Theo đại biểu Phạm Nam Tiến, báo cáo Chính phủ xác định nhiệm vụ chủ yếu và giải pháp thời gian tới có lĩnh vực thứ 10 đặt ra với lĩnh vực thông tin truyền thông. Có thể tóm gọn 3 nhiệm vụ then chốt đó là truyền thông chính sách, ngăn chặn thông tin xấu độc, tạo đồng thuận xã hội.
Ở đây, đại biểu Phạm Nam Tiến nhấn mạnh truyền thông tạo đồng thuận trong xây dựng, thực thi chính sách. Đó là mấu chốt, nhiệm vụ cho thực hiện mục tiêu nhiệm vụ truyền thông khác.
Qua tiếp xúc cư tri thấy rõ niềm tin của cử tri và Nhân dân vào quyết tâm của Đảng, Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Cử tri cho biết, từ các phiên họp của Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Ủy ban kiểm tra Trung ương và hoạt động bước đầu hiệu quả, chủ động của Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng tiêu cực cấp tỉnh cùng sự chủ động, tích cực của UBMTTQ Việt Nam các cấp cùng các bộ, ban, ngành, địa phương về lĩnh vực này đã đem lại sự tin tưởng lớn cho người dân đối với công cuộc chỉnh đốn đảng hiện nay.
Điều đó khẳng định, thông tin minh bạch, kịp thời là vô cùng cần thiết nhưng quan trọng hơn cả là thông tin ấy có thể kích thích sự tích cực, chủ động tham gia của công chúng. Người dân có thể góp ý về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng bằng niềm tin và sự lạc quan. Người dân có thể cùng nhau nghĩ ra phương cách để phòng chống dịch Covid-19 hiệu quả cùng đất nước. Người dân có thể góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với những điều khoản phù hợp, tích cực nhất.
Những điều này góp phần phản ứng chính sách kịp thời hơn, trước những tình huống bất ngờ và cấp bách, đó cũng tạo nên sự đồng thuận xã hội. Mô hình truyền thông hiệu quả là hình thành văn hóa đối thoại, bảo đảm quyền được biết của công chúng; đồng thời xây dựng môi trường công khai, minh bạch cho việc thảo luận thực thi chính sách. Do vậy, truyền thông phải gắn liền với công tác dân vận dân chủ ở cơ sở. Truyền thông cần là quá trình đối thoại chính sách, kích thích sự tham gia tích cực, chủ động của người dân, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trong bối cảnh truyền thông xã hội ngày càng trở nên phổ biến. Công chúng ngày càng tiếp nhận thông tin nhiều hơn từ các phương tiện truyền thông xã hội, những sự cố, khủng hoảng truyền thông cũng diễn ra nghiêm trọng hơn thì truyền thông để tạo sự đồng thuận, nhất là góp ý, phản biện chính sách là việc khó, đòi hỏi sự thay đổi nhận thức, đầu tư nguồn lực và cả sự hiểu biết sâu rộng, cách làm mới của những người làm truyền thông.
Nhiều khi, vấn đề đặt ra chưa hẳn là chính sách đúng với pháp luật hay không mà là có khả thi, có hợp lý, hiệu quả không. Tất cả những điều này, đòi hỏi người làm truyền thông không chỉ nắm vững được những vấn đề chính sách phức tạp mà còn cần bản lĩnh chuyên nghiệp. Điều này đòi hỏi các cơ quan truyền thông cần phải có sự chuyển biến mạnh về mô hình hoạt động, có những mô hình truyền thông số đa dạng. Có như vậy, mới tạo được sự đồng thuận, mới đấu tranh phản bác được với thông tin xấu độc, sai sự thật.
Từ thực tế này, đại biểu Phạm Nam Tiến kiến nghị bổ sung thêm vào báo cáo về nhiệm vụ thông tin truyền thông đó là đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo trong hoạt động thông tin truyền thông để cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, chất lượng. Bên cạnh đó, thông tin truyền thông cũng cần có những nhận diện đột phá, đổi mới đầu tư hơn để thực hiện đúng vị trí, vai trò, có thể theo kịp và đáp ứng thực tế cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội.