Ukraine kêu gọi Đức tăng viện trợ, NATO nêu kỳ vọng về chiến dịch phản công, Mỹ ‘trút’ thêm vũ khí là một số diễn biến mới nhất về tình hình Ukraine.
Mỹ sẽ tiếp tục gửi thêm nhiều xe chiến đấu bộ binh Bradley tới Ukraine. (Nguồn: NARA) |
Ngày 13/6, người đứng đầu Tập đoàn quân sự tư nhân Wagner của Nga Yevgeny Prigozhin cho biết ông “không chắc” liệu nhóm này có lưu lại Ukraine sau khi chiến dịch giành quyền kiểm soát thành phố Bakhmut ở miền Đông Ukraine kéo dài trong nhiều tháng hay không.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, đại diện Bộ Quốc phòng Nga thông báo lực lượng nước này đã đẩy lùi hoạt động tấn công của Ukraine gần các làng Makarivka, Rivnopil và Prechystivka ở phía Nam Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng. Đáp lại Bộ này cho biết Các Lực lượng Vũ trang Ukraine (VSU) hiện đang tiếp tục tấn công khu phía Nam Donetsk và Bakhmut.
Về phần mình, Ukraine tuyên bố quân đội của Kiev đã giành lại quyền kiểm soát một số ngôi làng từ lực lượng Nga ở phía Đông Nam kể từ khi bắt đầu cuộc phản công vào tuần trước.
* Cùng ngày, truyền thông phương Tây đã công bố một số thông tin về tổn thất ban đầu về thiết bị quân sự của Ukraine trong chiến dịch phản công vừa qua.
Cụ thể, kênh truyền hình CNN (Mỹ) ghi nhận VSU đã mất ít nhất 16 xe chiến đấu bộ binh M2A2 Bradley tuần qua, xấp xỉ 1/6 tổng số xe Kiev nhận được từ Washington. Tổng cộng, Mỹ đã chuyển giao 113 chiếc Bradley cho Ukraine.
Tạp chí Military Watch (Mỹ) viết: “Mẫu xe chiến đấu này (M2A2 Bradley) được thiết kế để đối đầu với xe tăng Liên Xô như T-55, và đã chứng tỏ được năng lực trong cuộc Chiến tranh vùng Vịnh. Tuy nhiên, khả năng tồn tại của nó trên chiến trường thế kỷ 21 trước một đối thủ lớn như Nga đặt ra một vấn đề nghiêm túc”.
* Trong một tin liên quan, ngày 13/6 tại Kiev, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tiếp Tổng Giám đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Rafael Grossi.
Trong buổi gặp gỡ, ông Zelensky đã đề cập các biện pháp giảm thiểu nguy cơ đối với Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, cũng như ủng hộ đề xuất cử một nhóm chuyên gia của IAEA tới đánh giá hậu quả của vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka.
Nhà lãnh đạo này nhận định “hành động phá hoại” của Nga với đập thủy điện Kakhovka đã làm gia tăng nguy cơ an ninh cho nhà máy và do đó, cộng đồng quốc tế cần đưa ra phản ứng nhanh chóng và quyết đoán trước “hành động khủng bố”này. Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh cách thức duy nhất để ngăn chặn thảm họa hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia là tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn, với Nga rút quân và trao trả lại quyền kiểm soát nhà máy này cho Ukraine.
Hai bên cũng thảo luận về phương hướng tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Kiev và IAEA thời gian tới.
* Về viện trợ quân sự, ngày 13/6, Thứ trưởng Ngoại giao Ukraine Andriy Melnik đã đề nghị Đức tăng số lượng xe tăng Leopard 2 cung cấp cho Kiev lên gấp 3 lần so với ban đầu là 18 chiếc. Quan chức này bày tỏ: “Quân đội Ukraine trước tiên cần số lượng đáng kể xe tăng chiến đấu chủ lực, xe chiến đấu bộ binh và các phương tiện bọc thép khác do phương Tây sản xuất. Mỗi chiếc xe tăng Leopard 2 thực sự đáng giá bằng vàng đối với đợt tấn công mang tính quyết định này”.
Nhà ngoại giao Ukraine cũng đề nghị Berlin viện trợ bổ sung 60 xe bọc thép chở quân Marder, 10% xe bọc thép chở quân Puma, xe tăng bánh lốp Boxer và xe bọc thép trinh sát Fennek đang nằm trong phiên chế của quân đội Đức, đồng thời tuyên bố ý định nhắc lại vấn đề chuyển giao tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev.
Der Tagesspiegel (Đức) đánh giá nhu cầu của Ukraine đối với các trang thiết bị quân sự đang không ngừng tăng lên. Tờ báo này cũng nêu rõ: “Ukraine đang chờ quyết định chiến lược của Đức về việc tích cực tham gia liên minh cung cấp máy bay chiến đấu, qua đó ngay lập tức cho phép đào tạo phi công Ukraine lái chiến đấu cơ Eurofighter và cung cấp một phần trong số 130 máy bay hiện có”.
* Ngày 13/6, phát biểu tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng với Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg khẳng định: “Người Ukraine đang đạt được tiến triển, sẽ đạt được tiến triển…Người Ukraine càng giải phóng được nhiều lãnh thổ thì họ càng có nhiều quyền lực hơn trên bàn đàm phán”.
Về phần mình, Tổng thống Biden đánh giá cao các nỗ lực Tổng Thư ký Stoltenberg – người sẽ rời nhiệm sở tháng Mười tới. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng phản ứng của NATO đối với xung đột ở Ukraine đã khiến liên minh này trở nên mạnh mẽ hơn. Về cam kết bảo vệ lẫn nhau của các quốc gia thành viên NATO, nhà lãnh đạo này cũng nêu rõ: “Chúng ta đã tăng cường sức mạnh cho sườn phía Đông của NATO, chúng ta sẽ bảo vệ từng tấc đất lãnh thổ NATO”. Đồng thời ông cũng nhắ lại cam kết “sắt đá” của Mỹ đối với Điều 5 Hiến chương NATO.
Cùng ngày, Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 13/6 đã công bố gói viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD dành cho Ukraine. Trong gói viện trợ thứ 40 này, Washington tiếp tục cách sử dụng quyền Rút vốn của Tổng thống (PDA), cho phép Chính phủ Mỹ chuyển giao các sản phẩm và dịch vụ quốc phòng từ các kho dự trữ nhanh chóng trong trường hợp khẩn cấp mà không thông qua Quốc hội.
Ukraine sẽ nhận thêm tên lửa cho Hệ thống Tên lửa Đất đối không Tiên tiến Quốc gia (NASAMS), đạn cho Hệ thống Tên lửa Pháo binh Cơ động cao (HIMARS), đạn pháo 155 mm, hệ thống phòng không Stinger và vũ khí chống tăng. Ngoài ra, gói viện trợ này còn có 15 xe chiến đấu bộ binh Bradley, 10 xe bọc thép chở quân Stryker, thiết bị liên lạc an toàn và 22 triệu viên đạn cho vũ khí hạng nhẹ.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát ngày 24/2, Washington đã cung cấp khoảng 40 tỷ USD cho Kiev, thời điểm bắt đầu nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine.