Hai sự kiện lớn, mở đầu và kết thúc năm 2023: Diễn đàn Kinh tế báo chí và Hội nghị báo chí Toàn quốc đều tập trung vào câu chuyện nguồn thu của báo chí đủ thấy tới thời điểm này, bài toán kinh tế đã trở nên nan giải, hóc búa đến thế nào với các cơ quan báo chí. Trước thềm 100 năm, Báo chí Việt Nam đang buộc phải chuyển mình mạnh mẽ để thích ứng với bối cảnh truyền thông mới, nhưng đó cũng là cuộc chuyển mình không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh, cơm áo không đùa…
1.Nếu được hỏi điều gì hiện đang là nỗi bận tâm lớn nhất của các toà soạn, câu trả lời chung nhất chắc chắn không gì khác ngoài câu chuyện kinh tế, nguồn thu.
Hiện nay, cả nước có 6 cơ quan báo chí chủ lực đa phương tiện; 127 báo, 673 tạp chí; 72 cơ quan phát thanh, truyền hình.
Khác nhau về loại hình nhưng giống nhau ở tình cảnh sụt giảm về thu, nhất là các đài truyền hình và cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn về tài chính.
Thực ra, khó khăn này đã khởi phát từ nhiều năm qua. Qua khảo sát số liệu từ 159 cơ quan báo chí in và điện tử (81 báo, 78 tạp chí), trong 2 năm đại dịch, tổng doanh thu đều giảm, trong đó, tổng doanh thu khối báo trong năm 2021 giảm 30,6% so với năm 2020 (năm 2020 là 2.855 tỷ đồng, năm 2021 là 1.952 tỷ đồng); tổng doanh thu khối tạp chí từ 307 tỷ đồng năm 2019 giảm còn 259 tỷ đồng trong năm 2020 và năm 2021 tiếp tục giảm mạnh xuống chỉ còn 170 tỷ đồng. Doanh thu Đài phát thanh, truyền hình năm 2021 cũng giảm 10% so với năm 2020.
Năm 2022, và nhất là năm 2023 vừa qua, khi tăng trưởng giảm sút, doanh nghiệp ngày càng rơi vào vòng xoáy khó khăn, doanh thu quảng cáo của các cơ quan báo chí giảm gần như theo chiều thẳng đứng. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm đã phải thốt lên tại Diễn đàn Kinh tế báo chí 2023 (Quy Nhơn, Bình Định tháng 2/2023): kinh tế báo chí giờ là mối lo hằng ngày.
2. Và nếu được hỏi còn điều gì đã khiến chính những người làm báo nặng lòng nhất trong năm 2023, câu trả lời không gì khác là câu chuyện suy giảm đạo đức làm nghề, là con số ngày càng tăng các phóng viên nhà báo vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật. Vụ việc lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an Hà Tĩnh khởi tố 3 đối tượng về tội “Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi”, cầm đầu là Lê Danh Tạo, SN 1966, gây ồn ã mới đây chỉ là vụ việc mới nhất trong số hàng loạt trường hợp là nhà báo, cộng tác viên tại các cơ quan báo và tạp chí đã bị khởi tố với tội danh tương tự trong năm 2023.
Theo thống kê mới nhất của Ban Kiểm tra, Hội Nhà báo Việt Nam, đến nay đã có 90 trường hợp nhà báo, hội viên, phóng viên vi phạm. Trong đó, 75 trường hợp vi phạm pháp luật, 10 Điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo ở Trung ương và các địa phương, đơn vị đã xem xét, xử lý đối với hơn 30 trường hợp vi phạm quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam từ phê bình nhắc nhở đến khai trừ thu hồi thẻ hội viên.
Trong đó, nhà báo, phóng viên thường có vi phạm về cưỡng đoạt tài sản. Các chuyên gia nhận định đó là những con số đau lòng, song, con số này cũng chưa phản ánh hết những “góc khuất” trong hoạt động báo chí hiện nay, đó là câu chuyện vi phạm pháp luật, vi phạm bản quyền tác giả; đạo tin, đạo báo; lợi dụng nghề nghiệp, dọa dẫm doanh nghiệp để trục lợi, nhận hối lộ…
Thực tế đó đang khiến chính những người làm báo phải suy ngẫm, còn công chúng báo chí, dư luận xã hội hết sức quan tâm, lo ngại, thậm chí suy giảm lòng tin vào báo chí.
Trước thực tế nhức nhối ấy của báo chí Việt Nam, một câu hỏi đầy day dứt đã được đặt ra, rằng phải chăng áp lực kinh tế khiến nhà báo sa ngã?
Bàn về điều này, ông Nguyễn Đức Lợi – Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp HNBVN, nhận định, hiện nay, do cơ chế tự chủ nên không ít các tòa soạn giao khoán định mức kinh tế truyền thông cho các phóng viên đã dẫn đến áp lực về việc làm, thu nhập khiến người cầm bút dễ sa ngã, đôi khi phóng viên đặt mục tiêu có hợp đồng kinh tế hơn là chú trọng đến chất lượng bài viết. Một hiện tượng phát sinh từ việc lợi dụng cơ chế tự chủ là tình trạng phóng viên các tạp chí điện tử chuyên ngành “xé rào” đi viết bài chống tiêu cực hoặc PR cho doanh nghiệp nhưng thực chất là để dọa dẫm vòi tiền, đòi quảng cáo hoặc hợp đồng truyền thông để hưởng lợi cá nhân hoặc nộp lại cho đơn vị dưới danh nghĩa “nuôi sống tòa soạn”. Hiện tượng này gọi là “báo hóa tạp chí” gây ảnh hưởng lớn đến danh dự, uy tín các nhà báo chân chính, làm xã hội hiểu sai lệch vai trò của báo chí.
PGS.TS Nguyễn Thị Trường Giang – Phó Giám đốc Học Viện Báo chí & Tuyên truyền, cũng cho rằng, khó khăn tác động của nền kinh tế thị trường, khiến mỗi nhà báo phải vật lộn với “cơm áo gạo tiền”, các tòa soạn phải lo toan về kinh tế báo chí… Một mặt phải hoàn thành nghĩa vụ, trách nhiệm trong Kinh tế báo chí, một mặt phải hoàn thành nhiệm vụ chính trị của nghề nghiệp. Cho nên đây cũng là việc vướng mắc cần phải được tháo gỡ để tạo ra cơ chế động viên, khuyến khích, bảo hộ cho báo chí phát triển để cho người làm báo thăng hoa, sáng tạo, các cơ quan báo chí được giải phóng mình, chỉ tập trung thực hiện nhiệm vụ, sứ mệnh hết sức cao cả mà nhân dân, xã hội giao cho. Đó là trách nhiệm trước sự thật, trước công chúng, trước Nhân dân. Đó là trách nhiệm trước tin tức, trách nhiệm trước các vấn đề của thời cuộc…
TS. Nguyễn Tri Thức – Ủy viên BBT kiêm Trưởng Ban chuyên đề và chuyên san, Tạp chí Cộng sản thì khẳng định, phải giải quyết hài hòa giữa lợi ích kinh tế với nhiệm vụ chính trị của các cơ quan báo chí nói riêng và nền báo chí nói chung. Khi vấn đề kinh tế báo chí chưa được giải quyết, chưa giúp các nhà báo yên tâm lao động cống hiến thì còn nhiều cái khó khăn liên quan đến quá trình giữ gìn và nuôi dưỡng phát huy đạo đức nghề nghiệp trong quá trình công tác.
Rõ ràng, không thể biện minh cho câu chuyện “thiếu thốn thì làm liều”, nhất là với những người đang giữ trên vai mình sứ mệnh truyền tải thông tin hết sức thiêng liêng, nhưng cũng không thể phủ nhận hoàn toàn được rằng áp lực “cơm áo gạo tiền” đã là một trong nhiều nguyên nhân gây nên sự suy giảm đạo đức nghề nghiệp của nhiều nhà báo hiện nay.
3. Chúng ta đã và đang nói nhiều tới sứ mệnh của người làm báo cách mạng. Hành trình gần 100 năm đã qua, và cả hành trình 100 năm tới, báo chí Việt Nam đã, đang và sẽ nguyện làm hết sức vì sứ mệnh cao cả của mình, đó là tiếp tục đồng hành cùng dân tộc, luôn là lực lượng nòng cốt, giữ vai trò quan trọng trên mặt trận tư tưởng, văn hóa; đóng góp to lớn vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vừa bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, vừa tạo dựng sự đồng thuận trong xã hội, thắp lên ngọn lửa tri thức, góp phần bồi đắp ý chí, nhuệ khí cách mạng và khát vọng phồn vinh, hạnh phúc của các tầng lớp Nhân dân…
Báo chí Việt Nam là Báo chí Cách mạng, những người làm báo Việt Nam là những người làm báo cách mạng, phải có trách nhiệm làm tròn sứ mệnh ấy. Dù đó là sứ mệnh rất lớn và không hề dễ dàng.
Người xưa có câu “có thực mới vực được đạo”, “có bột mới gột nên hồ”. Để tồn tại trong bối cảnh kinh tế khó khăn, trong yêu cầu tự chủ về tài chính, các cơ quan báo chí giờ đây phần đa đều phải tìm cho mình lời giải cho bài toán nguồn thu… Lời giải ấy, trong bối cảnh hiện nay, rất đa dạng, khác nhau từ điều kiện, nguồn lực từ mỗi cơ quan báo chí: nơi vật lộn tìm kiếm “hợp đồng truyền thông” từ doanh nghiệp, nơi tìm cách cạnh tranh giành giật thị phần người nghe, người xem với các trang mạng xã hội, nơi tìm cách thu phí truy cập… thông qua việc quay trở lại những tác phẩm báo chí chất lượng cao, tìm về với những giá trị cốt lõi để tăng sức cạnh tranh, thu hút bạn đọc trở lại…
Tuy nhiên, kinh tế đi xuống, doanh nghiệp khó khăn cắt giảm ngày càng nhiều chi phí cho quảng cáo – truyền thông; việc thu phí nội dung báo điện tử lại chưa đạt được hiệu quả như mong đợi, còn thiếu cơ chế Nhà nước đặt hàng báo chí, tình trạng vi phạm bản quyền chưa được giải quyết triệt để… Tất cả đã khiến kinh tế báo chí càng chịu tác động nặng nề, các cơ quan báo chí ngày càng đứng trước những “thách thức kép” vô cùng nan giải. Bài toán gỡ khó kinh tế báo chí đã nan giải tới mức, nỗ lực tự thân của các toà soạn là không đủ. Đã đến lúc cần thêm những trợ lực từ Nhà nước…
Trong những năm qua, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong việc tạo cơ chế và chính sách cho hoạt động kinh tế báo chí. Hiện chi ngân sách thường xuyên cho báo chí chiếm từ khoảng 0,5% chi thường xuyên của ngân sách. Tuy nhiên, hiện đang tồn tại khá nhiều vấn đề trong cơ chế, chính sách cần phải tháo gỡ.
Cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông, thời gian qua, Hội Nhà báo Việt Nam và một số cơ quan báo chí cũng đăng ký làm việc với Bộ Tài chính về những khó khăn, vướng mắc đang gặp phải. Tựu trung là các khó khăn, vướng mắc trong các quy định về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập tại Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (Nghị định 60). Bên cạnh đó là vướng mắc về cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản xuất, cung cấp dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên (Nghị định 32); chính sách về thuế đối với các cơ quan báo chí…
Chạm mốc 100 năm, báo chí cách mạng Việt Nam đang chuẩn bị bước tiếp trên hành trình phát triển mới, với yêu cầu bền vững hơn, lành mạnh hơn… Và để làm được điều đó, ngoài nỗ lực của các cơ quan báo chí, thì việc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trên cũng nên là những việc nên làm và nên làm ngay.
Nhà báo Nguyễn Uyển – Nguyên Trưởng ban Công tác Hội – Hội Nhà báo Việt Nam- từng chiêm nghiệm về nghề mình từng đeo đuổi, rằng: Làm báo thì phải có nghề, phải có tấm lòng đẹp mới mong đưa đến những điều tốt đẹp cho bản thân, cho con người và xã hội… Đi cùng tâm là đức. Đức chỉ giá trị và tính cách của một con người. Đạo là đường, đức là tính tốt. Đạo đức là con người có nét đẹp trong đời sống và tâm hồn, trong phong cách sống và hành động.
Đó hẳn là những giá trị cốt lõi của nghề báo. Nhưng để trở về được với giá trị cốt lõi ấy, thiết nghĩ, cũng cần sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, nhiều giải pháp trong đó có bài toán cơ chế và kinh tế báo chí. Người làm báo có lẽ cũng như những người lao động khác, cũng cần được đảm bảo về chế độ chính sách lương, nhuận bút, bảo hiểm, chế độ công tác phí, khen thưởng… để bảo đảm cuộc sống, yên tâm cống hiến, phục sự. Bởi suy cho cùng, cơm áo đâu đùa với bất kì ai.
Nguyễn Hà