Trong bối cảnh nhiều người đang cảm thấy bị bủa vây, ngột ngạt trong “biển cả” thông tin, việc định danh tài khoản mạng xã hội là hành động cần thiết…
Theo nhiều chuyên gia, việc định danh các tài khoản mạng xã hội là cần thiết. (Nguồn: Internet) |
Ngày 8/5 vừa qua, tại phiên giải trình của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Thứ trưởng Bộ Thông tin – Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm cho biết, chậm nhất đến cuối năm nay, sẽ có nghị định mới nhằm yêu cầu chủ tài khoản mạng xã hội phải thực hiện định danh.
Tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức sẽ phải thực hiện định danh. Việc này sẽ áp dụng cho cả mạng xã hội là Facebook, Youtube, Tiktok… Các tài khoản mạng xã hội không định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý với mức độ khác nhau.
Việc yêu cầu định danh tài khoản mạng xã hội được xem là hành động cần thiết nhằm tạo sự trong sạch, minh bạch cho không gian mạng; quy định cả với mạng xã hội xuyên biên giới cũng như ứng dụng OTT nước ngoài. Nếu các ứng dụng, nền tảng này không đáp ứng yêu cầu định danh sẽ bị ngăn chặn, xử lý.
Có thể nói, mạng xã hội trong kỷ nguyên số được xem là “vũ khí” lợi hại. Người sử dụng nhiều lúc cảm thấy như bị bủa vây, ngộp thở trong “biển cả” thông tin, nhất là thực trạng tin giả xuất hiện tràn lan. Trong khi đó, không phải ai cũng có khả năng chọn lọc thông tin, biết sử dụng mạng xã hội một cách an toàn, thông minh.
Đặc biệt, hình thức livestream (phát trực tiếp) ngày càng phát triển trên các nền tảng mạng xã hội. Không hiếm cuộc “bóc phốt” người này người kia, nhất là đối với người nổi tiếng. Hiện tượng này diễn ra nhan nhản, kéo theo rất nhiều hệ lụy.
Việc những tin giả, tin sai sự thật phát tán tràn lan trên không gian mạng đã tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhận thức, suy nghĩ và hành vi của người sử dụng. Nói đúng hơn, việc lan truyền các tin giả một cách vô tội vạ đã và đang tác động không nhỏ đến tâm lý, đời sống xã hội của người dân, nhất là giới trẻ.
Để “câu” lượng truy cập, tăng tương tác, không ít người sẵn sàng đưa ra những video không rõ nguồn gốc, truyền tải những hình ảnh độc hại đối với giới trẻ. Không khó để xem các video bạo lực học đường, học sinh lột áo bạn để đánh ghen… Những video này rất có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ, làm lệch lạc hành động của giới trẻ.
Không chỉ thế, nhiều clip được cắt ghép, dàn dựng về việc đánh ghen, về thái độ khinh thường bạn học, để tăng bình luận, câu kéo tranh luận tăng tương tác. Những chiêu trò tiêu cực, độc hại như vậy sẽ ngấm vào suy nghĩ của trẻ, tác động xấu đến các em và để lại những hậu quả khôn lường.
Không ít người ảo tưởng về quyền lực, bất chấp các quy định của pháp luật. Họ sẵn sàng đưa tin sai sự thật, tạo ra sự cố giật cân, tin hot để hút view, hút like. Không chỉ vậy, dù là câu chuyện buồn như một đứa trẻ tự tử, không ít “anh hùng bàn phím” ra sức bình luận, phân tích nguyên nhân và đổ lỗi cho người lớn. Nhiều người lan truyền video mặc kệ nỗi đau của gia đình đó.
Hay một cô giáo trong lúc nóng giận đã có hành động hoặc lời nói thiếu kiểm soát với học sinh. Khi sự việc bị đưa lên mạng xã hội, chưa cần biết đúng sai, hàng loạt bình luận xúc phạm giáo viên đó, khiến cho người trong cuộc bị vùi dập, khó có thể tiếp tục công việc giảng dạy sau sự việc.
Không ít lời chỉ trích đổ dồn về giáo viên đó, thậm chí cả người thân của họ, tạo nên dư luận sai lệch. Dù chỉ là vài chữ trên mạng xã hội thôi cũng có thể khiến nhiều người, nhiều gia đình đau khổ, thậm chí tan vỡ. Nhiều người bị tổn thương chỉ vì cái gọi là “quyền lực mạng xã hội” như thế.
Từ thực trạng đó, nhiều chuyên gia cũng lên tiếng cần thiết có các chế tài xử lý vi phạm. Nhưng vấn đề quan trọng là, bản thân người làm truyền thông, người tham gia mạng xã hội cũng cần phải có cái tâm. Bởi dù chỉ là một dòng tin, bình luận của mỗi người cũng có thể ảnh hưởng đến một doanh nghiệp, đến nhiều người lao động, đến danh dự, nhân phẩm và cuộc sống của người khác.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã có quyết định ban hành “Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội” quy định nhiều nội dung cụ thể, chi tiết về hành vi ứng xử cũng như chuẩn mực đạo đức, văn hóa trên không gian mạng, khuyến nghị đối với các tổ chức, cá nhân, nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội.
Tuy nhiên, điều quan trọng là tạo ý thức cho người dùng mạng xã hội. Nâng cao trách nhiệm xã hội của mỗi người trong việc sử dụng mạng. Hãy suy nghĩ, đừng vội vã, đừng để một lời bình, một câu nói của mình mà làm tổn hại, ảnh hưởng, thậm chí “giết” chết cả cuộc đời, hại cả một nhân cách của người khác.
Để làm trong sạch không gian mạng, rất cần các cơ quan chức năng mạnh tay hơn, xử lý nghiêm minh hơn. Đồng thời, vẫn cần sự chung tay, trách nhiệm giáo dục con trẻ của cha mẹ, giáo viên. Cần nhiều hơn những tiết học về các ứng xử cũng như xử lý trước thông tin trên mạng. Làm sao để trẻ bản lĩnh, tự tin trong việc chọn lọc thông tin, để không sa đà vào những chiêu trò câu like rẻ tiền.
Làm trong sạch môi trường mạng là một đòi hỏi chính đáng của xã hội. Công chúng mong sẽ không còn những quảng cáo “bẩn”, không còn tình trạng người mua hàng bị sập bẫy, vì lòng tin mà mua phải những viên thuốc, những món hàng kém chất lượng.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, có thể nói mạng xã hội đã không còn ảo nữa. Do vậy, việc định danh các tài khoản số là rất cần thiết. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân khi tham gia mạng xã hội, hạn chế hiện tượng lừa đảo, tin giả, tin độc tràn lan trên mạng.
TS. Lưu Bình Nhưỡng: Dân số cán mốc 100 triệu người – đừng để vuột mất cơ hội dân số vàng TS. Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, với dân số 100 triệu người, nước … |
Chuyên gia tâm lý: Sự bỏ qua hay thờ ơ chính là tiếp tay cho nạn bạo lực học đường leo thang Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, chuyên gia tâm lý học lâm sàng cho rằng, một lý do khiến bạo lực học đường diễn ra … |
Sử dụng mạng xã hội: Người truyền thông, người tiếp nhận đều cần trang bị cho mình ‘bộ lọc’ thông tin Hơn 10 năm qua, mạng xã hội phát triển không ngừng tại Việt Nam với nhiều nền tảng khác nhau. Công cụ mạng xã hội … |
Chuyên gia giáo dục: Ngăn chặn sớm bạo lực học đường từ việc giúp trẻ kiểm soát hành vi Cần giáo dục để trẻ tự kiểm soát được cảm xúc và hành vi thay vì tìm cách xử lý, giải quyết hệ lụy của … |