65 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện mong ước của Bác Hồ (23/7/1959 – 23/7/2024)
TSKH Nghiêm Vũ Khải: “Ngành Dầu khí Việt Nam đã có đóng góp to lớn cho NSNN”
Nhân dịp Kỷ niệm 65 năm ngành Dầu khí Việt Nam thực hiện mong ước của Bác Hồ, (23/7/1959 – 23/7/2024), PV đã có buổi trao đổi với TSKH Nghiêm Vũ Khải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch danh dự Hội hữu nghị Việt Nam – Azerbaijan về ý nghĩa của sự kiện đặc biệt này.
TSKH. Nghiêm Vũ Khải
PV: “Cách đây 65 năm, với sự kiện sang thăm khu công nghiệp dầu khí Baku (Azerbaijan), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho việc hình thành và phát triển ngành Dầu khí Việt Nam. Thưa ông, ông đánh giá như nào về tầm quan trọng của sự kiện này?”
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Ngày 23/7/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đi thăm Liên Xô và một số nước cộng hòa trong Liên bang Xô viết, trong đó có Azerbaijan. Đây là chuyến thăm lịch sử vì nó không chỉ mở đường cho một quá trình phát triển ngành công nghiệp Dầu khí và khoa học Trái đất, mà còn là cột mốc bắt đầu mối quan hệ truyền thống lịch sử Việt Nam – Azerbaijan.
Ở đây, Bác đã đề nghị: “Sau khi Việt Nam kháng chiến thắng lợi, Liên Xô nói chung và Azerbaijan nói riêng phải giúp đỡ Việt Nam khai thác và chế biến dầu khí, xây dựng được những khu công nghiệp dầu khí mạnh…”. Câu nói của Bác mang tính chất tiên tri, dự cảm rất chính xác.
Dấu mốc đó đối với ngành Dầu khí là ngày trọng đại, cũng là cột mốc mở đầu cho mối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam – Azerbaijan. Không chỉ dừng lại từ lời đề nghị của Bác, ngày 27-11-1961, Tổng cục Địa chất ra Quyết định số 271- ĐC ngày 27-11-1961 thành lập Đoàn Thăm dò dầu lửa số 36 (thường gọi là Đoàn 36) trực thuộc Tổng cục Địa chất. Đoàn 36 có nhiệm vụ tiến hành tìm kiếm, thăm dò dầu hỏa và khí đốt trên phạm vi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thể theo nguyện vọng của các thế hệ lao động ngành Dầu khí Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép lấy ngày 27-11 hằng năm làm Ngày Truyền thống ngành Dầu khí Việt Nam.
Tôi có vinh dự được là Đại biểu Quốc hội khóa XI, XII. Trong thời điểm đó đã được tiếp xúc với nhiều tài liệu, báo cáo của ngành Dầu khí. Giai đoạn từ năm 1995-2010, ngành Dầu khí Việt Nam đã có đóng góp to lớn cho NSNN. Có những năm ngân sách thu được từ ngành Dầu khí chiếm hơn 20-22% tổng giá trị của NSNN. Thời kỳ đó, kinh tế còn khó khăn, dầu khí là một trong những nguồn thu chủ yếu của NSNN.
Đến thời điểm sau này, khi cơ cấu kinh tế bắt đầu chuyển dịch, ngân sách tăng trưởng nên tỷ trọng dầu khí giảm đi, nhưng vẫn giữ một vai trò hết sức quan trọng trong ổn định kinh tế.
TSKH Nghiêm Vũ Khải cùng lãnh đạo Tập đoàn cắt băng khai mạc triển lãm 60 năm Ngành Dầu khí thực hiện ý nguyện của Bác Hồ năm 2019
TSKH Nghiêm Vũ Khải phát biểu nhân kỷ niệm 60 Bác Hồ thăm Baku
PV: Ông đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam – Azerbaijan, đặc biệt trong lĩnh vực Dầu khí?”
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Trong thời kỳ đầu, Azerbaijan đã đào tạo hàng trăm kỹ sư và chuyên gia cao cấp về ngành liên quan đến địa chất dầu và khai thác dầu. Đồng thời, trao đổi mua bán các thiết bị khai thác, chế biến, tư vấn về tìm kiếm thăm dò cho ngành Dầu khí.
Vào những năm 1960 – 1970, chúng ta cử một loạt các học sinh ưu tú sang học về dầu khí, điển hình là các ngành tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến, hóa dầu,… Nòng cốt nhất của ngành dầu khí đã được đào tạo ở những năm 60 (1966-1967). Chúng ta đã hợp tác với Liên Xô, cử chuyên gia sang Việt Nam giúp đỡ và xây dựng chiến lược phát triển dầu khí của Việt Nam. Sau đó, ký hiệp định hợp tác chiến lược với Liên Xô, đặc biệt chú trọng đến Dầu khí.
Có một điều đặc biệt phải kể đến, Azerbaijan là quốc gia có dân số không lớn – trên 10 triệu người, đồng thời cũng không phải nền kinh tế lớn, nhưng khi đó, họ đào tạo giúp ta gần 4 nghìn kỹ sư, chuyên gia, công nhân kỹ thuật.
Và từ sự hỗ trợ về đào tạo đó, ngành Dầu khí không chỉ đóng góp về kinh tế mà còn là nơi sản sinh ra các nhà khoa học. Các nhà địa chất dầu khí, nhà khoa học công nghệ liên quan đến dầu khí đã nhiều lần đạt được giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về Khoa học Công nghệ. Khi tôi làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, tôi đã luôn tự hào về những đồng nghiệp của mình làm trong ngành Dầu khí cùng với những công trình khoa học được đánh giá rất cao trong khu vực và trên thế giới.
Những thành công điển hình của ngành Dầu khí trong Khoa học Công nghệ là các công trình được giải thưởng Hồ Chí Minh. Đó là công trình nghiên cứu về khai thác dầu trong tầng đá móng mỏ Bạch Hổ, đó là công trình nghiên cứu Giàn khoan tự nâng đầu tiên tại Việt Nam với tên gọi Tam Đảo 3…
TSKH Nghiêm Vũ Khải (đứng thứ 2 từ trái sang) cùng với giáo viên, bạn bè trong thời gian học tại Baku
PV: “Với kinh nghiệm của mình, ông có kiến nghị hoặc đề xuất gì để nâng cao hơn nữa mối quan hệ hợp tác dầu khí giữa hai quốc gia?”
TSKH Nghiêm Vũ Khải: Phát biểu tại hội thảo lớn trong 10 năm gần đây, tôi luôn nói rằng: “Truyền thống có tốt đẹp bằng mấy thì cần phải bổ sung bằng những giá trị mới, đóng góp mới phù hợp với thời đại.”
Dựa trên truyền thống hợp tác giữa hai nước đó là công tác đào tạo ngành Dầu khí, chúng ta cần phát triển hơn nữa quan hệ hữu nghị nhân dân. Trong đó, dầu khí vẫn là lĩnh vực hợp tác vừa là truyền thống, vừa là mới. Chính vì vậy, ngành Dầu khí cần phải được quan tâm hơn nữa, thúc đẩy hơn nữa. Một số điểm mới về hợp tác dầu khí giữa hai nước như việc chúng ta có thể mua dầu của Baku, đây là loại dầu có tính chất phù hợp để chế biến tùy theo công nghệ hiện có tại các nhà máy. Bên cạnh đó, ta có thể xuất khẩu hàng của Việt Nam sang Azerbaijan và các khu vực xung quanh.
Đồng thời, nếu tăng cường hợp tác giữa hai nước, Việt Nam chúng ta sẽ là cửa ngõ của Azerbaijan khi đi vào Đông Nam Á, họ cũng là cửa ngõ của ta đi vào vùng Nam Á. Vì vậy có rất nhiều tiềm năng để 2 nước hợp tác, phát triển. Cần đẩy mạnh xã hội hóa doanh nghiệp, tổ chức nhân dân để các doanh nghiệp tự kết nối, xây dựng phong cách làm ăn, cùng phát triển, chia sẻ lợi ích theo đúng tinh thần mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho mối quan hệ Việt Nam – Azerbaijan nói chung, nền móng cho ngành Dầu khí nói riêng 65 năm trước.
Một số thành tựu đạt được của TSKH Nghiêm Vũ Khải
PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Hằng Nga – Trần Trung
Nguồn: https://www.pvn.vn/chuyen-muc/tap-doan/tin/17c16320-cd52-4ad3-b33f-ef4f706f76b3