(Báo Quảng Ngãi)- Nắng mênh mông xuyên qua tán lá đổ xuống sân trường. Ve được dịp hòa lên tấu khúc ngày hè. Cây phượng già ở góc sân trường bung ra từng chùm hoa tươi đỏ. Cổng trường im ỉm. Mấy ngày này, học trò các lớp cuối cấp đang chạy đua nước rút để ôn tập, chuẩn bị bước vào kỳ thi quyết định tương lai. Thành đi ngang qua, nhìn vào trường. Vẫn cái nắng chói chang và chùm hoa đỏ rực kia, gợi lại cho Thành những kỷ niệm đã xa.
Ngày đó, Thành về trường nhận lớp khi mới ngoài hai mươi tuổi, cái tuổi đầy hứa hẹn, cái tuổi mà bóng dáng cuộc đời chưa đè nặng chuyện áo cơm. Thành dạy lớp 10 và 11. Học trò của Thành là con em những gia đình ở nông thôn, quanh năm gắn bó với ruộng đồng. Học trò như quen nắng, quen mưa. Hình như chúng lớn lên từ dưỡng chất thiên nhiên, luôn nở ra những nụ cười và ánh mắt tươi vui. Học trò mê giờ Thành dạy và Thành cũng rất vui với công việc của mình. Trong lớp 10B2, có học trò tên Trang, cái tên nghe có vẻ con gái, nhưng lại là một nam sinh cá biệt. Thường trong lớp, thầy giáo nào cũng hay nhớ những học sinh cá biệt và những học sinh chăm ngoan. Trang là học sinh cá biệt, nhưng không quậy phá, không gây mất trật tự trong lớp. Có điều, giờ học nào Trang cũng thích nhìn ra cửa sổ. Từ cửa sổ phóng tầm mắt ra một khoảng đồi, ở đó sim bạt ngàn, cùng với cánh đồng mênh mông nắng gió. Không biết nghĩ gì, nhưng trong giờ dạy của Thành, Trang cứ nhìn ra khoảng đồi sim ấy. Tháng Ba âm lịch, sim nở tím một góc trời. Những bông sim tím biếc hồn nhiên đong đưa theo từng cơn gió. Không lẽ Trang mê thơ cụ Hữu Loan đến vậy sao? Một lần sau giờ dạy, Thành tìm đến nhà Trang, một ngôi nhà nhỏ bé nằm khuất sau chân đồi. Trang không có nhà. Tiếp Thành là một người đàn ông đã đứng tuổi, dáng người khắc khổ. Ông xoa hai tay vào nhau, nói:
– Dạ, chào thầy! Mời thầy ngồi tạm đây.
Nói rồi, ông đem ra cái bình trà đã sứt vòi có gắn thêm một đoạn ống nhựa. Bình trà để trên cái khay đã cũ. Ông rót nước mời Thành.
– Mời thầy dùng tạm chén nước. Mấy đời, mấy thuở thầy đến đây. Chắc cũng có chuyện gì phải không thầy. Tôi nghe nói thầy về đây dạy cũng đã lâu, nhưng mấy lần họp phụ huynh, tôi chỉ gặp cô Hoa chủ nhiệm lớp em Trang, không gặp thầy. Nghe nói thầy dạy môn Văn. Không biết Trang nó học có được không thầy?
Người đàn ông tỏ vẻ lo lắng, không biết con mình có quậy phá gì ở trường mà thầy giáo tìm đến nhà. Ông nói:
– Không giấu gì thầy, tui có mình nó. Trai gái gì cũng chỉ có mình nó thôi. Tôi ráng làm ruộng, đốn củi, cho nó đến trường để kiếm cái chữ nuôi thân. Đời tôi lam lũ rồi, không muốn con cái mình cũng ngập trong gốc rạ, quanh năm chẻ củi, trèo thang như tôi.
– Dạ thưa chú, cháu đến thăm, tìm hiểu hoàn cảnh của gia đình ta. Có gì khó khăn, trong điều kiện giúp đỡ được, cháu sẽ báo lại với nhà trường tạo điều kiện cho Trang. Ở trường, Trang không quậy phá gì, cũng không gây gổ, đánh nhau. Nhưng Trang ít khi hòa nhập với bạn bè. Riêng môn cháu dạy, Trang tiếp thu nhanh, hiểu bài và có nhiều ý tưởng sáng tạo trong làm bài. Nói chung là thuộc diện học sinh khá. Riêng thầy cô dạy môn khác có một nhận xét là em Trang không chú ý nhìn lên bảng, hay lơ đãng, hay nhìn ra ngoài đồi.
Ông già há hốc mồm có vẻ ngạc nhiên. Rồi ông cúi xuống, như suy nghĩ gì mông lung lắm. Ông nhớ về một ngày cách nay ba năm, lúc đó Trang đang học lớp 8. Đó là một ngày mùa đông, gió và mưa dữ lắm. Con suối Tầm Linh sau nhà cuồn cuộn chảy. Bữa đó bà Dung, mẹ của Trang đi chợ về. Trên đôi gánh đầy rau củ, bà lội qua suối. Và đó là buổi chiều định mệnh, vĩnh viễn ông xa rời người vợ tảo tần, sớm hôm cùng ông chia sẻ suốt một quãng đời. Hai ngày sau thì nước rút, người ta mới tìm ra thi thể người đàn bà xấu số, bên bụi sim già gần mé suối. An táng cho vợ xong, hai cha con ông quạnh hiu trong những bữa cơm chiều lặng lẽ. Từ đó, ông thấy Trang ít nói, lúc nào cũng có vẻ đăm chiêu. Những buổi chiều về, Trang thẫn thờ ra bên mộ của mẹ. Những buổi chiều không học, Trang hay ra ngồi dưới gốc sim già đọc sách. Từng Trang sách đi qua dưới mắt Trang, thấp thoáng người mẹ gầy quảy gánh trong mưa. Trang đến bên mộ mẹ, lâm râm khấn vái rằng mẹ linh thiên phù hộ cho con, con quyết chí học hành để không phụ công ba mẹ.
Ba mùa phượng nở đi qua. Ba mùa ve kêu khiến lòng Trang rộn rã hồi hộp đợi chờ. Đây là mùa phượng cuối cùng của Trang ở bậc trung học phổ thông. Mỗi ngày tiếng ve càng thúc giục, như sắp chia tay lớp học cuối cấp, chia tay bè bạn, nhất là chia tay thầy Thành. Thầy Thành đã lên dạy lớp 12. Có lần Trang tâm sự với thầy là Trang rất thích học môn Văn. Môn Văn mở ra cho Trang một chân trời sáng tạo, nuôi dưỡng tình cảm và tâm hồn con người.
Và rồi, Trang trúng tuyển đại học, tin vui bay khắp xóm. Người vui tràn nước mắt là ba Trang. Ông tìm gặp thầy Thành để chia vui:
– Nói thiệt với thầy, mấy hôm nay, tui ăn gì cũng nghe ngon. Làm việc suốt buổi cũng không thấy mệt thầy ơi! Có điều sau niềm vui đó là nỗi lo, không biết xoay xở thế nào cho nó lên đường nhập học.
Thầy Thành nói:
– Chú cứ về lo được bao nhiêu thì lo. Con sẽ vận động các thầy cô và nhà trường sẽ tạo điều kiện cho cháu. Chú cứ vui lên đi, đừng làm nó chùn bước, tội nghiệp!
Riêng Trang, đêm đó không sao ngủ được, trông cho trời sáng, ra thăm mộ mẹ. Hai cha con khóc cười lẫn lộn. Trang nói:
– Mẹ ơi, còn vài hôm nữa đứa con trai của mẹ sẽ xa xóm đồi này, xa mẹ để bước vào con đường mới. Con đường chắc còn nhiều chông gai, trắc trở, nhưng con hứa với mẹ là con sẽ theo đuổi đến cùng.
Về đến nhà, Trang thấy thầy Thành đã ngồi trước hè.
– Chào chú và em. Mai em vào trường rồi phải không? Thầy và hội đồng giáo viên nhà trường có chút quà tặng em, chúc em lên đường bình an và học hành tiến bộ.
Hai cha con cảm ơn nhà trường, cảm ơn thầy Thành. Thầy Thành ra về, không quên siết tay hai cha con lần nữa, như muốn truyền thêm chút lửa tin yêu cho đứa học trò nghèo.
Sau khi thầy Thành về, Trang mở gói quà có ghi bên ngoài dòng chữ “Hội đồng giáo viên tặng em”. Trang nước mắt rưng rưng. Đúng là hai bộ quần áo này là của thầy Thành mặc hằng ngày đến lớp. Thầy đã giặt ủi cẩn thận và gói lại đây. Thầy còn ghi ngoài “chút quà của thầy tặng em”. Gói trong giữa lớp áo quần ấy là cái bì thư với mấy triệu đồng.
– Dậy Trang ơi, dậy thôi đến giờ học rồi! Tiếng thằng bạn cùng trọ học làm Trang choàng tỉnh. Chả là đêm qua mãi đọc mớ tài liệu tham khảo để thi học phần. Người Trang ốm yếu, da hơi xanh một chút. Nhiều khi Trang không dám tự soi gương, thấy mình gầy đi nhiều quá. Nhưng cứ mỗi lần nghĩ đến ba mẹ, Trang như mạnh mẽ lên, quên hết mọi khó khăn. Các bạn cùng khoa báo chí đều thương hoàn cảnh của Trang, rồi đến thầy Quốc Ca dạy lý luận văn học, thầy Hồng dạy triết đều biết. Các thầy biết Trang là đứa học trò nghèo vượt khó. Đến năm thứ hai, nhà trường có thông báo, những sinh viên nào chưa đóng học phí kỳ II sẽ không được ghi danh vào kỳ thi học phần sắp tới. Nghe thông báo mà lòng Trang rối lên. Lần nào, qua số điện thoại của thằng bạn, cha Trang có hỏi con ăn uống thế nào, có đủ tiền sinh hoạt trong tháng không? Trang đều trả lời dạ đủ, ba đừng lo cho con. Nhưng thật ra Trang đã để những giọt nước mắt tủi thân, những giọt nước mắt lo âu của mình rơi xuống đất.
Mấy ngày nay, lớp báo chí không còn thấy chàng sinh viên mảnh khảnh ôm sách tới giảng đường. Hỏi ra mới biết vì hoàn cảnh khó khăn, Trang đã bỏ học. Cả lớp không biết Trang đã đi đâu.
Đang chạy xe trên đường Cách Mạng Tháng Tám, thầy Quốc Ca, dạy môn lý luận văn học, bỗng thấy dáng người quen. Một thanh niên đội chiếc mũ vải rộng vành, đi chiếc xe đạp, chở theo sau một cái hộp gỗ. Thầy ép xe sát lề nhìn kỹ. Thầy gọi to:
– Trang? Phải Trang lớp K4, phân khoa báo chí không?
Người thanh niên lễ phép:
– Dạ, em chào thầy. Thầy làm gì mà xuống tận đây vậy?
– Thầy dự lớp tập huấn ở đây. Thầy xuống TP.Hồ Chí Minh được hai hôm rồi. Sao em không tiếp tục học mà xuống đây làm nghề gì vậy? Cái hộp gỗ em chở đằng sau kia là để làm gì?
– Dạ thầy ơi! Hoàn cảnh em khó quá, chắc em không tiếp tục con đường học vấn được nữa, em xin bảo lưu kết quả, khi có điều kiện em học tiếp được không thầy? Cái hộp này là hộp kẹo kéo.
Thầy Quốc Ca nói:
– Thì ra em xuống đây bán kẹo kéo à? Em trở lại trường đi. Các bạn trong lớp đã góp tiền đóng học phí cho em rồi. Mấy hôm nay các bạn tìm cách liên lạc với em mà không được. Em nghe lời thầy, cứ về trường tiếp tục học, những chuyện khác cứ để đó cho thầy và các bạn lo. Về ngay bây giờ nghe chưa.
– Dạ, em nghe lời thầy ạ!
Dịp nghỉ lễ, khi thầy Thành đang lúi húi kê lại mấy chậu hoa. Có một người khách từ phía sau đi tới. Ngoái lại, thầy Thành ngạc nhiên:
Ủa, Trang hả, em về bao giờ? Mấy lâu nay có khỏe không?
– Dạ, em mới vừa về chạy xuống thầy ngay. Thầy về hưu rồi vẫn khỏe chứ?
– Thầy vẫn khỏe. Công tác em tốt chứ?
– Dạ, em vẫn tốt, em làm trong ban biên tập một tờ báo của tỉnh.
Mới đó mà mấy mươi năm rồi. Thời gian bay vèo như cơn gió.
Câu chuyện hai thầy trò xoay quanh những năm tháng khó khăn mà đầy ắp tình người. Mơ ước của một học sinh nghèo đã thành hiện thực.
Bây giờ, mỗi khi hè về, nhìn những chùm hoa phượng đỏ, thầy Thành lại nhớ đến kỷ niệm xưa trong mênh mang lưu luyến. Màu hoa phượng sân trường như mang chứa nỗi niềm của từng thế hệ học trò chưa bao giờ chấm dứt.
THOẠI VĂN