Từ ý tưởng truyền dạy, nâng cao nhận thức bảo tồn văn hóa truyền thống, thời gian qua, nhiều trường học ở miền núi tổ chức các hoạt động hướng dẫn, luyện tập và cho học sinh thực hành trải nghiệm không gian dệt thổ cẩm, múa hát trống chiêng, nói lý – hát lý… đầy lôi cuốn, sinh động.
Thực hành trong trường học
Với lợi thế đa số học sinh là con em đồng bào Cơ Tu, nhiều năm qua, Trường THPT Tây Giang được biết đến như một điển hình trong việc truyền dạy, hướng dẫn thực hành văn hóa cho học sinh miền núi. Không chỉ là hoạt động trải nghiệm, các đợt tổ chức này như là dịp khuyến khích học sinh gần hơn với văn hóa truyền thống, giúp nâng cao nhận thức, góp sức vào mục tiêu bảo tồn bản sắc.
Cô giáo Arất Mai Tình – Hiệu trưởng Trường THPT Tây Giang cho biết, sau thời gian ấp ủ, cuối cùng nhà trường cũng tổ chức thành công hoạt động trải nghiệm, hướng dẫn học sinh thực hành dệt thổ cẩm truyền thống Cơ Tu.
Ngoài xây dựng kế hoạch triển khai, nhà trường liên hệ mời nghệ nhân có tay nghề cao hỗ trợ truyền dạy, tạo không gian sinh hoạt bổ ích, giúp học sinh nâng cao hiểu biết về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cha ông.
Tại buổi truyền dạy, bằng không gian văn hóa trải nghiệm thực tế, các nghệ nhân Cơ Tu đưa học sinh đi từ ấn tượng này đến thú vị khác, khi tự tay tập dệt thổ cẩm. Thông qua cách thức luồn đường chỉ kết hợp động tác tay cầm dụng cụ, chân kẹp khung cửi… những gam màu sinh động được thể hiện khiến học sinh thích thú.
“Lần đầu tiên tổ chức buổi truyền dạy, chúng tôi nhận thấy các em học sinh đều hào hứng với hoạt động trải nghiệm này. Nhiều em mặc dù còn khá rụt rè nhưng sau khi được nghệ nhân hướng dẫn đã nắm bắt được cách thức dệt cơ bản, cách phối màu thổ cẩm theo đúng họa tiết hoa văn truyền thống Cơ Tu” – cô Tình chia sẻ.
Từ hiệu quả bước đầu, cô Tình nói nhà trường sẽ duy trì hoạt động trải nghiệm thú vị này. Tuy nhiên, do khó khăn nguồn kinh phí nên việc thực hiện sẽ được lồng ghép linh hoạt, tạo điều kiện giúp học sinh nhận thức đầy đủ về giá trị văn hóa truyền thống, góp phần bảo tồn và phát triển bản sắc trong môi trường giáo dục.
“Những năm gần đây, chúng tôi thường xuyên tổ chức các chương trình trải nghiệm văn hóa vùng cao cho học sinh nhà trường, thông qua hoạt động thi gói bánh sừng trâu, thi bắn nỏ, trưng bày không gian văn hóa ẩm thực, trình diễn trang phục truyền thống Cơ Tu…
Ngoài ra, nhà trường phối hợp với cơ quan văn hóa của huyện tổ chức các đợt truyền dạy đánh trống chiêng kết hợp múa tâng tung da dá, hát giao duyên Cơ Tu giúp học sinh làm quen với văn hóa truyền thống trong trường học” – cô Tình cho biết thêm.
Góp sức bảo tồn văn hóa
Không riêng Trường THPT Tây Giang, thời gian qua, tại các huyện miền núi ghi nhận rất nhiều hoạt động, chương trình giáo dục trải nghiệm đưa văn hóa truyền thống vào trường học, tạo dấu ấn trong cách thức truyền dạy cho học sinh.
Tại Trường Tiểu học A Ting (Đông Giang), sau thời gian luyện tập cách thức đánh trống chiêng, múa tâng tung da dá, học sinh từ khối lớp 3 đã cơ bản biết múa vũ điệu truyền thống. Đây được xem là bước đầu để học sinh làm quen với môi trường giáo dục kiểu mới, đưa văn hóa vào trong học đường.
Thầy giáo Lưu Lạc Sơn – Tổng phụ trách Đội Trường Tiểu học A Ting cho biết, hoạt động giáo dục đưa văn hóa truyền thống hỗ trợ học sinh miền núi được triển khai theo chương trình chủ điểm phong trào “Nghìn việc tốt”, hưởng ứng ngày hội “Tiến bước lên Đoàn” nhân kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2023).
Để hoạt động trải nghiệm được diễn ra, nhà trường kêu gọi sự hỗ trợ tinh thần của phụ huynh trong việc huy động nghệ nhân truyền dạy, cũng như tạo điều kiện hỗ trợ bộ trống chiêng, thổ cẩm truyền thống…
Từ hoạt động ý nghĩa này, Liên đội Trường Tiểu học A Ting thành lập câu lạc bộ tâng tung da dá cho đội viên khối lớp 3, giúp học sinh rèn luyện kỹ năng múa truyền thống. Đây được xem là liên đội đầu tiên tại địa phương triển khai mô hình giáo dục kiểu mới, đưa bản sắc văn hóa vào trong trường học.
Ông Đỗ Hữu Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho hay, trong đề án bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, địa phương khuyến khích mô hình truyền dạy và đưa văn hóa Cơ Tu vào trong trường học.
“Thời gian qua, một số trường đã bước đầu triển khai nội dung đưa văn hóa truyền thống vào trường học, giúp học sinh làm quen với hoạt động bảo tồn bản sắc. Bằng sự kết nối, hỗ trợ của nhà trường với các câu lạc bộ trống chiêng, múa tâng tung da dá, nói lý – hát lý trong cộng đồng, hy vọng sẽ góp thêm nền tảng quan trọng giúp học sinh gần hơn với văn hóa bản địa và nhận thức đúng giá trị truyền thống, cùng góp sức cho việc bảo tồn các giá trị tốt đẹp sau này” – ông Tùng nhấn mạnh.