Ngày 13-6, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương thông tin vừa tiếp nhận điều trị bệnh nhân biến chứng do mèo cào.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi bị mèo cào, ông N. tự sát khuẩn bằng oxy già và mua thuốc Rifamycin (một kháng sinh được sử dụng để điều trị một số loại nhiễm khuẩn) về rắc vào vết thương.
2 ngày sau, gần vết thương xuất hiện các mề đỏ kèm theo ngứa và xuất hiện mụn phỏng nước. Ông N. điều trị tại nhà 5 ngày không đỡ.
Tại vị trí mèo cào sưng đau tăng lên, lan rộng ra khắp 1/2 giữa cẳng tay, chảy dịch vàng. Bệnh nhân đến khám và nhập khoa nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương để điều trị.
Tại đây, ông được chẩn đoán viêm mô bào sau mèo cào chưa loại trừ dị ứng thuốc vùng cẳng tay trái/xơ gan.
Trong quá trình điều trị, bác sĩ Trần Văn Long, khoa nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, cho biết ông N. có bệnh cảnh nghiêng về dị ứng thuốc trên bệnh nhân viêm mô bào sau mèo cào.
“Vì vậy chúng tôi phải điều trị viêm mô bào và kết hợp điều trị dị ứng. Sau thời gian điều trị tay không chảy dịch, các vết thương đã lành, bệnh nhân đã được xuất viện.
Viêm mô bào là bệnh khá phổ biến với biểu hiện là một nhiễm trùng cấp tính ở da và mô dưới da.
Bệnh thường khởi phát ở một vùng da sưng, nóng, đỏ và đau.
Sau đó nhanh chóng lan rộng. Bệnh có thể xảy ra bất kỳ vị trí nào trên cơ thể. Viêm mô bào thường xuất hiện trên bề mặt da nhưng không gây hại.
Tuy nhiên khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy giảm miễn dịch, người lớn tuổi, có vết cắt hoặc vết trầy xước, vết đứt, vết nứt trên da… các vi khuẩn này sẽ xâm nhập vào các lớp bên dưới da và gây ra tổn thương viêm, nhiễm trùng. Nếu không được điều trị có thể đe dọa đến tính mạng”, bác sĩ Long chia sẻ.
Không tự ý dùng thuốc
Dược sĩ CKII Khuất Thị Oanh – phó trưởng khoa dược, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương – cho biết: “Rifamycin là một thuốc kháng sinh sử dụng trong điều trị lao được lạm dụng khá nhiều để dùng làm thuốc bôi ngoài, được người dân gọi nôm na là “thuốc đỏ” vì bột thuốc có màu đỏ.
Rắc bột kháng sinh trực tiếp vào vết thương hở làm kích thích da, kích thích các phản ứng viêm tại chỗ nên dễ gây dị ứng, thậm chí sốc phản vệ. Sau khi rắc một vài giờ, bột thuốc kháng sinh sẽ khô lại, nồng độ kháng sinh thấm vào các mô bị tổn thương là không đáng kể và không có ý nghĩa phòng, chống nhiễm khuẩn,…”.
Vì vậy nếu có các vết thương hở, lở loét có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng, các bác sĩ khuyến cáo cần đi khám sớm. Bên cạnh đó, khi bị chó mèo cắn, người dân nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất để tiêm phòng uốn ván, tiêm phòng dại và theo dõi vết thương, không nên tự ý mua thuốc về điều trị.
Nguồn: https://tuoitre.vn/tu-boi-thuoc-sau-khi-bi-meo-cao-phai-nhap-vien-voi-canh-tay-lo-loet-2024061311282488.htm