Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.
Thông tư 37/2023/TT-BTC có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2023 và thay thế Thông tư 188/2016/TT-BTC.
Mức phí thi bằng lái xe A1, B1 và B2
Mức phí thi bằng lái xe A1 từ ngày 01/8/2023: Sát hạch lý thuyết: 60.000 đồng/lần (tăng 20.000 đông/lần so với quy định hiện hành); Sát hạch thực hành: 70.000 đồng/lần (tăng 20.000 đồng/lần so với quy định hiện hành).
Mức phí thi bằng lái xe B1 và B2 từ ngày 1/8/2023:
Sát hạch lý thuyết: 100.000 đồng/lần (tăng 10.000 đồng/lần so với quy định hiện hành).
Sát hạch thực hành trong hình: 350.000 đồng/lần (tăng 50.000 đồng/lần so với quy định hiện hành).
Sát hạch thực hành trên đường giao thông: 80.000 đồng/lần (tăng 20.000 đồng/lần so với quy định hiện hành).
Sát hạch lái xe ô tô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông: 100.000 đồng/lần (hiện hành không thu phí này).
Mức thu phí sát hạch lái xe quy định tại Thông tư 37/2023/TT-BTC được áp dụng thống nhất trên cả nước (không phân biệt cơ quan thuộc Trung ương quản lý hay cơ quan thuộc địa phương quản lý).
Người dự sát hạch để được cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ phần nào thì nộp phí sát hạch lái xe phần đó (tính theo lần sát hạch: sát hạch lần đầu, sát hạch lại).
Quy định về hồ sơ dự thi sát hạch lái xe
Cụ thể tại Điều 19 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT (sửa đổi tại Thông tư 05/2023/TT-BGTVT) quy định về hồ sơ dự thi sát hạch lái xe như sau:
Thứ nhất, đối với người dự thi sát hạch lái xe lần đầu.
Cơ sở đào tạo lái xe lập 1 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm: Hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT; Chứng chỉ sơ cấp hoặc chứng chỉ đào tạo đối với người dự sát hạch lái xe hạng A4, B1, B2 và C; Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch.
Thứ hai, đối với người dự thi sát hạch nâng hạng giấy phép lái xe lên hạng B1, B2, C, D, E và các hạng F.
Cơ sở đào tạo lái xe lập 1 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm: Hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT; Chứng chỉ đào tạo nâng hạng; Danh sách đề nghị sát hạch của cơ sở đào tạo lái xe có tên của người dự sát hạch nâng hạng.
Thứ ba, đối với người dự thi sát hạch lại do giấy phép lái xe quá thời hạn sử dụng theo quy định.
Người lái xe lập 1 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm: Giấy tờ quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT; Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT.
Thứ tư, đối với người dự thi sát hạch lại do bị mất giấy phép lái xe.
Người lái xe lập 1 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải. Hồ sơ bao gồm: Giấy tờ quy định tại điểm b, điểm c và điểm d khoản 1 Điều 9 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT; Đơn đề nghị đổi (cấp lại) giấy phép lái xe theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư 12/2017/TT-BGTVT có ghi ngày tiếp nhận hồ sơ của cơ quan tiếp nhận; Bản chính hồ sơ gốc của giấy phép lái xe bị mất (nếu có).
Tuệ Minh