Biết rằng các đơn vị sân khấu rất khó khăn, nhất là sau khi cơ chế sáp nhập đơn vị nghệ thuật khiến nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp của các tỉnh, thành phố khó khăn hơn.
Nhưng khi chúng ta được nhân dân, khán giả yêu mến, tin tưởng gọi với danh hiệu nghệ sĩ, thì trách nhiệm của người làm nghệ thuật, sân khấu vừa là vinh dự, vừa là động lực thôi thúc cống hiến.
Ở khía cạnh người làm sân khấu cho thiếu niên, nhi đồng phải xem lại định hướng thẩm mỹ cho các cháu đã được quan tâm hay chưa. Nhất là thông qua nghệ thuật sân khấu, chúng ta có thể dẫn dắt các cháu hiểu thêm về văn hóa dân tộc, về lịch sử, hiểu được các trận đánh của cha ông ta, hiểu được về quá khứ hào hùng của các thế hệ trong quá trình dựng nước, giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc thì đó là điều đáng quý.
Còn ở lĩnh vực kịch bản thì cần phải khắc phục nhiều điểm yếu. Các đơn vị nghệ thuật hiện chưa hiểu hết, còn lúng túng trong việc xác định đối tượng biểu diễn; hay nói cách khác chúng ta đang sáng tạo, dàn dựng những tác phẩm cho khán giả nhí theo cách của chúng ta, cái chúng ta đang có mà chưa soi vào tâm tư, nguyện vọng của các cháu, điều các cháu cần.
Bên cạnh đó khoảng cách giữa đơn vị nghệ thuật Trung ương và địa phương cả về nghệ thuật, phương thức hoạt động, nhân lực, nguồn tài chính… cũng là vấn đề dẫn tới thực trạng thiếu vắng tác phẩm sân khấu cho thiếu niên, nhi đồng.
Cần nhớ rằng, thiếu niên, nhi đồng không chỉ là khán giả tương lai của sân khấu mà còn là người làm sân khấu Việt Nam tương lai.
Vì vậy chúng ta cần xác định được rõ đối tượng, và cũng phải xác định thêm rằng làm thế nào để đưa nghệ thuật đến với khán giả tương lai. Cách thức biểu diễn của nghệ sĩ, diễn viên ra sao để kể câu chuyện nghệ thuật phù hợp với lứa tuổi, làm rung động tâm hồn trẻ thơ đang trong giai đoạn hình thành nhân cách. Đó là thách thức rất lớn với người làm sân khấu.
Nguồn: https://daidoanket.vn/ts-nguyen-dang-chuong-pho-chu-tich-hoi-nghe-si-san-khau-viet-nam-thieu-nien-nhi-dong-la-tuong-lai-cua-san-khau-10284020.html