Quản lý Quỹ bình ổn không ổn
Đến thời điểm ngày 29/9, ngân hàng thu nợ bằng cách tự ý lấy tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng dầu do Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà mở, vẫn chưa trả lại tiền vào Quỹ. PV. VietNamNet đã tìm câu trả lời từ phía ngân hàng, cơ quan chức năng nhưng đều chưa nhận được phản hồi “đang chờ các cơ quan vào làm rõ”.
Như vậy, gần 270 tỷ đồng tại Quỹ bình ổn giá xăng dầu do người dân góp vào khi mua xăng dầu vẫn không rõ số phận ra sao, dù doanh nghiệp đã “tố” lên Bộ Công Thương – Tài chính từ tháng 6.
Câu hỏi đặt ra là liệu ngân hàng có thực sự không biết tài khoản đó mở ra để giữ tiền cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu do người dân đóp góp, nên cứ thu để trừ nợ của doanh nghiệp?
Ngân hàng chỉ có thể “không biết tài khoản đó là dành cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu” nếu khi doanh nghiệp lập tài khoản này không ghi rõ mục đích của tài khoản.
Tham khảo một báo cáo về số tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu được doanh nghiệp gửi đến Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), phóng viên nhận thấy rằng các thông tin được liệt kê rất chi tiết bao gồm: Số hiệu tài khoản, tên chủ tài khoản, ngày mở, nơi mở tài khoản, loại tài khoản.
Đặc biệt, tại phần loại tài khoản, doanh nghiệp nêu rõ: Tài khoản thanh toán không kỳ hạn (mục đích: Quỹ bình ổn xăng dầu).
Nếu Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà lập tài khoản chi tiết như tài khoản kể trên, thì không thể có chuyện ngân hàng không biết và “trích nhầm”.
Còn nếu mục đích lập tài khoản không được công ty này ghi rõ, gây nhầm lẫn với các tài khoản khác mà công ty này đứng tên, thì công ty này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Giả sử không ghi rõ mục đích lập tài khoản, thì suốt bao năm nay Công ty TNHH Vận tải thủy bộ Hải Hà trích lập và chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo “lệnh” của liên Bộ Công Thương – Tài chính vào tài khoản nào? Việc rút tiền ra, đổ tiền vào Quỹ khi có lệnh điều hành của liên Bộ thực hiện ra sao?
Từ năm 2014, Thông tư liên tịch số 39 của liên Bộ Công Thương – Tài chính cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm của ngân hàng thương mại – nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ.
Theo đó, định kỳ mùng 1 hàng tháng, ngân hàng thương mại – nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản tiền gửi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu – phải gửi sao kê về các giao dịch phát sinh liên quan đến tài khoản tiền gửi Quỹ đến Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và Bộ Tài chính (Cục Quản lý Giá). Trong đó, thể hiện rõ số dư Quỹ đầu kỳ báo cáo; số trích lập Quỹ trong kỳ báo cáo; số sử dụng Quỹ trong kỳ báo cáo…
“Kết thúc năm tài chính, thương nhân đầu mối và ngân hàng thương mại đó có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn giá… đến liên Bộ Công Thương – Tài chính”, Thông tư 39 nêu.
Báo cáo tài chính hàng quý, hàng năm của doanh nghiệp xăng dầu cũng vẫn có một khoản mục dành cho Quỹ bình ổn giá với các thông tin đủ đầy liên quan đến số dư, số trích lập, số chi…
Cho nên, thật khó tin nếu có ngân hàng nào không phân biệt được đâu là tài khoản dành cho Quỹ bình ổn giá xăng dầu khi Công ty Hải Hà cũng đã hoạt động xăng dầu từ rất nhiều năm nay.
Những quy định như trên thực hiện từ tận năm 2014, và trước đó là các quy định tại Thông tư 234 năm 2009 về Quỹ, lẽ nào các ngân hàng vẫn không biết?!
Báo động sử dụng và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu
Từ câu chuyện hàng trăm tỷ tiền Quỹ bị các công ty đầu mối kinh doanh xăng dầu Xuyên Việt Oil, Dương Đông Hòa Phú, Thái Sơn B.Q.P chiếm dụng, đến việc Hải Hà bị ngân hàng cấn trừ gần 270 tỷ đồng tiền nợ từ tài khoản Quỹ bình ổn giá, cho thấy việc sử dụng quản lý tiền từ Quỹ này đang rất đáng báo động.
Cũng phải nói thêm rằng, Thông tư 234 năm 2009, Thông tư 39 năm 2014 có những quy định rõ ràng và chặt chẽ hơn liên quan đến trách nhiệm về quản lý Quỹ bình ổn giá so với Thông tư 103 (áp dụng từ 2/1/2022). Bởi các thông tư 234 và Thông tư 39 đều quy định chi tiết doanh nghiệp mở tài khoản quỹ Bình ổn giá số bao nhiêu, hạch toán thế nào, trách nhiệm ngân hàng ra sao…
Còn Thông tư 103 lại trao quyền gần như toàn bộ cho các doanh nghiệp xăng dầu. Nếu gặp các doanh nghiệp làm ăn yếu kém, thua lỗ thì đặt Quỹ tại doanh nghiệp mà không giám sát thường xuyên liên tục thì không khác gì “thả gà ra đuổi”.
Lúc này, các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề kể trên, để đòi lại gần 270 tỷ đồng tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu của người dân.
“Nếu ngân hàng thương mại đã thực hiện việc thu nợ như trên, cần phải hoàn trả ngay lập tức cho Quỹ bình ổn giá. Trong trường hợp “dây dưa” không hoàn trả, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương – cơ quan quản lý nhà nước về quỹ hoàn toàn có quyền chuyển hồ sơ để cơ quan pháp luật xử lý”, ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam kiến nghị.