TS Lê Công Lương, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, là 1 trong 135 nhà khoa học đã được tôn vinh trí thức khoa học công nghệ tiêu biểu năm 2024.
“Được tôn vinh là trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu là vinh dự hết sức to lớn trong cuộc đời mỗi nhà khoa học, là niềm tự hào cho cả quá trình cống hiến vì khoa học công nghệ”, TS Lê Công Lương chia sẻ.
Tự hào góp phần nhỏ bé thúc đẩy sự phát triển KH&CN
Trò chuyện với Khoa học và Đời sống/ Tri thức và Cuộc sống, TS Lê Công Lương cho hay, ông sinh ra tại Ngã ba Đồng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1985, ngay sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Vinh, ông đã lên đường nhập ngũ, tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.
“Tốt nghiệp Đại học hôm trước thì hôm sau tôi lên đường nhập ngũ. Cho đến giờ, tôi vẫn tự hào vì đã từng là lính Sư đoàn 312, Quân đoàn I, tham gia Mặt trận Vị Xuyên, Hà Giang, bảo vệ biên giới phía Bắc”, TS Lê Công Lương chia sẻ.
TS Lê Công Lương. |
Sau khi rời quân ngũ trở về, TS Lê Công Lương là giáo viên tại Trường THPT Đồng Lộc, sau đó làm công tác Đoàn Thanh niên. Năm 2008, khi Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật (Liên hiệp Hội) tỉnh Hà Tĩnh thành lập, ông Lương được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký, sau đó được bầu làm Chủ tịch Liên hiệp Hội tỉnh Hà Tĩnh.
“Việc đi theo con đường KH&CN, với tôi đó là một cơ duyên. Thời điểm đó, khi được phân công nhiệm vụ mới cùng với tôi, cũng có một vài đồng chí ngại ngần, không muốn nhận. Nhưng tôi cứ mạnh dạn nhận. Tôi tin vào bản thân có thể làm được và cũng muốn thử sức ở lĩnh vực tôi yêu thích”, TS Lê Công Lương tâm sự.
TS Lê Công Lương – Bí thư Chi bộ Khóa XVIII phát biểu nhận nhiệm vụ tại Đại hội Chi bộ Cơ quan Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhiệm kỳ 2022 – 2025. |
Cho đến nay, đã gần 30 năm, ông Lương gắn bó với sự nghiệp KH&CN, với các tổ chức của Liên hiệp Hội từ Trung ương đến địa phương.
TS Lê Công Lương luôn tự hào là đã góp một phần nhỏ bé trong việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học. Ông từng làm chủ nhiệm hàng chục đề tài, nhiệm vụ KH&CN, tham gia xây dựng và thực hiện nhiều dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ, đặc biệt đối với Quỹ Môi trường toàn cầu. Không những bản thân ông Lương tham gia, mà ông còn kết nối các tổ chức trong hệ thống Liên hiệp Hội Việt Nam trong việc tìm kiếm nguồn lực, phê duyệt và triển khai các dự án.
Nhiều năm làm công tác giảng dạy và hoạt động trong lĩnh vực khoa học kỹ thuật, TS Lê Công Lương đã biên soạn tài liệu về nghiệp vụ công tác hội, đoàn thể, xây và triển khai, giám sát đánh giá các đề tài, dự án, tham gia tập huấn cho hơn 60 lớp đào tạo của các hội thành viên, tổ chức khoa học công nghệ trực thuộc.
Xây dựng đội ngũ trí thức là trách nhiệm của toàn xã hội
Trong cuộc đời hoạt động của mình, nếu tính cả thời gian dạy học, ông Lương đã có gần 40 năm gắn bó với công tác vận động trí thức và hoạt động hội. Đề tài tiến sĩ của ông là “Đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác vận động trí thức”. Vì vậy, hơn ai hết ông hiểu được tầm quan trọng của đội ngũ trí thức đối với việc xây dựng và phát triển đất nước.
TS Lê Công Lương (thứ 2 từ phải sang) và Đoàn đại biểu thăm Hải quân vùng 1. |
“Trí thức là những người tạo ra động lực để phát triển, những người nghiên cứu, sáng tạo tìm ra cái mới, phản biện, tư vấn cho những đề tài, dự án lớn phát triển kinh tế, xã hội cũng như phát triển khoa học, giáo dục cũng như các lĩnh vực.
Đặt giả thiết, nếu không có các trí thức, các nhà khoa học, không có sự sáng tạo, phát triển thì tất cả các ngành, lĩnh vực đều dừng lại và nhân loại cũng sẽ không thể tồn tại được. Nhất là trong thời đại ngày nay, khi KH&CN phát triển vượt bậc thì vai trò của đội ngũ trí thức hơn lúc nào hết cần phải được tôn trọng, động viên, khuyến khích, tạo mọi điều kiện để họ cống hiến nhiều hơn nữa cho đất nước và nhân loại”, TS Lê Công Lương cho hay.
Theo TS Lê Công Lương, công tác vận động trí thức đã được quán triệt trong nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết 2 – NQ/TW 7. Tuy nhiên, công tác vận động trí thức không chỉ thuộc Đảng, Nhà nước, mà các tổ chức như Liên hiệp Hội Việt Nam và mỗi tổ chức, gia đình, cá nhân đều có thể tham gia, tích cực góp phần vào công tác này.
“Mỗi gia đình nuôi con ăn học, tốt nghiệp Đại học, làm tiến sĩ, làm khoa học, cũng chính là đã góp phần xây dựng đội ngũ trí thức. Như vậy, xây dựng đội ngũ trí thức không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, mà là của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, toàn xã hội”, TS Lê Công Lương nhấn mạnh.
TS Lê Công Lương tại Lễ tôn vinh trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024. |
Điều ông Lương trăn trở, mong muốn, là Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành cần quan tâm tạo điều kiện hơn nữa cho các tổ chức của trí thức làm tốt chức năng nhiệm vụ của mình, đoàn kết tập hợp và phát huy vai trò của đội ngũ trí thức trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo TS Lê Công Lương, việc tôn vinh trí thức KH&CN thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với trí thức – thành phần rất quan trọng trong liên minh công – nông – trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sáng tạo là động lực để phát triển, những người làm nên sự sáng tạo đó chính là các nhà khoa học, các trí thức KH&CN. Sự tôn vinh sẽ thúc đẩy, tạo cho họ động lực, niềm vui để họ tiếp tục cống hiến, phát triển, đưa khoa học trở thành then chốt xây dựng, phát triển đất nước.
Với những đóng góp cho KH&CN, TS Lê Công Lương đã được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Ba; nhiều bằng khen và danh hiệu Chiến sĩ thi đua của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam năm 2013, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND tỉnh Hà Tĩnh; Kỷ niệm chương Cựu chiến binh Mặt trận Vị Xuyên của Sư đoàn 312, Quân đoàn I; và Kỷ niệm chương của nhiều ban, bộ ngành, đoàn thể.
Nguồn: https://khoahocdoisong.vn/ts-le-cong-luong-tri-thuc-la-nhung-nguoi-tao-ra-dong-luc-de-phat-trien-post251065.html