- Cần Thơ – Truyền thông bình đẳng giới đến doanh nghiệp và sinh viên
- Phát động cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật về Bình đẳng giới và phòng ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”
- Thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần giảm thiểu mất cân bằng giới tính
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) TP Cần Thơ – cơ quan Thường trực Ban VSTB của phụ nữ thành phố, vừa tổ chức buổi truyền thông BĐG cho 300 sinh viên các trường cao đẳng trên địa bàn thành phố với chủ đề “BĐG, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”. Tại đây, các sinh viên được giao lưu, chia sẻ, nắm bắt những quy định pháp luật liên quan đến BĐG; phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ); quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực BĐG. Và tổ chức buổi truyền thông Bình đẳng giới, phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho 150 quản lý và nhân viên các bộ phận công ty Taewang Cần Thơ với chủ đề “Bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”. Hiện, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ còn triển khai phát động cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về BĐG và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới” năm 2023.
Chia sẻ của sinh viên Nguyễn Hoàng Đức, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Cần Thơ: Buổi truyền thông giúp chúng em hiểu rõ hơn về công tác BĐG và VSTB của phụ nữ, tôn trọng các bạn nữ nhiều hơn. Chúng em rất hào hứng nhất là các câu hỏi trong phần đoán ô chữ với nội dung xoay quanh Luật BĐG, Luật Phòng, chống BLGĐ, phòng ngừa và ứng phó bạo lực trên cơ sở giới… Mong rằng ngành chức năng tiếp tục duy trì những buổi truyền thông nhằm nâng cao ý thức về BĐG và VSTB của phụ nữ.
Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ phối hợp cơ quan truyền thông, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và UBND quận, huyện tham mưu, thực hiện tuyên truyền BĐG và VSTB của phụ nữ với nội dung và hình thức ngày càng phong phú, đa dạng, như: Treo băng-rôn trên các tuyến đường, tổ chức hội thi, hội thảo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho đội ngũ trực tiếp làm công tác BĐG, lồng ghép triển khai nội dung liên quan BĐG trong các hoạt động của ngành, vận động chi phí, tổ chức thăm hỏi và tặng quà phụ nữ nghèo vượt khó, trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại. Riêng ở cơ sở, các ban, ngành, đoàn thể truyền thông về BĐG và phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới thông qua sinh hoạt ra dân tận xóm ấp, khu vực, truyền thông trên đài truyền thanh…
Theo Ban VSTB của phụ nữ thành phố, hiện nay, ở một vài địa phương vẫn còn tình trạng bạo lực gia đình, trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực; nhận thức về BĐG trong một số ít gia đình còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Một số ít ngành, địa phương đôi lúc chưa quan tâm nhiệm vụ công tác BĐG… Đó là những rào cản trong quá trình thực hiện BĐG. Sự bất BĐG sẽ ảnh hưởng về quyền lợi, nghĩa vụ, phân công lao động, cơ hội việc làm, tiền lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến giữa nam và nữ, nhất là phụ nữ ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Bà Phan Quỳnh Dao, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ cho biết: Thời gian qua, ngành LĐ-TB&XH đã tích cực tuyên truyền về bình đẳng giới, góp phần làm chuyển biến nhận thức và hành vi của cộng đồng dân cư về giới và bình đẳng giới trong quan hệ đối xử giữa nam và nữ, góp phần vào việc thay đổi nhận thức của xã hội theo hướng tiến bộ về vị trí, vai trò đặc biệt là phụ nữ, giúp họ khẳng định được bản thân mình trong xã hội. Sở LĐ-TB&XH đã tổ chức buổi truyền thông Bình đẳng giới, phòng, ngừa ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới.
“Thời gian tới, để công tác BĐG và VSTB của phụ nữ trên địa bàn TP Cần Thơ đạt hiệu quả, Sở tiếp tục tăng cường công tác truyền thông cả chiều rộng lẫn chiều sâu, truyền thông đến từng nhóm đối tượng với những nội dung, hình thức phù hợp sở thích, nhu cầu. Trong đó, tập trung truyền thông đến nhóm cán bộ quản lý, người trực tiếp làm công tác BĐG, người lao động, người sử dụng lao động, sinh viên và các tầng lớp nhân dân. Quan tâm duy trì, phối hợp các cơ quan truyền thông Trung ương và địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội đối với giới và BĐG, nâng cao năng lực đối với người làm công tác BĐG cấp cơ sở”, bà Quỳnh Dao chia sẻ.
Thời gian qua, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã triển khai kế hoạch thực hiện hiệu quả 5 mô hình tại một số đơn vị, địa phương, gồm: Câu lạc bộ Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới; Tổ phòng, chống bạo lực giới; Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng; Hỗ trợ xã, phường xây dựng, sửa đổi Quy ước đảm bảo nguyên tắc BĐG và Cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Trung tâm Công tác Xã hội thuộc Sở LĐ-TB&XH thành phố. Qua triển khai thực hiện, các mô hình đã làm chuyển biến nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG trong đội ngũ cán bộ, công chức và mọi tầng lớp nhân dân về nhiều mặt, đảm bảo cơ hội tham gia và hưởng lợi bình đẳng giữa nam và nữ trên các lĩnh vực đời sống xã hội; tình hình bạo lực gia đình giảm đáng kể.
Bên cạnh đó, chị em được tự do tham gia các hoạt động có ích cho xã hội và mạnh dạn đóng góp nhiều ý kiến có lợi cho giới nữ trong các buổi họp nhóm; được ưu tiên tham gia học các lớp nghề do địa phương tổ chức; quyền quyết định kế hoạch hóa gia đình, ít con để nuôi dạy tốt; được vay vốn để sản xuất, đứng chủ hộ trong gia đình, quyền được bình đẳng… Ngoài ra, có những đối tượng trước đây thường gây ra bạo lực gia đình, sau khi được tư vấn đều có suy nghĩ tích cực, biết sửa sai, biết chia sẻ, gánh vác công việc trong gia đình, giảm bớt tệ nạn xã hội, lo lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.