Ngày 7-12, tọa đàm “Vai trò truyền thông trong du lịch” do Sở Du lịch TP HCM tổ chức đã diễn ra, với sự tham gia của các tổng biên tập và lãnh đạo các báo, đài truyền hình, doanh nghiệp (DN) du lịch, truyền thông. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch TP HCM lần thứ 13.
Hiệu quả kép cho du lịch
Theo số liệu của Sở Du lịch TP HCM, trong năm 2023, khách quốc tế đến thành phố ước đạt 5 triệu lượt, tăng 44,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Khách du lịch nội địa khoảng 35 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch khoảng 160.000 tỉ đồng.
Phát biểu tại tọa đàm, ông Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, nhận định những kết quả của ngành du lịch TP HCM đạt được trong năm qua là đáng khích lệ trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19 và kinh tế khó khăn. Đây là nỗ lực của TP HCM và ngành du lịch với nhiều sáng tạo trong cách làm, truyền thông, trong đó có sự đóng góp của giới truyền thông cả nước, cũng như giới truyền thông TP HCM.
“Trong cách làm truyền thông, quảng bá, có thể tham khảo từ những điểm đến nước ngoài, làm sao thu hút khách đến và sẵn sàng chi tiêu. Nói như lãnh đạo TP HCM là không quá nặng về số lượng khách mà cần đẩy mạnh khai thác chi tiêu, bởi nếu khách đông nhưng đi theo tour 0 đồng thì ngành du lịch không hưởng lợi. Làm sao để khách đến rồi trở lại 2-3 lần, sẵn sàng chi tiêu và luôn cảm thấy đây là nơi thôi thúc trong tâm hồn để bản thân và gia đình muốn trở lại” – ông Tô Đình Tuân gợi mở.
Ngoài sự đóng góp của lãnh đạo TP HCM và ngành du lịch, cần có sự đồng hành của các cơ quan báo chí. Riêng Báo Người Lao Động, từ đầu năm 2023 đến nay đã có khoảng hơn 600 tin bài, hàng trăm clip, hình ảnh về du lịch cả nước, trong đó trên 100 tin bài, clip là về du lịch TP HCM.
Những con số này cho thấy du lịch thu hút sự quan tâm của truyền thông, trong đó có Báo Người Lao Động, qua việc thực hiện nhiều loạt bài, nhận được sự tương tác cao của bạn đọc và của ngành du lịch. Báo còn tổ chức diễn đàn, cuộc thi “Lắng nghe người dân hiến kế”, trong đó bạn đọc đóng góp làm sao phát triển du lịch TP HCM hơn nữa.
Nhà báo Nguyễn Ngọc Toàn, Tổng Biên tập Báo Thanh Niên, dẫn câu chuyện tìm thử trên Google cụm từ “Tuần lễ du lịch TP HCM” và nhận được gần 115 triệu kết quả. Nhiều thông tin nổi bật đến từ các cơ quan báo chí, truyền thông có mặt tại buổi tọa đàm này cho thấy vai trò của truyền thông. Ở góc độ xây dựng và phát triển, báo chí là kênh chuyển tải các chủ trương, cơ chế, chính sách về du lịch đến người dân và du khách. Bên cạnh đó, truyền thông cũng phản ánh những bất cập trong việc áp dụng, thực thi các quy định pháp luật trong thực tiễn, từ đó kiến nghị, đề xuất các quy định phù hợp với sự vận động của thị trường…
“Như chính sách nới visa, tăng thêm các nước được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam đã được báo chí đề cập rất nhiều trong thời gian dài và nhờ thế, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện. Chúng tôi vẫn đang đồng hành với TP HCM, cùng ngành du lịch tiếp tục kiến nghị nới rộng thêm chính sách miễn visa” – ông Nguyễn Ngọc Toàn cho biết.
Hiến kế phát triển du lịch qua truyền thông
Theo ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, ngành du lịch xác định muốn phát triển bền vững, xứng tầm với tiềm năng, cần phải có sự truyền thông đúng mực, chân thực, khách quan. Sự phối hợp giữa truyền thông và ngành du lịch là phương án cộng hưởng nguồn lực, mang đến hiệu quả kép tối ưu để thu hút du khách đến Việt Nam, đồng thời cũng kích thích nhu cầu du lịch của khách nội địa, góp phần đưa du lịch ngày càng phát triển.
“Sở Du lịch thành phố sẽ cởi mở, chủ động cung cấp thông tin cho báo chí và các kênh truyền thông. Hai bên sẽ đồng hành để có những thông tin bổ ích, có giá trị hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc; từ đó truyền thông tốt hơn cho sự phát triển của ngành du lịch” – ông Hòa nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, lãnh đạo các cơ quan báo chí, DN du lịch, DN truyền thông đã đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất, hiến kế để du lịch TP HCM nói riêng và du lịch Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa.
Nhà báo Lê Thế Chữ, Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, nhìn nhận dù có khá nhiều tin bài truyền thông về ngành du lịch TP HCM trong năm qua nhưng chưa có nhiều hình ảnh con người thành phố. Yếu tố con người đóng vai trò quan trọng trong du lịch. Như dịp Festival Phở Việt Nam tại Nhật Bản vừa qua, sự kiện này đã thu hút hơn 85.000 lượt người đến thưởng thức món ăn Việt, từ đó góp phần quảng bá du lịch ẩm thực.
Qua khảo sát từ độc giả của Báo Phụ nữ TP HCM, hơn 60% bạn đọc tiếp cận tin tức qua các nền tảng mạng xã hội, trong khi chỉ khoảng 30% bạn đọc chủ động truy cập trực tiếp báo điện tử. Nhà báo Lý Việt Trung, Tổng Biên tập Báo Phụ nữ TP HCM, cho rằng thành phố có rất nhiều sự kiện, hoạt động hấp dẫn, như việc công bố “100 điều thú vị”. Nếu kết hợp quảng bá tốt sẽ đăng tải lên nhiều kênh truyền thông, mạng xã hội để tăng tương tác, quảng bá tới du khách.
Đề xuất 4 giải pháp cùng du lịch TP HCM
Nhà báo Tô Đình Tuân đề xuất 4 giải pháp để du lịch TP HCM trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.
Thứ nhất, cần tiếp tục xây dựng nhiều sản phẩm, tour tuyến mới, đáp ứng nhu cầu mua sắm, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí của du khách. Du lịch chữa bệnh là xu hướng rất lớn, cần tập trung đẩy mạnh…
Thứ hai, cần bám sát hơn nữa các thế mạnh của TP HCM, nhất là sông nước. Du lịch TP HCM cần khai thác gắn với khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Khách tới TP HCM vui chơi, nghỉ dưỡng nhưng có thể du lịch tiếp các tỉnh lân cận; cần đẩy mạnh thông qua chương trình liên kết.
Thứ ba, cần phải gắn kết hơn nữa du lịch với các hoạt động thể thao, nghệ thuật, ẩm thực, mới đây là du lịch golf đầy tiềm năng.
Thứ tư, là giải pháp hợp tác gắn kết giữa ngành du lịch và báo đài, vốn còn dư địa rất lớn. Nếu có sự đầu tư đúng tầm sẽ tạo hiệu ứng đồng loạt đưa du lịch trở thành ngành công nghiệp không khói.
Báo Người Lao Động nhận 2 giải báo chí về du lịch
Ngày 7-12, Sở Du lịch TP HCM phối hợp với Hội Nhà báo thành phố tổ chức lễ trao giải Báo chí viết về Du lịch TP HCM lần thứ 13 năm 2023.
Giải thưởng này là dịp để các cơ quan báo đài, truyền thông nâng cao chất lượng, hiệu quả việc xây dựng, định hướng phát triển du lịch ổn định, bền vững; đẩy mạnh công tác truyền thông quảng bá, xúc tiến về du lịch thành phố trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Ban Tổ chức đã nhận 228 tác phẩm tin, loạt bài, phóng sự của các loại hình phát thanh – truyền hình, báo in, báo điện tử và ảnh báo chí tham gia.
Tổng cộng, có 25 tác phẩm ở 3 thể loại được trao giải. Trong đó, Báo Người Lao Động nhận 2 giải, gồm: giải nhất thể loại Ảnh báo chí với tác phẩm “Diện mạo sông Sài Gòn lung linh chưa từng có tại Lễ hội sông nước” của phóng viên Hoàng Triều; giải khuyến khích thể loại Báo in – Báo điện tử với loạt bài “Tạo vị thế riêng cho du lịch TP HCM” của phóng viên Thái Phương.
Linh Anh