nhiều bộ phim lạm dụng yếu tố kịch tính để lôi kéo người xem. Điều này đã gây hiệu ứng ngược, khiến người xem luôn cảm thấy căng thẳng, ngột ngạt và ức chế khi xem phim.
Còn nhớ Hãy nói lời yêu – một bộ phim truyền hình gây tranh cãi của đạo diễn Bùi Quốc Việt phát sóng vào năm 2021, thời điểm cả nước đang chống chọi với dịch Covid-19. Đây là một trong những bộ phim “ám ảnh” nhất, khiến khán giả khó quên nhất thời điểm đó.
Ban đầu, phim làm rất tốt nhiệm vụ truyền tải những bài học ý nghĩa về cách yêu thương lẫn nhau của những thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, càng về giữa đến cuối phim, tác phẩm này như bóp nghẹt trái tim người xem khi dần sa đà vào những tình tiết bi kịch. Nếu có điểm nào tươi sáng từ bộ phim, thì đó có lẽ chỉ là câu chuyện tình đáng yêu của cặp đôi phụ Duy – Tú.
“Hãy nói lời yêu” khiến khán giả “sốc” khi phát triển kịch bản sa vào quá nhiều bi kịch (Ảnh: VTV).
Đỉnh điểm, cái chết của nhân vật Minh (Quang Anh) đã khiến khán giả phẫn nộ. Với gam màu u tối xuyên suốt, những mâu thuẫn đi vào bế tắc của các nhân vật… đã khiến bộ phim bị khán giả “quay lưng”.
Hay Cây táo nở hoa được làm lại từ bộ phim What”s Wrong Poong Sang của Hàn Quốc với dàn diễn viên có tiếng, gồm Thái Hòa, Hồng Ánh, Nhã Phương, Thúy Ngân, Trương Thế Vinh, Song Luân… cũng được khán giả đón nhận.
Tuy nhiên, sau những hấp dẫn ban đầu, Cây táo nở hoa khiến người xem ức chế với loạt tình tiết cường điệu, vô lý. Nhân vật Ngọc (Thái Hòa) và Báu (Nhã Phương) bị “ném đá” suốt hàng chục tập phim. Ngọc yêu thương, bảo vệ các em một cách thái quá. Báu cư xử ngang ngược, bất chấp đúng sai. Xuyên suốt phim, Nhã Phương có quá nhiều cảnh gào khóc, mắng chửi khiến người xem bội thực.
“Vì sao cây táo mãi không nở hoa?” là câu hỏi được đặt ra nhiều nhất vào thời điểm phim lên sóng.
Nhắc đến những “bom tấn” phim truyền hình Việt, Hương vị tình thân được chuyển thể từ kịch bản gốc My only one là bộ phim không thể bỏ qua. Từng liên tục đạt tỷ suất người xem cao ngất ngưởng, mỗi tập phim đều được khán giả liên tục săn đón nhưng càng về cuối, phim càng bị khán giả “kêu trời” vì những tình huống” dông dài. Mặc dù đạt giải thưởng Phim truyền hình ấn tượng nhất tại VTV Awards 2021 nhưng tác phẩm lại vắng mặt trong top 10 phim truyền hình có tỷ suất người xem cao nhất năm.
“Dưới bóng cây hạnh phúc” khiến khán giả xem phim cảm thấy ức chế vì quá nhiều bi kịch (Ảnh: VTV).
Mới đây nhất, phim Việt giờ vàng Dưới bóng cây hạnh phúc cũng khiến khán giả ức chế vì “drama chồng drama” xoay quanh cuộc sống làm dâu đầy bất hạnh của Son (Kim Oanh đóng).
Khán giả cho rằng, những chi tiết và tình huống xảy ra trong gia đình chồng của Son: từ bố chồng, chồng, em chồng và em dâu được xây dựng thái quá, phi thực tế và cố tạo “drama” không cần thiết. Sau bộ phim, Son cũng được mệnh danh là “cô dâu khổ nhất màn ảnh Việt”.
Tuy nhiên, diễn biến căng thẳng của bộ phim khiến khán giả cảm thấy mệt mỏi. Trên các diễn đàn, không khó để bắt gặp những ý kiến khẳng định sẽ bỏ theo dõi phim vì “càng xem càng ức chế” hay “xem phim mà chỉ thấy tiêu cực”…
Phim Việt lấy lại sức hút nhờ “chữa lành” không cần “drama”?
Tại thị trường phim truyền hình Hàn Quốc, không khó để nhận ra rằng những bộ phim thành công năm 2022 hầu hết đều có chủ đề nhẹ nhàng, ít “drama” và đặc biệt là giúp khán giả “chữa lành” tâm hồn.
Khán giả cũng đã biết đến những phim chữa lành (healing movies) nổi tiếng như Reply 1997, Relpy 1994, Reply 1988, Hometown Chachacha… Không có nhân vật phản diện, không có tình huống gây xung đột nhưng những tác phẩm này vẫn được công chúng đón nhận nhờ khả năng xoa dịu tâm hồn hiệu quả.
Có thể thấy trong bối cảnh hậu Covid-19, khán giả có xu hướng tìm phim “chữa lành” để tâm hồn được nhẹ nhàng, an ủi.
Phim “Gia đình mình vui bất thình lình” nhận được nhiều sự quan tâm và yêu mến của khán giả (Ảnh: VTV).
Ở Việt Nam, phim truyền hình cũng đang ở trong xu thế chuyển mình khi dần cho lên sóng những bộ phim tích cực, với mong muốn truyền tải những năng lượng chữa lành đến khán giả.
Dựa theo thị hiếu chung của người Việt, những bộ phim này vẫn lồng ghép một số yếu tố kịch tính để đẩy cao trào nhưng vẫn chú trọng khai thác những chi tiết nhẹ nhàng, dễ chịu.
Lên sóng trong thời gian gần đây, Đừng làm mẹ cáu là một trong những bộ phim thu hút khán giả bởi những tình tiết sâu lắng với thông điệp chữa lành về tình mẫu tử. Xoay quanh câu chuyện làm mẹ nhiều cảm xúc của Hạnh (Quỳnh Kool) và Vy (Quỳnh Lương) với trọng tâm là Hạnh, bộ phim nhận được nhiều phản ứng tích cực từ khán giả. Các ý kiến đều cho rằng phim mang đến những câu chuyện ý nghĩa mà không lê thê, dông dài.
Hai tác phẩm đang chiếu gần đây là Gia đình mình vui bất thình lình và Cuộc đời vẫn đẹp sao cũng được khán giả đón nhận bởi những diễn biến vui vẻ, tích cực. Các tình huống trong phim cũng được khai thác nhẹ nhàng với cao trào vừa đủ, mang đến những giờ phút xem phim đầy thư giãn cho khán giả.
NSƯT Hoàng Hải trong “Cuộc đời vẫn đẹp sao” (Ảnh: VTV).
Theo số liệu do đơn vị nghiên cứu thị trường Kantar Media Vietnam công bố, những bộ phim truyền hình như Đừng làm mẹ cáu (đạo diễn Vũ Minh Trí), Đừng nói khi yêu (đạo diễn Bùi Quốc Việt), Cuộc đời vẫn đẹp sao (đạo diễn Nguyễn Danh Dũng), Gia đình mình vui bất thình lình (đạo diễn Lê Đỗ Ngọc Linh và Nguyễn Đức Hiếu) luôn dẫn đầu trong bảng xếp hạng chương trình được xem nhiều nhất cả nước, có tỷ suất người xem trên 3%.
Nhiều khán giả chia sẻ, bản thân họ thích những phim nhẹ nhàng, về hôn nhân, gia đình. Phim Việt gần đây như Cuộc đời vẫn đẹp sao, Đừng làm mẹ cáu … khá hấp dẫn, không thua kém các bộ phim của Trung Quốc, Hàn Quốc.
Có thể thấy, không phải chỉ “drama” mới có thể giữ chân khán giả xem phim. Khán giả Việt mong muốn nhiều hơn những kịch bản phim nhẹ nhàng nhưng vẫn sâu sắc và cuốn hút để họ không phải căng thẳng mỗi khi theo dõi.
Theo dantri.vn