TTC Land công bố tài liệu ĐHĐCĐ2024 với tờ trình đáng chú ý là mở rộng bất động sản công nghiệp, bất động sản kho vận, đồng thời có tờ trình miễn nhiễm và bầu bổ sung HĐQT.
Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land – mã SCR) đặt kế hoạch doanh thu 705 tỷ đồng, tăng 89,9% so với cùng kỳ năm 2023, Lợi nhuận trước thuế hợp nhất 16 tỷ đồng.
Cơ sở để TTC Land đặt kế hoạch này dựa trên các hoạt động đã và đang triển khai như đầu năm 2024, TTC Land ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai TTTM Aeon Mall tại dự án TTC Plaza Đà Nẵng với AeonMall Việt Nam. Tái khởi động mở bán dự án Panomax River Villas (đường Đào Trí, quận 7).
Bên cạnh đó, hoạt động cho thuê sàn thương mại, quản lý vận hành tòa nhà và thi công cây xanh, TTC Land đã có nguồn thu ổn định.
Theo TTC Land, bất động sản công nghiệp Việt Nam có sức hút mạnh mẽ với các nhà đầu tư nước ngoài trong xu hướng dịch chuyển đầu tư quốc tế. Phân khúc bất động sản công nghiệp và hậu cần trở nên vượt trội hơn hầu hết các loại tài sản khác, nhờ vào sự phát triển của ngành sản xuất và xuất khẩu, thương mại điện tử, vận tải và kho bãi kể từ năm 2018. Nhiều doanh nghiệp đang quan tâm tới Việt Nam như một điểm đến mới cho việc mở rộng sản xuất từ Trung Quốc trong khu vực Đông Nam Á và dự báo thị trường bất động sản công nghiệp sẽ tăng trưởng ít nhất 2 lần trong 10 năm.
Triển vọng thị trường nhà xưởng xây sẵn, thị trường sẽ tiếp tục sôi động với khoảng 2,5 triệu m2 nhà xưởng xây sẵn sẽ được đưa vào thị trường đến năm 2026 với sự tham gia của cả các chủ đầu tư trong và ngoài nước. Tỷ lệ hấp thụ nhà xưởng xây sẵn được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhờ thị trường hưởng lợi từ việc dịch chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Nhu cầu thuê kho sẽ tiếp tục được duy trì bởi tiêu dùng trong nước, nền kinh tế định hướng xuất khẩu của Việt Nam và sự tăng trưởng của thị trường logistics và thương mại điện tử.
Theo đó, TTC Land định hướng bất động sản công nghiệp và bất động sản kho vận là sự cộng hưởng để TTC Land tiếp tục mở rộng phát triển theo chu kỳ chiến lược một cách ổn định, bền vững. Định hướng chiến lược tầm nhìn đến năm 2030, TTC Land sẽ mở rộng thêm mảng này tại khu vực thị trường phía Nam.
Bên cạnh đó, HĐQT TTC Land có tờ trình về việc miễn nhiệm của 3 thành viên HĐQT bao gồm, bà Huỳnh Bích Ngọc, Chủ tịch HĐQT theo đơn từ nhiệm ngày 12/4/2024 với lý do theo nguyện vọng cá nhân. Bà Huỳnh Bích Ngọc là Chủ tịch HĐQT TTC Land từ ngày 25/4/2022. Bà hiện là Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn TTC; Ông Hoàng Mạnh Tiến, Thành viên HĐQT theo đơn từ nhiệm ngày 12/4/2024; Bà Trần Diệp Phượng Nhi, Thành viên HĐQT theo đơn từ nhiệm ngày 12/4/2024.
HĐQT TTC Land cũng trình nội dung về việc thay đổi số lượng thành viên HĐQT từ 6 thành viên xuống còn 5 thành viên. Theo đó, trong ĐHĐCĐ lần này, cổ đông sẽ tiến hành bầu bổ sung thêm 2 thành viên HĐQT.
Theo TTC Land, để chuẩn bị cho việc tăng trưởng trở lại của TTC Land theo định hướng chiến lược đến 2030, TTC Land cũng công bố danh sách ứng cử viên do nhóm cổ đông đề cử cho vị trí thành viên HĐQT mới, trong đó có ông Lê Quang Vũ và ông Phạm Trung Kiên. Đây là những nhân sự dày dạn kinh nghiệm quản lý, điều hành trong lĩnh vực bất động sản dân dụng và bất động sản công nghiệp.
Năm 2023, tổng tài sản của Công ty tăng khoảng 940 tỷ đồng tương ứng với tỷ lệ tăng 9,7% so với năm 2022. Nguyên nhân là do tài sản ngắn hạn tăng khoảng 1.531,2 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 25,5%; tài sản dài hạn giảm khoảng 591,3 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ giảm 16%. Như vậy, tổng tài sản tăng là do tài sản ngắn hạn tăng, cụ thể là do tăng trả trước cho người bán.
Về cơ cấu, có sự chuyển dịch từ tài sản dài hạn sang tài sản ngắn hạn. Cụ thể, tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng 70,8%, tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng 29,2% trong khi năm 2022 tài sản ngắn hạn chiếm tỷ trọng 61,9%, tài sản dài hạn chiếm tỷ trọng 38,1%. Như vậy, cơ cấu tài sản có sự chuyển dịch từ tài sản dài hạn sang tài sản ngắn hạn.
Tổng nguồn vốn của Công ty tăng 940 tỷ đồng tương ứng tỷ lệ tăng 9,7% so với năm 2022. Nguyên nhân là do nợ phải trả tăng khoảng 882,8 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 19,1%; còn vốn chủ sở hữu tăng khoảng 57,2 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ tăng 1,1%.
Nợ phải trả chiếm tỷ trọng 51,8%, vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng 48,2%, trong khi năm 2022, nợ phải trả chiếm tỷ trọng 47,7%, vốn chủ sở hữu chiếm tỷ trọng 52,3%.