Kể từ 1.7, luật Căn cước có hiệu lực. Khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước, ngoài các thông tin bắt buộc (ảnh thẻ, vân tay, mống mắt), người dân có thể cung cấp thông tin về ADN và giọng nói để cơ quan công an cập nhật (theo nhu cầu chứ không bắt buộc) vào hệ thống dữ liệu.
Quy định chi tiết về nội dung trên, Nghị định 70 nêu rõ: công dân đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước hoặc qua ứng dụng định danh quốc gia.
Thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói phải được xét nghiệm, phân tích, tạo lập bởi cơ quan, tổ chức đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Công an hướng dẫn. Đồng thời, thông tin tạo lập phải bảo đảm giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu; bảo đảm xác định duy nhất công dân đó trong Cơ sở dữ liệu căn cước.
Tới đây, cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an sẽ chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý y tế và các cơ quan có liên quan thực hiện công bố công khai danh sách cơ quan, tổ chức đáp ứng điều kiện quy định nêu trên.
Tạm dừng cấp căn cước công dân tại Hà Nội, TP.HCM
Quy trình thu nhận ADN gồm những bước nào?
Về trình tự thu nhận ADN, công dân khi có nhu cầu cần nộp hồ sơ đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào Cơ sở dữ liệu căn cước đến cơ quan quản lý căn cước.
Hồ sơ đề nghị gồm: phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước; giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý xác thực kết quả xét nghiệm, phân tích, lưu trữ thông tin sinh trắc học về ADN của cơ quan, tổ chức thuộc danh sách do Bộ Công an công bố (nếu có).
Trường hợp thông tin sinh trắc học về ADN của công dân đã có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức thuộc danh sách do Bộ Công an công bố, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị của công dân, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, đối sánh và xác thực đảm bảo tính chính xác của thông tin trước khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Trường hợp chưa có thông tin về ADN trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức thuộc danh sách do Bộ Công an công bố, cơ quan quản lý căn cước thông báo cho công dân bằng văn bản, nêu rõ lý do và hướng dẫn công dân thực hiện thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về ADN vào hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức này.
Thu thập giọng nói ra sao?
Về trình tự, thủ tục thu thập giọng nói, công dân nếu có nhu cầu cần nộp hồ sơ đề nghị thu thập, cập nhật thông tin sinh trắc học về giọng nói vào Cơ sở dữ liệu căn cước đến cơ quan quản lý căn cước.
Hồ sơ đề nghị gồm: phiếu đề nghị giải quyết thủ tục về căn cước; giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý xác thực kết quả thu nhận, phân tích, lưu trữ giọng nói của cơ quan, tổ chức thuộc danh sách do Bộ Công an công bố (nếu có).
Trường hợp thông tin sinh trắc học về giọng nói của công dân đã có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức thuộc danh sách do Bộ Công an công bố, trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đề nghị của công dân, cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp kiểm tra, đối sánh và xác thực đảm bảo tính chính xác của thông tin trước khi thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước.
Trường hợp thông tin giọng nói của công dân chưa có trong hệ thống thông tin của cơ quan, tổ chức thuộc danh sách do Bộ Công an công bố thì cơ quan quản lý căn cước thực hiện trực tiếp thu thập thông tin sinh trắc học về giọng nói để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước. Đồng thời, công dân phải có văn bản cam kết bảo đảm sức khỏe bình thường không ảnh hưởng đến giọng nói.
Nguồn: https://thanhnien.vn/tu-17-adn-va-giong-noi-se-duoc-thu-thap-vao-du-lieu-can-cuoc-ra-sao-185240626213924904.htm